Cung cấp phương tiện tránh thai cho người dân: Địa phương cùng vào cuộc

GD&TĐ - Phương tiện tránh thai (PTTT) miễn phí giảm dần và tiến tới việc phải chủ động trong việc cung cấp phương tiện trên cho người dân. Điều này không chỉ đòi hỏi cơ quan quản lý đẩy mạnh xã hội hóa để người dân có nhiều lựa chọn, chất lượng sản phẩm được đảm bảo. 

Cung cấp phương tiện tránh thai cho người dân:  Địa phương cùng vào cuộc

Tại các địa phương, tùy vào điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội có bước đi phù hợp để PTTT đến tất cả đối tượng trong độ tuổi, có nhu cầu.

PTTT ngày càng hiện đại

Nếu như trước kia, chị em phụ nữ có duy nhất biện pháp tránh thai là đặt vòng, hiện đại hơn một chút là bao cao su thì ngày nay, PTTT gồm nhiều chủng loại, đáp ứng được yêu cầu của từng đối tượng sử dụng.

Dạo một vòng trên thị trường sẽ thấy, PTTT phổ biến hiện nay và được nhiều người tin dùng là dụng cụ tử cung, thuốc cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, viên uống tránh thai và bao cao su… Tính sơ sơ, chị em có khoảng 17 lựa chọn để tránh thai. Phương pháp tránh thai phổ biến nhất với phụ nữ có gia đình là viên uống tránh thai và loại mới là thuốc đặt âm đạo.

Trong vài năm gần đây, que cấy tránh thai đã được nhiều phụ nữ Việt Nam lựa chọn. Thị trường nước ta hiện nay cũng đã có miếng dán ngừa thai, mang đến nhiều lựa chọn về đường dùng thuốc tránh thai cho phụ nữ. Đặc biệt các thuốc tránh thai nhóm nội tiết luôn chú trọng đến việc tăng các lợi ích ngoài tránh thai như bảo vệ cơ thể chống lại một số ung thư như ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, ngừa và điều trị mụn trứng cá, làm đẹp da, không gây tăng cân.

Miếng dán ngừa thai là phương pháp được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Đây là loại chứa hormon, có thể dán lên vùng bụng dưới, rốn, hay lưng, vai. Eestrogen và progestin được phóng thích từ miếng dán trong 1 tuần. Sau 1 tuần, bạn gỡ và thay 1 miếng dán khác. Nếu bạn không muốn dùng estrogen trong thời gian dài, bạn có thể chọn các biện pháp tránh thai chỉ có progestin gồm que cấy dưới da. Có kích cỡ như que diêm được cấy dưới da vùng cánh tay. Loại này có tác dụng ngừa thai đến 3 năm. Tác dụng phụ thường gặp gồm ra huyết bất thường, nhức đầu, trầm cảm và không khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân ung thư vú.

Phương tiện tránh thai rẻ tiền, dễ tiếp cận nhất hiện nay là loại màng chắn như bao cao su (nam và nữ), mũ cổ tử cung, màng chắn âm đạo và thuốc diệt tinh trùng. Hiệu quả ngừa thai được đánh giá đạt 80%, vì vậy với các biện pháp này, để bảo đảm hiệu quả ngừa thai cho bạn, tốt nhất bạn chỉ có 1 bạn tình và biết trước khi nào bạn sẽ có quan hệ tình dục. Nên cảnh giác nếu bạn có nhiều bạn tình, hãy luôn dùng bao cao su, bất kể bạn đã có và đang áp dụng một biện pháp ngừa thai khác. Bao cao su là biện pháp duy nhất bảo vệ bạn tránh khỏi các bệnh lây lan qua đường tình dục.

Với phụ nữ đã sinh đủ con và không có nhu cầu sinh thêm, triệt sản là phương pháp được khuyến khích. Phương pháp này có thể thực hiện ở 2 giới với tỷ lệ tránh thai hiệu quả trên 99%. Theo bác sĩ sản khoa Trần Kim Phượng, trong quá trình quản lý thai kỳ cho chị em, bác sĩ thường tư vấn luôn biện pháp tránh thai ngay sau sinh. Với chị em không có nhu cầu sinh thêm con, tuổi đã cao, có thể lựa chọn triệt sản trong quá trình mổ bắt con. Còn với phụ nữ sinh thường, dụng cụ tử cung là lựa chọn hợp lý.

Địa phương cùng vào cuộc

Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, hiện một phần PTTT vẫn được miễn phí để cung cấp cho người dân ở nông thôn, vùng khó. Tuy nhiên, trong năm 2017 sẽ không có bao cao su miễn phí từ nguồn Trung ương. Bên cạnh đó, số viên thuốc tránh thai miễn phí cũng giảm so với các năm trước và dự báp tiếp tục giảm trong thời gian tới. Điều này tạo điều kiện cho công tác xã hội hóa được đẩy mạnh phù hợp với xu thế và phát triển bền vững của chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Thống kê của Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Cao Bằng, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại của tỉnh là 72,5%, tương ứng hằng năm có 27.000 - 28.000 cặp vợ chồng có nhu cầu sử dụng các BPTT hiện đại theo hướng xã hội hóa. Để làm tốt công tác này, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã xây dựng Đề án “Xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình - sức khỏe sinh sản giai đoạn 2015 - 2020.

Theo đó, việc đa dạng hóa PTTT và hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản sẽ theo phân khúc thị trường, chú trọng vào các PTTT hiện đại có tác dụng lâu dài và hiệu quả. Củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng PTTT và hàng hóa kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản trên cơ sở huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân thuộc các thành phần kinh tế theo phân khúc thị trường. Truyền thông chuyển đổi hành vi để nâng cao hiểu biết từ “bao cấp, miễn phí” sang “mua, bán” phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện của từng người.

Tương tự, ngành dân số Quảng Bình cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% phường, thị trấn triển khai xã hội hóa cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/ sức khỏe sinh sản. Trước mắt, giai đoạn 1 (2017 - 2018), đề án xã hội hóa PTTT được thí điểm tại 25 xã/phường/thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố nhằm đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện, chính sách khuyến khích xã hội hóa việc cung cấp PTTT, đẩy mạnh hoạt động truyền thông thay đổi hành vi để hoàn thiện văn bản và tiến tới thực hiện đại trà.

Theo dự báo, từ nay đến năm 2020 sẽ cần 106.025 dụng cụ tử cung, 3.100 liều thuốc cấy, 5.957.900 vỉ viên thuốc tránh thai và 55,9 triệu chiếc bao cao su theo diện xã hội hóa. Như vậy, ngoài chính sách kêu gọi đầu tư, đưa ra chuẩn chất lượng từ phía cơ quan chức năng, các địa phương cũng cần chủ động vào cuộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ