Hóa chất bảo quản thực phẩm gây hại cho trẻ nhỏ ra sao?

GD&TĐ - Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) mới đây đã công bố báo cáo khoa học trong đó có các hướng dẫn dành cho cha mẹ có con nhỏ.

Hóa chất bảo quản thực phẩm gây hại cho trẻ nhỏ ra sao?

Cùng với các chuyên gia khác trong lĩnh vực y tế và luật học, các nhà nghiên cứu của AAP bày tỏ sự quan ngại trước những bằng chứng khoa học cho thấy một số hóa chất xâm nhập vào thực phẩm có thể ảnh hưởng đến hóc-môn tự nhiên của cơ thể và để lại hậu quả lâu dài đối với sự phát triển thể chất của trẻ.

Họ kêu gọi tiến hành thử nghiệm kỹ càng hơn nữa và thường xuyên hơn nữa đối với hàng nghìn hóa chất sử dụng làm phụ gia thực phẩm hoặc gián tiếp được đưa vào thực phẩm qua quá trình chế biến hoặc đóng gói.

Điển hình trong số các hóa chất đó là nitrates và nitrites (NO3 và NO2 , tương ứng với mã số trên bao bì thức ăn thường thấy là E251 và E249) được dùng làm chất bảo quản, chủ yếu là dùng cho thịt; phthalates có trong túi đựng bằng nhựa; và bisphenols có trong đồ hộp kim loại đựng thực phẩm.

Ngoài ra các bác sỹ còn lo ngại về các chất hóa học nhóm perfluoroalkyl (gọi tắt là PFCs) được dùng trong vật liệu chống dính; và perchlorates dùng để chống tĩnh điện cho túi đứng bằng nhựa.

Theo bác sỹ Leonardo Trasande, thuộc Trường Dược của Trường đại học New York - tác giả chính của báo cáo – thì mọi người có thể dễ dàng hạn chế được nguy cơ nhiễm độc các hóa chất này bằng cách không ăn đồ hộp và không sử dụng túi nhựa để đựng thức ăn.

Còn người phát ngôn của Hội đồng Hóa học Hoa Kỳ (một hiệp hội thương mại), ông Jonathan Corley lại cho rằng sử dụng hóa chất là việc thiết yếu để giữ được chất lượng thực phẩm, rất hữu ích trong vận chuyển và bảo quản tốt thức ăn.

Ông cũng cho rằng nhiều hóa chất mà AAP tuyên bố là độc hại thật ra không ảnh hưởng đến nội tiết nếu sử dụng hoặc bị nhiễm ở mức bình thường. Tuy nhiên, ông Corley không đưa ra các bằng chứng khoa học để bảo vệ ý kiến của mình.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học của Trường đại học California, Mỹ, đã sử dụng một phương pháp mới lạ để kiểm tra máu và cho biết họ đã thấy trong máu của phụ nữ mang thai có hàng chục hóa chất được gọi là các a-xít hữu cơ môi trường (EOAs).

EOAs, kể cả bisphenol-A (BPA) có cấu trúc hóa học tương đồng với hóc-môn, có nghĩa là chúng có thể can thiệp và làm hỏng hệ nội tiết của thai nhi và ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa trẻ sau khi ra đời.

Các chuyên gia cho biết một số hóa chất này trước đây chưa từng được ghi nhận là có trong máu của phụ nữ mang thai, trong đó có 2 hóa chất liên quan đến dị tật bẩm sinh, sảy thai và ung thư.

Trong số các hóa chất tìm thấy trong cơ thể phụ nữ mang thai còn có một hợp chất nội tiết tố nữ được sử dụng trong các sản phẩm nhựa dùng trong công nghiệp thực phẩm, trong ống hút và chai nhựa, và một hợp chất bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Mỹ) cấm sử dụng từ hàng chục năm nay, nhưng vẫn xuất hiện trong mỹ phẩm, thuốc trừ sâu như một chất tạo màu trong các quá trình công nghiệp.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng cực kỳ dễ bị tác động bởi các hóa chất trong thực phẩm, một phần là vì các em ăn nhiều thức ăn hơn người lớn (tính theo tỉ lệ giữa khối lượng thức ăn và trọng lượng cơ thể). Đáng kể hơn là sự trao đổi chất trong cơ thể trẻ và các hệ sinh học cơ bản của cơ thể trẻ vẫn còn non nớt và đang trong quá trình phát triển, vì thế những rối loạn nội tiết có thể gây ra những hậu quả lâu dài.

Giáo sư Laura N. Vandenberg, Khoa Khoa học Sức khỏe môi trường, thuộc Trường Đại học Massachussetts (Mỹ), đại diện cho Hiệp hội Nội tiết Quốc tế, nói rằng chỉ cần bị nhiễm một lượng rất nhỏ các chất gây rối loạn nội tiết cũng có thể biến chuyển thành bệnh.

Rất nhiều hóa chất được nói đến trong báo cáo nhi khoa nói trên có ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em vì chúng tác động đến những hóc-môn điều chỉnh sự phát triển của não bộ, của bộ phận sinh dục và các chức năng chuyển hóa thông thường.

Theo số liệu của các Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật (ở Mỹ), từ những năm 70 trở lại đây, số lượng trẻ bị béo phì đã tăng gấp 3 lần, cứ 5 trẻ trong độ tuổi 6 đến 9 thì có 1 trẻ béo phì; các rối loạn trong giai đoạn phát triển cơ thể của trẻ tăng rất nhanh từ những năm 90 đến khoảng giữa những năm 2000; tỷ lệ trẻ nhỏ và thiếu niên có triệu chứng tiểu đường Loại 1 và Loại 2 cũng tăng lên.

Nhận định của AAP trong báo cáo nói trên đặc biệt chỉ trích qui định của FDA đối với các chất phụ gia được coi là an toàn, trong đó báo cáo có viện dẫn đánh giá của Cơ quan Thẩm định Trách nhiệm của Chính phủ đối với chương trình này đã nhận định “với cơ chế phê duyệt hiện nay, FDA không thể đảm bảo độ an toàn của các phụ gia đang hoặc sẽ được sử dụng.”

Người phát ngôn của FDA, bà Megan McSeveney nói rằng cơ quan này không bình luận về những nhận định hay những nghiên cứu cụ thể, nhưng có nói là an toàn thực phẩm “là nhiệm vụ quan trọng nhất mà cơ quan này sẽ thực hiện để bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng toàn quốc.”

Bà Megan cũng nói rằng các qui định của FDA định nghĩa các chất trong thực phẩm “an toàn” nghĩa là “có mức độ chắc chắn hợp lý về mặt khoa học cho thấy các chất đó không có hại cho sức khỏe khi được dùng ở mức cho phép” và định nghĩa này áp dụng các phụ gia thực phẩm, phụ gia tạo màu và các chất được coi là an toàn cũng như các chất được sử dụng trong chế biến, đóng gói hoặc xử lý thực phẩm.

Nếu các thông tin mới (như là các nghiên cứu được công bố hay các báo cáo về các sự việc tiêu cực) cho thấy một chất đã sử dụng có thể là không an toàn hoặc nếu mức độ tiêu thụ đã thay đổi và có thể ảnh hưởng đến sự an toàn, thì FDA có thể tiến hành những nghiên cứu kỹ hơn để xem xét liệu việc sử dụng đó có được tiếp tục coi là an toàn hay không.

Nhóm chuyên gia nhi khoa nói trên lưu ý các gia đình thực hiện các bước sau đây để giảm mức độ trẻ bị nhiễm hóa chất: Ưu tiên sử dụng rau và trái cây tươi hoặc đông lạnh bất cứ khi nào có thể; Tránh sử dụng thịt đã qua chế biến, đặc biệt là trong thời gian mang thai;

Tránh sử dụng hộp đựng bằng nhựa khi chế biến đồ ăn và thức uống trong lò vi sóng – kể cả hâm nóng sữa mẹ hoặc sữa bột pha cho trẻ uống, không để hộp đựng thức ăn bằng nhựa tiếp xúc với nước rửa bát.

Dùng các đồ đựng khác thay cho nhựa, ví dụ như thủy tinh hoặc thép không gỉ, bất cứ khi nào có thể.

Kiểm tra mã số tái chế dưới đáy sản phẩm và tránh những đồ nhựa có mã tái chế 3, 6 và 7 vì chúng có thể chứa phthalates, styrene và bisphenols, trừ khi các đồ đựng này được ghi chú là “biobased” (đã được chứng nhận hữu cơ) hoặc “greenware” (không có hại cho môi trường) cho biết các đồ đựng này không chứa bisphenols.

Rửa tay trước khi chế biến đồ ăn thức uống và rửa sạch những loại rau, quả ăn sống và không gọt vỏ.

Theo Dân trí/NYT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ