Sức hút từ Thâm Tâm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chiều Thu dường như cuốn đi thật vội trong câu chuyện của ông Nguyễn Tuấn Khoa và bà Nguyễn Ngọc Mỹ về người cha của họ - nhà thơ Thâm Tâm.

'Gia tài' văn chương mới của Thâm Tâm được gia đình thi sĩ tận tình tìm kiếm và nỗ lực lan tỏa đến độc giả hôm nay. Ảnh: TG
'Gia tài' văn chương mới của Thâm Tâm được gia đình thi sĩ tận tình tìm kiếm và nỗ lực lan tỏa đến độc giả hôm nay. Ảnh: TG

Truyện ngắn, truyện vừa hay tiểu thuyết được nhà thơ Thâm Tâm viết cách đây hơn 80 năm nhưng thật lạ không hề “cổ kính”, cũ kỹ mà gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm... Thế mới thấy, sức trẻ thấm bền trong cây bút tài hoa này đã lôi cuốn thế hệ sau để họ cần mẫn lan tỏa đến độc giả hôm nay.

Cháu con chung sức

Ông Nguyễn Tuấn Khoa nhắn nhủ: 'Cùng với truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện vừa của Thâm Tâm có vị thế riêng vì đặc biệt hướng về sự thức tỉnh của tuổi trẻ'. Ảnh: Bình Thanh

Ông Nguyễn Tuấn Khoa nhắn nhủ: 'Cùng với truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện vừa của Thâm Tâm có vị thế riêng vì đặc biệt hướng về sự thức tỉnh của tuổi trẻ'. Ảnh: Bình Thanh

Chiều Thu dường như cuốn đi thật vội trong câu chuyện của ông Nguyễn Tuấn Khoa và bà Nguyễn Ngọc Mỹ về người cha của họ - nhà thơ Thâm Tâm. Đó là câu chuyện về một Thâm Tâm khác - người không chỉ viết nên thi phẩm độc đáo như “Tống biệt hành” lưu mãi trong ký ức của bao thế hệ học trò hay những xôn xao về “Hai sắc hoa Ti-gôn” với bút danh T.T.KH, mà còn là tác giả của hàng nghìn trang văn xuôi được viết ở các thể loại: Truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, thậm chí cả kịch bản sân khấu…

Có lẽ, điều khác ấy sẽ mãi mãi chẳng ai biết đến nếu như hơn 20 năm trước, trong lần tìm kiếm tư liệu, nhà nghiên cứu Văn Giá không tình cờ bắt gặp trang viết của thi nhân trên tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy và mang về tập hợp thành “Thâm Tâm truyện ngắn” (NXB Văn hóa Thông tin - 2000).

Từ mối duyên lành này, không chỉ độc giả mà ngay cả gia đình nhà thơ mới bắt đầu biết về những tác phẩm văn chương khác không kém phần đặc sắc của Thâm Tâm. Để rồi, sau những bất ngờ, ngạc nhiên, ngỡ ngàng, hai mươi năm sau, khi có đủ điều kiện về thời gian, họ chuyên tâm bắt tay vào tìm kiếm, tiếp cận các tư liệu.

Hay tin, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu như Ngô Vĩnh Bình, Lưu Khánh Thơ… gửi tin nhắn đến ông Khoa mách rằng, còn rất nhiều sáng tác của Thâm Tâm lưu ở Thư viện Quốc gia và có thể ở cả Thư viện Quốc gia Pháp nữa.

Có người bạn nhắc trong tuần báo Bắc Hà từ 1936 - 1938 của Trần Huyền Trân có một số truyện, thơ của Thâm Tâm và gần như các trang bìa của báo đều do ông Thâm Tâm vẽ màu… Ông Khoa liền liên hệ với gia đình nhà thơ Trần Huyền Trần và nhận ngay được những bản chụp tư liệu liên quan…

Dù đôi chân ngày thêm chậm, đôi mắt ngày một mờ, nhưng ông Khoa vẫn chẳng nề hà tìm cách kết nối với các thư viện và thu được kết quả không khỏi ngỡ ngàng về sự giàu có trong “gia tài” văn học của cha mình, đến thời điểm này: 94 truyện ngắn (1936 - 1949), 33 kịch ngắn (1936 - 1946), 20 bài thơ mới (1936 - 1946), 27 truyện vừa và 2 tiểu thuyết.

Các tác phẩm này được in trên tuần báo Bắc Hà (1936 - 1938), tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy (1939 - 1945), phổ thông bán nguyệt san, Báo Quốc hội, Tiên phong, Cứu quốc, NXB Tân Dân, Vệ quốc quân…

Chỉ vào những trang bản thảo mà ông bà đã cặm cụi chuyển soạn trong suốt mấy năm qua, bà Mỹ thủ thỉ: “Chúng tôi chăm chỉ làm việc trong suốt mấy năm dịch Covid-19 hoành hành. Từ nguồn tài liệu số hóa, ông Khoa chụp ảnh, quét nhận dạng để chuyển sang text rồi in ra đưa tôi đối chiếu theo bản gốc, chỉnh sửa chỗ bị sai.

Hàng ngày, công việc được bắt đầu từ 9 giờ sáng, không nghỉ trưa và kết thúc lúc 23 giờ. Vợ chồng tôi cứ cặm cụi, lặng lẽ như thế với những trang văn của cha mình trong gần 3 năm. Khi một số cuốn được đưa đến nhà in thì ông Khoa phải cấp cứu bệnh viện vì bị xuất huyết dạ dày”.

Nâng niu từng cuốn truyện của cha, ông Khoa tâm đắc nhớ về những mối kết giao thân tình từ đây. Ngay khi chuẩn bị bắt tay vào công việc, một người có nick name Triệu Xuân từ Sài Gòn gửi tin nhắn mách: “Anh vào Thư viện Quốc gia đi, tôi có trông thấy cái số hóa truyện, thơ của Thâm Tâm. Tôi rất muốn giúp anh in lại nhưng thời gian của tôi không còn nhiều…”. Lúc đăng tin muốn tìm mua sách của Nguyễn Tuấn Trình (tên khai sinh của nhà thơ Thâm Tâm), một người bán sách cũ liền nhắn tới…

“Cái gì để chúng tôi tiếp bước đây? Đều là Internet chỉ cho chúng tôi những nơi cần đến, những chốn cần tìm và không ít gặp gỡ bất ngờ, cảm động. Nhất là từ tin nhắn của anh Triệu Xuân mà tôi vào Thư viện Quốc gia tìm được mấy chục truyện ngắn của cha tôi để biên soạn, tái bản bổ sung cuốn “Truyện ngắn Thâm Tâm” (NXB Văn học – 2021). Ngày nhận sách, tôi nhờ người mang vào Sài Gòn tặng anh, nhưng tiếc là anh đã đi xa…”, ông Khoa xúc động nói.

Không chỉ vậy, để có được nguồn tư liệu quý với hàng nghìn trang là bản gốc của tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy ấy, chàng rể của ông - anh Trần Thanh Tùng - đã âm thầm tìm kiếm và chi số tiền không nhỏ để mua giúp.

Ông Khoa kể, ngay khi thấy cha mẹ có ý tưởng đi tìm tư liệu của ông nội, anh Tùng đã đặt vấn đề ngoài khai thác ở thư viện thì phải đi mua từ những người sưu tập sách cũ. Bản thân anh có kết giao với nhiều người làm sưu tập nên thuận lợi trong việc tìm kiếm và mua được cả chồng tài liệu là những cuốn sách, tờ báo, tạp chí đã ố màu thời gian.

“Từ nhiều nguồn khác nhau, con rể đã tìm giúp chúng tôi nhiều cuốn sách, tờ báo bản gốc rất quý mà chưa khi nào nói về số tiền đã bỏ ra để mua nhưng cũng phải lên đến vài trăm triệu đồng – điều này chúng tôi không thể làm được. Thực ra, ngoài giá trị về vật chất thì điều quý và cảm động hơn cả là tấm lòng của thế hệ sau với tài văn cha ông để cùng góp sức giữ gìn, lan tỏa”, ông Khoa bày tỏ.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa và bà Nguyễn Ngọc Mỹ đã dành gần 3 năm cặm cụi với những trang văn của cha mình - nhà thơ Thâm Tâm. Ảnh: Bình Thanh

Ông Nguyễn Tuấn Khoa và bà Nguyễn Ngọc Mỹ đã dành gần 3 năm cặm cụi với những trang văn của cha mình - nhà thơ Thâm Tâm. Ảnh: Bình Thanh

Thức tỉnh tuổi trẻ

Trong những tác phẩm tập hợp sáng tác của Thâm Tâm trong giai đoạn đầu những năm 1940 do gia đình thi sĩ tâm huyết tìm kiếm, tập hợp, biên soạn và phối hợp với các nhà xuất bản in, ông Khoa đặc biệt dành tặng tôi cuốn “Thâm Tâm truyện vừa” (NXB Quân đội nhân dân, 2021).

Tập này gọn ghẽ trong 250 trang, gồm các truyện vừa được in trên Phổ thông bán nguyệt san Truyền bá từ năm 1943 – 1945. Trong đó, truyện vừa “Dòng máu sông Hồng” gồm 4 truyện ngắn: “Người Giao Chỉ”, “Bố - Cái”, “Chim làm tổ”, “Rồng”; hai truyện “Bọn trẻ tàn tật”, “Gánh hát sử Nam” cùng kể về một đề tài và nhóm nhân vật; chỉ “Người giữ ngựa” và “Tiếng mùa Xuân” là độc lập.

Vừa ân cần trao sách ông Khoa vừa nhắc, cùng với truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện vừa của Thâm Tâm (được tìm thấy từ nguồn lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Pháp) có vị thế riêng vì đặc biệt hướng về sự thức tỉnh của tuổi trẻ.

Trong đó, ông đặc biệt ấn tượng với truyện “Tiếng mùa Xuân” kể về một thanh niên năm đó ở lại Hà Nội để ăn chơi ngày Tết mà không về quê nhà nghèo khó để đoàn tụ gia đình.

Theo ông Khoa, con người sinh ra, lớn lên có thể gặp may, gặp rủi; có thể có những đoạn thay đổi ở cuộc đời, nhưng nếu không có ý thức về cội nguồn thường sẽ đánh mất mình. Giống như cô Tấm ngày nay khi ra thành phố, sống ở môi trường khác, mải vui chơi, nhiễm thói hư, tật xấu mà quên mất trách nhiệm với cuộc đời, gia đình. Đó là điều có thể suy ngẫm từ “Tiếng mùa Xuân”.

Một trong số rất nhiều tác phẩm gốc của Thâm Tâm được anh Thanh Tùng tìm mua. Ảnh: Bình Thanh

Một trong số rất nhiều tác phẩm gốc của Thâm Tâm được anh Thanh Tùng tìm mua. Ảnh: Bình Thanh

“Hơn nữa, thông điệp của truyện vừa này còn là muốn lớp trẻ luôn giữ bản chất tốt đẹp và đổi mới, hướng đến cái đẹp của mùa Xuân. Mùa Xuân mọi người mong đợi không chỉ là mùa Xuân của đất trời, mà còn là mùa Xuân của hy vọng, của đất nước.

Cùng nhìn lại hoàn cảnh tác phẩm được viết – đăng trên “Phổ thông bán nguyệt san”, số 155, 2+3/1945 – đó còn là ý thức cách mạng thay đổi đang đến, những con người là thanh niên của thời đó càng cần phải đi theo tiếng gọi mùa Xuân”, ông Khoa chia sẻ.

Có thể nói, cùng với “Tiếng mùa Xuân”, các tác phẩm văn xuôi của Thâm Tâm đều rất đáng đọc và có thể đọc một cách dễ dàng khi giọng văn rất hiện đại, súc tích, gãy gọn mà sang trọng và đầy chất thơ. Những thông điệp được gửi gắm trong mỗi tác phẩm không khó tìm vì là những tiếng nói trung thực về bức tranh đời sống xã hội thời bấy giờ mà vẫn gần gũi với cuộc sống hôm nay.

Ví như cái sự lêu lổng, cố tình rời xa nguồn cội, gia đình và để cuộc đời cuốn theo những hưởng lạc tầm thường của gã trai nhà quê nơi thị thành trong “Tiếng mùa Xuân” đâu phải chỉ có ở thời xưa mà vẫn hiển hiện trong một bộ phận thanh niên bây giờ.

Cùng với đó, mỗi truyện ngắn, kịch bản ngắn của Thâm Tâm còn lắng đọng những thông điệp giáo dục về cách sống, ân nghĩa; sự tôn trọng với người đi trước, với thầy cô, bạn bè; tình cảm với quê hương đất nước và cả việc phê phán những hủ tục, định kiến xã hội… Tất cả luôn thấm đẫm tình đồng loại, sẻ chia, tương thân tương ái…

“Có truyện đồng thoại còn nói lên sự đấu tranh sinh tồn, phản biện lại ý tưởng kết thúc việc giết chóc chỉ ăn cỏ không ăn thịt như “Hươu, nhím và sóc”. Ý tưởng đó là không tưởng vì trong tự nhiên muốn sinh tồn là phải có đấu tranh để phát triển. Qua đó, giáo dục các em, các cháu phải chấp nhận sự đấu tranh với tính nhân văn, cùng tiến bộ chứ không bao giờ loại bỏ được hết”, ông Khoa tâm đắc nói.

Cùng tận tâm với cuộc sống

- Sau tất cả những tâm sức bỏ ra để đưa những đứa con tinh thần của cha mình đến với độc giả, ngoài việc giới thiệu về một tài văn khác của Thâm Tâm thì điều mà ông và gia đình muốn gửi lại là gì?

- Điều chúng tôi muốn gửi lại là truyền thống của gia đình - sự tận tâm với cuộc sống và làm gì cũng phải luôn có ý thức học tập suốt đời. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in cuốn sổ nhỏ một người tặng cho tôi – lúc đó mới 8 tuổi.

Chuyện là, lần đi công tác dẫn tù binh về Phù Lỗ, người lính tình cờ ghé quán nước của mẹ tôi ở Đại Từ, Thái Nguyên. Thấy mẹ và ông tôi nói chuyện được bằng tiếng Pháp với tên tù binh, người lính lấy làm lạ hỏi thì mới vỡ lẽ đây là gia đình của nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm. Người lính rút trong ví lấy ảnh thẻ của cha đưa cho mẹ tôi.

Mẹ tôi liền mượn và hôm sau đi xe đò về Hà Nội in lại để làm ảnh thờ cha tôi (trước đó chưa có) rồi mang trả cho người lính. Cũng hôm đó, người lính ấy còn tặng tôi quyển sổ tay Trung Quốc màu tím bìa nilon rất đẹp, trang đầu ghi: “Tặng cháu Khoa! Biển học không bờ, siêng năng là bến. Chú Ngọc”. Sau những lần phải di chuyển vì chiến tranh, cuốn sổ tay bị thất lạc, song tôi nhớ suốt đời những dòng chữ ấy…

- Tới đây, độc giả sẽ tiếp tục được đón đọc những tác phẩm nào của thi sĩ Thâm Tâm, thưa ông?

- Chúng tôi đang làm cuốn “Lá cờ máu”, “Miền Nam chiến đấu diễn ca (1.200 câu), “Đại đội Kim Sơn trên chiến trường Tây Bắc”... Chúng tôi cũng ấp ủ sẽ làm bộ sưu tập về thơ Thâm Tâm và các tác phẩm sau năm 1945 đến khi ông hy sinh (18/8/1950).

Những năm trước, tôi và bà xã khá vất vả trong việc biên soạn, chuyển tài liệu sang bản text. Giờ có công nghệ AI, tôi dễ dàng hơn và văn bản cũng đạt độ chính xác cao hơn.

- Ông có thể chia sẻ thêm về chuyến đi Cao Bằng của gia đình để trao học bổng “Thâm Tâm” mới đây?

- Đây là lần thứ hai gia đình tôi trao học bổng “Thâm Tâm” cho 30 học sinh nghèo vượt khó ở huyện Quảng Hòa, Cao Bằng – nơi cha tôi từng công tác rồi mãi mãi nằm lại nơi này và được đồng bào cưu mang, chăm sóc. Học bổng được sáng lập từ năm 2022 và do con gái tôi chủ trì là nghĩa cử khiêm tốn để chúng tôi tri ân bà con nơi đây và cũng là đóng góp rất nhỏ cho sự nghiệp giáo dục của địa phương.

Trong chuyến trao học bổng này, chúng tôi nhớ mãi câu chuyện của em Ngô Thị Xia, lớp 4E Trường Tiểu học Phi Hải có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Mẹ tâm thần bỏ nhà đi, bố say rượu suốt ngày, có đến 8 anh chị em… Xia đến dự lễ muộn nhất, vì phải đi bộ 7 km đường rừng từ nhà đến trường, sau đó được cô giáo đèo bằng xe máy vượt 25km đường lầy lội để đến.

Ngay sau khi nhận phần thưởng một triệu đồng tiền mặt, em đã nói nhỏ nhờ cô giáo đưa ra cửa hàng mua một cái cặp vì Xia chưa bao giờ có cặp và nếu mang tiền về nhà bố sẽ lấy đi mua rượu hết.

Thấy thế, đoàn đưa Xia và cô giáo ra cửa hàng văn phòng phẩm, bảo em có thể chọn bất cứ dụng cụ học tập nào mà em thích. Xia cứ tròn xoe mắt và bấy giờ mới khẽ nở nụ cười…

Gia đình nhà thơ Thâm Tâm trao học bổng 'Thâm Tâm' năm 2023 cho học sinh nghèo vượt khó ở huyện Quảng Hòa, Cao Bằng. Ảnh: NVCC

Gia đình nhà thơ Thâm Tâm trao học bổng 'Thâm Tâm' năm 2023 cho học sinh nghèo vượt khó ở huyện Quảng Hòa, Cao Bằng. Ảnh: NVCC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ