Theo nhận định chung, thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Xu hướng này đang đặt ra yêu cầu về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chú trọng tuyển dụng lao động qua đào tạo
Theo báo cáo, nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng đầu năm 2017 đã tăng gấp 2,24 lần so với cùng kỳ năm 2016. Tập trung nhiều nhất ở các nhóm ngành: Kinh doanh - Bán hàng, Dịch vụ phục vụ, Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng, Dệt may - Giày da, Vận tải - Kho bãi - Xuất nhập khẩu, Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng, Cơ khí - Tự động hóa, Công nghệ thông tin... Nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo chiếm 65,32% tổng nhu cầu tuyển dụng. Các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng như: Nông - Lâm nghiệp -Thủy sản, Tài chính - Ngân hàng, Dầu khí - Địa chất, Công nghệ ô tô – xe máy, Quản lý kiểm định chất lượng, Dịch vụ tư vấn - Chăm sóc khách hàng, Điện tử - Cơ điện tử.
Về cơ cấu trình độ tuyển dụng, lao động phổ thông chiếm 34,68% chủ yếu tuyển dụng lao động ở một số vị trí như nhân viên bán hàng, nhân viên bảo vệ, tạp vụ, nhân viên đóng gói, giao hàng nhanh, công nhân may, phụ hồ... Trình độ Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề chiếm 20,89%, nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất như: Tài xế, thợ may, thợ mộc, thợ cơ khí, thợ hàn… Trình độ Cao đẳng - Trung cấp chiếm 33,74% tập trung ở một số vị trí cụ thể như Kế toán - Kiểm toán, chuyên viên IT, lập trình viên, Thiết kế đồ họa, Trình dược viên, Lễ tân, Nhân viên văn phòng, Kỹ thuật viên máy tính… Trình độ Đại học trở lên chiếm 10,69%, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở một số vị trí như: Kỹ sư cơ khí, Kỹ sư điện, Kiến trúc sư, Giám đốc Kinh doanh, quản lý điều hành, chuyên viên nhân sự, bác sỹ, trình dược viên…
Hướng nghiệp và dạy nghề
Phân tích về một số nhóm ngành nghề nổi bật về sự chênh lệch cung cầu, báo cáo cho thấy: Ngành Tài chính - Ngân hàng, nhu cầu tuyển dụng tăng hơn 6,5 lần so với cùng kỳ năm 2016, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp - cao đẳng - đại học trở lên chiếm tới 97,92%. Ngành cơ khí - tự động hóa, nhu cầu tuyển dụng cũng tăng 54,69% so với cùng kỳ năm trước, các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp - cao đẳng - đại học - trên đại học và CNKT lành nghề. Mức lương từ 5 - 10 triệu chiếm 76,40% các vị trí tuyển dụng của ngành; từ 10 triệu trở lên chiếm 7,31%; và mức lương từ 3 triệu đến 5 triệu chiếm 15,59%.
Dự báo nhu cầu nhân lực tại TP Hồ Chí Minh 6 tháng cuối năm 2017 là 139.000 chỗ làm việc (trong đó Quý III: 71.000, Quý IV: 68.000). Tiếp tục ổn định và tăng trưởng sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, tạo động lực cho thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển. Nhu cầu tuyển dụng gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề và tăng khoảng 10% so 6 tháng đầu năm 2017.
Nhằm điều chỉnh thị trường lao động theo hướng tăng chất lượng, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Falmy cho biết, trung tâm đã đề xuất nhóm giải pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh về: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động;
Định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố đối với hoạt động của các trường đào tạo, dạy nghề và nhận thức tự học tập, rèn luyện nghề của học sinh người lao động phù hợp phát triển thị trường lao động theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp.