Cam kết việc làm sau học nghề
Trong kỳ thi xét tuyển đại học năm 2017, ngành kỹ thuật ô tô có 12.862 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1, chiếm 59% lượng thí sinh của nhóm ngành kỹ thuật cơ khí. Theo khảo sát, điểm chuẩn ngành công nghệ ô tô của một số trường đại học là khá chênh lệch.
Với những trường tốp đầu như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành cơ khí - động lực điểm đầu vào là 25,75; ĐH Công nghiệp Hà Nội là 22,5 điểm. Trong khi đó Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải có điểm đầu vào đợt 1 là 19 điểm...
Hiện có khoảng gần 30 trường đại học có đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô. Ở hệ đào tạo trình độ cao đẳng nghề, tại Hà Nội các trường có đào tạo ngành công nghệ ô tô như: Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội…
Cũng như nhiều ngành nghề khác, điều kiện xét tuyển của các trường cao đẳng, hầu hết chỉ yêu cầu tốt nghiệp THPT. Theo ghi nhận, đến thời điểm này, một số trường cao đẳng nghề hầu như đã tuyển đủ chỉ tiêu một số ngành công nghệ kỹ thuật, trong đó có ngành công nghệ ô tô.
Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội - cho biết: Với 5 nghề là: Công nghệ ô tô, điện công nghiệp, cơ điện tử, hàn, cắt gọt kim loại, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cam kết 100% học sinh sau học đều có việc làm, mức lương khởi điểm có thể lên tới 5 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn. Trường đã có văn bản cam kết tìm việc làm với 5 nghề trên, nếu học sinh không tìm được việc làm, nhà trường sẽ hoàn trả lại tiền trong quá trình học.
Các chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo cử nhân công nghệ kỹ thuật ô tô hoặc kỹ sư thực hành hệ 4 năm hoặc 4,5 năm, nhằm đào tạo các cử nhân kỹ sư chuyên hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sử dụng và dịch vụ kỹ thuật ô tô, loại phương tiện giao thông vận tải thông dụng và có số lượng nhiều nhất hiện nay như điều hành sản xuất phụ tùng; điều kiện và lắp ráp ô tô; cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng ô tô.
Sinh viên tham gia Chương trình công nghệ kỹ thuật ô tô hệ cao đẳng được trang bị đầy đủ các khối kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành một cách có hệ thống, các kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực chuyên ngành, kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời chuyên sâu đào tạo theo hướng thực hành, hợp tác quốc tế trong đào tạo ngành công nghệ ô tô. Thời gian đào tạo hệ cao đẳng ngành này khoảng 2,5 năm.
Công nghệ kỹ thuật ô tô được xem là ngành mũi nhọn và được Chính phủ đầu tư và phát triển ở hiện tại và trong tương lai. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất, lắp ráp ô tô trong khi lượng ô tô tiêu thụ trên thị trường quốc nội ngày càng tăng cao. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực kỹ sư ô tô khá lớn và khá cấp bách, mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các sinh viên ngành. Đây cũng là ngành nghề cần nhiều nhân lực chất lượng cao.
Thị trường lao động hiện đang cần nhiều kỹ sư chuyên về khai thác, sử dụng và quản lý dịch vụ kỹ thuật ô tô, tuy nhiên nguồn nhân lực này hiện vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.