Sức khỏe nạn nhân vụ 'xe điên' tại Hà Nội hiện ra sao?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bệnh viện E tiếp tục cập nhật về tình hình sức khỏe của 14 nạn nhân vụ tai nạn xe nghiêm trọng xảy ra tại Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội.

Ảnh: BV.
Ảnh: BV.

Thông tin từ Bệnh viện E cho biết, sau vụ tai nạn liên hoàn có 14 trường hợp đưa vào cấp cứu tại bệnh viện. Tính đến cuối buổi chiều ngày 6/4, hiện còn 8 trường hợp đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình và Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và y học thể thao.

Theo các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, bệnh nhân nam (28 tuổi), ở Tiền Hải, Thái Bình vẫn có tiên lượng rất nặng, khó phục hồi. Bệnh nhân bị đa chấn thương: Chấn thương sọ não, xuất huyết dưới nhện, chảy máu não thất, chấn thương ngực kín, tràn khí màng phổi, đụng dập nhu mô phổi 2 bên, gãy xương vai phải… Sau 24 giờ điều trị tích cực, người bệnh vẫn hôn mê sâu, thở máy, đặt dụng cụ theo dõi áp lực nội sọ, chăm sóc liên tục 24/7…

ThS.BS Nguyễn Đình Hiếu - Phó Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao cho biết: Trong số 4 trường hợp đang điều trị khoa, có 1 trường hợp nặng được mổ cấp cứu ngay trong đêm 5/4, do TS.BS Nguyễn Trung Tuyến - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao cùng các đồng nghiệp căng mình giành lại sự sống cho người bệnh.

Người bệnh bị sốc đa chấn thương: Chấn thương sọ não, chấn thương ngực kín, dập phổi, theo dõi chấn thương thương bụng, gãy hở IIIB cẳng chân phải, dập nát cẳng chân phải…

Người bệnh đã được hồi sức chống sốc và các bác sĩ phẫu thuật cố định ngoại vi xương chày, cẳng chân phải, xử lý vết thương phần mềm, chuyển vạt che phủ xương. Các tổn thương khác hiện tại ổn định và theo dõi thêm.

Tại Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, hiện có 3 người bệnh đang nằm điều trị. Ảnh: BV.

Tại Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, hiện có 3 người bệnh đang nằm điều trị. Ảnh: BV.

Một nam bệnh nhân bị chấn thương phần mềm ở đùi, tay… đã được các bác sĩ chỉ định thực hiện các thăm dò chức năng cần thiết và được xuất viện trong chiều nay. Còn hai bệnh nhân còn lại đều bị gãy xương mác cẳng chân, chỉ định điều trị bảo tồn, không cần phẫu thuật và sẽ được xuất viện sớm.

Tại Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, hiện có 3 người bệnh đang nằm điều trị, trong đó có mẹ cháu bé (3 tuổi) đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh nhân nữ này cũng bị đa chấn thương nặng: Chấn thương sọ não, chảy máu màng mềm vùng đỉnh phải, vết thương hàm mặt, chấn thương khung chậu, gãy ngành ngồi mu bên trái, gãy mâm chày phải, gãy đốt ngón 3 bàn chân phải, gãy hai mặt cá chân trái… Bệnh nhân được theo dõi sát vấn đề tri giác và đến khi các chấn thương sọ não ổn định mới xem xét đến vấn đề kết hợp xương các vùng tổn thương xương.

Bác sĩ thăm khám nạn nhân vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ảnh: BV.

Bác sĩ thăm khám nạn nhân vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ảnh: BV.

BSCKII Kiều Quốc Hiền - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình nhận định, bệnh nhân phải mất nhiều thời gian để điều trị, phục hồi các đa chấn thương trên. Tuy nhiên, vẫn may mắn cho người bệnh phần tổn thương vùng chậu không ảnh hưởng đến quá trình mất vững và sinh nở sau này.

Một bệnh nhân khác (25 tuổi, ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị chấn thương gãy xương cánh tay phải đã được các bác sĩ ở khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình mổ kết hợp xương vào chiều nay, ngày 6/4/2023.

Bệnh nhân còn lại (nam, 34 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội) bị tổn thương phần mềm nhiều nơi trên cơ thể nghiêm trọng: Trầy xước da vùng mặt diện tích rộng (phần trán, gò má trái, phải), vết thương trầy xước thành ngực trước (diện tích 10x20cm), vết thương trầy xước thành bụng trước trên và dưới rốn (10x20cm), vết thương trầy xước 2 cánh tay mặt ngoài (5x10cm), vết thương trầy xước mặt ngoài đùi cẳng chân phải (10x30cm)…

Những vết thương này do bị dị vật cào xước gây nên tổn thương trên da rất rộng, sâu sẽ vô cùng đau đớn. Tuy nhiên, nếu thích ứng điều trị tốt, bệnh nhân này có thể xuất viện sau vài ngày nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ