27% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khoẻ tâm thần

GD&TĐ -Kết quả nghiên cứu 'Sức khoẻ tâm thần vị thành niên Việt Nam' cho thấy, 27% vị thành niên báo cáo có vấn đề về sức khoẻ tâm thần trong 12 tháng qua.

80,3% trẻ không tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong thời đại dịch. Ảnh minh hoạ
80,3% trẻ không tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong thời đại dịch. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, rất ít (1,4%) trẻ vị thành niên cho biết có ý định tự tử trong 12 tháng qua.

1,6% vị thành niên từng tìm cách tự tử

Ngày 18/11, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu “Sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam”. Theo Tổng cục Thống kê năm 2020, vị thành niên từ 10 – 19 tuổi chiếm 14,3% dân số Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta biết khá ít về tỷ lệ rối loạn tâm thần ở vị thành niên Việt Nam. Đây là một lỗ hổng nghiêm trọng.

Nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng, các rối loạn tâm thần ở tuổi vị thành niên, đặc biệt là những rối loạn tâm thần không được điều trị hoặc chưa được điều trị đúng cách, có thể gây ra những hệ quả bất lợi trong suốt cuộc đời. Một đánh giá tài liệu trước đây cho thấy, ước tính tỷ lệ phổ biến khác nhau đối với các vấn đề sức khoẻ tâm thần ở Việt Nam dao động từ 8 – 29%.

Theo các nhà nghiên cứu, độ tuổi vị thành niên thường được coi là giai đoạn khỏe mạnh của cuộc đời. Tuy nhiên, rối loạn tâm thần là nguyên nhân hàng đầu gây ra khuyết tật ở vị thành niên trên toàn cầu. Tình trạng đó có thể gây ra những hậu quả xã hội và sức khỏe lâu dài. Tỷ lệ rối loạn tâm thần trong vị thành niên ở Việt Nam cũng chưa được biết đến nhiều.

Xác định tỷ lệ của các rối loạn tâm thần cũng như đo lường các nguy cơ tiềm ẩn và yếu tố bảo vệ là điều cần thiết để phòng ngừa hiệu quả. Từ đó, cung cấp thông tin cho việc xây dựng các chính sách sức khỏe tâm thần và lập kế hoạch nguồn lực hiệu quả cho sức khỏe tâm thần vị thành niên.

Cuộc điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên ở Việt Nam đã được thực hiện với kết quả mẫu phỏng vấn thành công là 5.996 cặp cha mẹ - vị thành niên. Cuộc điều tra diễn ra từ tháng 9 – 12/2021. Trong đó, có sự tham gia của 127 điều tra viên thực hiện việc thu thập dữ liệu ở 38 tỉnh, thành phố.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Vinh - Viện trưởng Viện Xã hội học, Giám đốc Dự án “Điều tra sức khoẻ tâm thần vị thành niên Việt Nam” tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy, có 1/5 (27%) vị thành niên báo cáo có vấn đề về sức khoẻ tâm thần trong 12 tháng qua. Tuy nhiên, rất ít (1,4%) trẻ vị thành niên cho biết có ý định tự tử trong 12 tháng qua. Ngoài ra, 1,6% cho biết từng cố tìm cách tự tử.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, sức khoẻ tâm thần kém là một vấn đề sức khoẻ phổ biến ở vị thành niên. 1/5 vị thành niên (21,7%) có vấn đề về sức khoẻ tâm thần trong 12 tháng qua, với 1/30 (3,3%) đáp ứng tiêu chí về rối loạn tâm thần.

Ngoài ra, vị thành niên báo cáo hành vi tự tử hoặc tự làm hại bản thân trong 12 tháng qua có nhiều khả năng là những người có vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Tuy nhiên, tỷ lệ chung của các hành vi tự tử và tự làm hại bản thân được tìm thấy trong nghiên cứu này thấp hơn một chút so với những nghiên cứu trước đây.

PGS.TS Nguyễn Đức Vinh cho biết, sức khoẻ tâm thần là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng đòi hỏi sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và sáng lập kế hoạch ở Việt Nam. Dữ liệu từ nghiên cứu cũng cung cấp cơ sở bằng chứng cơ bản cho các sáng kiến về chính sách và sức khoẻ như vậy.

Mặc dù tỷ lệ có hành vi tự tử ở vị thành niên được ghi nhận là thấp, nhưng báo cáo vẫn kêu gọi sự quan tâm về mặt chính sách và các hành động cần thiết. Các dịch vụ hỗ trợ và phát hiện sớm người có ý định tự tử có thể giúp hạn chế tình trạng này.

Tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19

Theo PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, Viện Xã hội học, Trưởng nhóm nghiên cứu dự án tại Việt Nam, kết quả điều tra chỉ ra rằng, có 7,1% cha mẹ cho biết con họ cần được giúp đỡ về các vấn đề cảm xúc và hành vi trong đại dịch Covid-19. Trong số đó, 80,3% không tiếp cận các dịch vụ trong thời đại dịch. Hầu hết báo cáo rằng, lý do là họ sợ nhiễm

Covid-19. Ngoài ra, 1/13 (7,7%) vị thành niên cho biết thường cảm thấy chán nản, lo lắng, bị cô lập hơn hoặc gặp nhiều vấn đề về tập trung chú ý trong thời gian Covid-19. Những phát hiện này được cho là phù hợp với các nghiên cứu khác thực hiện tại Việt Nam.

Theo nhóm nghiên cứu, các phát hiện đã chứng minh rằng, đại dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến sức khoẻ tâm thần của vị thành niên tại Việt Nam. Những phát hiện này cho thấy, cần cải thiện các chính sách và dịch vụ hỗ trợ vị thành niên cả trong hiện tại, tương lai. Qua đó, chuẩn bị cho các tình huống đại dịch hoặc khủng hoảng trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ