Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vẫn lạm dụng chất gây suy giảm tầng ozone

GD&TĐ - Một nhóm áp lực môi trường vừa đăng tải báo cáo cho thấy nhiều nhà máy của Trung Quốc đang sử dụng hoá chất CFC bất hợp pháp và là thủ phạm gây ra sự tăng vọt về phát thải khí CO2 trong thời gian vừa qua.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vẫn lạm dụng chất gây suy giảm tầng ozone

Nhóm chiến dịch của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) cho biết, 18 nhà máy thuộc 10 tỉnh của Trung Quốc sau cuộc điều tra đã bộc lộ họ đang sử dụng hoá chất bị cấm CFC (chlorofluorocarbons).

Các nhà sản xuất và thương nhân đã tiết lộ với những nhà nghiên cứu của EIA khi họ giả làm người mua rằng phần lớn các công ty sản xuất bọt xốp của Trung Quốc tiếp tục sử dụng hoá chất CFC-11 nhằm đáp ứng nhu cầu làm chất cách điện của ngành xây dựng đang ngày càng tăng cao với giá thành rẻ và chất lượng tốt.

CFC là hoá chất gây suy giảm tầng ozone - màn chắn bảo vệ sự sống trên Trái đất khỏi ảnh hưởng của các tia mặt trời nguy hiểm.

Nghị định thư Montreal năm 1987 đã cấm hoàn toàn việc sử dụng CFC và chúng chính thức bị ngừng sản xuất tại các nước đang phát triển vào năm 2010.

Giới chức trách của Trung Quốc trước đây đã tuyên bố quốc gia ngừng sử dụng CFC trong công nghiệp từ năm 2007.

Trao đổi với AFP vào ngày thứ 2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, quốc gia này đã thực hiện “nhiều đóng góp to lớn” nhằm đáp ứng mục tiêu của Nghị định thư Montreal.

Đại diện của một trong những công ty được liệt kê trong bản báo cáo cho biết nguồn CFC của các công ty đến từ một nhà máy không có giấy phép hoạt động ngầm ở Nội Mông Cổ và che giấu các hợp chất này khỏi các đại lý hải quan.

Nhiều công ty khác nhận định rằng họ tự sản xuất CFC và trong số đó có nhà máy sản xuất ra khoảng 40 tấn CFC mỗi ngày.

Các thương nhân bị liệt kê bởi EIA thừa nhận các công ty của Trung Quốc có thể xuất khẩu hoá chất cấm CFC dễ dàng bằng cách ghi sai nhãn dán của chúng thành HFC và nhiều hợp chất hoá học khác.

Với khối lượng lớn hoá chất cấm ghi sai nhãn được xuất khẩu sang các nước châu Á và Trung Đông, có thể khẳng định rằng, nhiều quốc gia cam kết cấm CFC vẫn đang “vô tình” nhập khẩu chúng.

Giám đốc điều hành EIA ở Mỹ, Alexander von Bismarck cho biết, Trung Quốc sẽ làm chậm quá trình nỗ lực chữa lành tầng ozone của Trái đất nếu không ngừng việc sản xuất hợp chất cấm lại. Đồng thời, CFC-11 là một trong những tác nhân cực lớn gây nên sự nóng lên toàn cầu và là một mối đe dọa nghiêm trọng tới khí hậu.

Báo cáo được đưa ra trước nhóm làm việc về Nghị định thư

Montreal ở Vienna từ ngày 11 – 14/7, trong đó vấn đề phát thải khí CFC-11 là một phần của chương trình nghị sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ