Rộng mở cơ hội việc làm ngành Cơ khí

GD&TĐ - Cơ khí là một ngành luôn gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, đặc biệt trong kỷ nguyên số với tốc độ phát triển vũ bão của công nghệ thì ngành Cơ khí cũng được nâng lên một tầm cao mới trong thiết kế, chế tạo và kỹ thuật gia công các sản phẩm cơ khí. 

Rộng mở cơ hội việc làm ngành Cơ khí

Đây là một yếu tố hấp dẫn thu hút giới trẻ đến với nghề. Bên cạnh đó, dự báo nhân lực ngành Cơ khí vẫn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người học.

Nhiều cấp trình độ nghề

Kỹ thuật cơ khí là ngành tham gia trực tiếp chế tạo, sản xuất các thiết bị sản phẩm cơ khí. Công việc của ngành cơ khí luôn liên quan đến sắt thép, liên quan đến các công việc gia công bằng tay như tiện, phay, hàn, bào... Với sự phát triển của công nghệ, công việc ngành Cơ khí đã được chuyên môn hóa, nhiều công việc cơ khí mà người làm việc gần như không tham gia vào tiện, phay, bào, hàn mà chỉ đứng máy nhấn nút, lập trình gia công...

Hiện nay, ngành Kỹ thuật cơ khí được đào tạo phổ biến ở các trình độ khác nhau từ trung cấp, cao đẳng, đại học. Ở trình độ cao đẳng, đại học, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng gia công, thiết kế, chế tạo và cải tiến các sản phẩm cơ khí; khả năng vận hành, lắp ráp, bảo trì các thiết bị cơ khí, hệ thống cơ khí và giải quyết những vấn đề liên quan đến máy móc, thiết bị trong quy trình sản xuất... Sinh viên cũng được học các môn chuyên ngành tiêu biểu như: Hình họa - vẽ kỹ thuật, Cơ lý thuyết, Sức bền vật liệu, Nguyên lý - chi tiết máy, Cơ học lưu chất, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử, Công nghệ kim loại, cơ sở vẽ và thiết kế trên máy tính, Điều khiển tự động, Máy điều khiển chương trình số...

Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được chú trọng phát triển các kỹ năng: kỹ năng tư duy logic, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian và được tham gia rèn luyện kỹ năng thực hành tại hệ thống trung tâm thực hành với các thiết bị cơ khí tiên tiến;... Ở trình độ trung cấp, chủ yếu đào tạo thực hành kỹ năng gia công các sản phẩm cơ khí cụ thể, người học chỉ mất từ 1 - 2 năm là đã có thể tham giao lao động. Việc học không đòi hỏi tư duy nhiều, mà cần chăm chỉ luyện tập và nhanh nhạy trong các thao tác. Điều này thuận lợi cho rất nhiều thanh niên cần học nghề nhanh để có việc làm và thu nhập ổn định.

Trên 80% sinh viên ra trường có việc làm ngay

Khảo sát nhanh tại các trang tuyển dụng như Vienamwork, Tìm việc nhanh, Careerlink… cho thấy Cơ khí là một trong những ngành được các doanh nghiệp thường xuyên đăng tuyển nhân lực với số lượng nhiều, đặc biệt ưu tiên nhân lực có trình độ và kinh nghiệm nghề nghiệp.

Cũng theo khảo sát, hiện các khu công nghiệp chế xuất tại các tỉnh phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, đều đang trong tình trạng thiếu hụt đội ngũ kỹ sư lành nghề về các ngành chế tạo máy, tiện, phay… dù đăng tuyển khá nhiều với những mức đãi ngộ hấp dẫn. Tại các tỉnh phía Bắc, các công ty cơ khí các khu công nghiệp ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng đều có nhu cầu tuyển dụng ngành cơ khí khá lớn.

Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) năm 2016, số học sinh sinh viên ngành cơ khí tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay đạt tỷ lệ trên 80%. Với sinh viên cao đẳng ngành cơ khí tại trường nghề chất lượng cao, các doanh nghiệp còn đến tận trường để “đặt hàng” ngay từ lúc còn đang học mà vẫn không tuyển đủ số lượng so với yêu cầu sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều công ty nước ngoài tại Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản... cũng rất chú ý săn đón tuyển dụng thợ cơ khí chế tạo máy, kĩ sư cơ khí Việt Nam đi lao động xuất khẩu với mức lương hấp dẫn và nhiều chế độ ưu đãi.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết nhu cầu nhóm ngành cơ khí - luyện kim - công nghệ ô tô xe máy hiện đang đứng đầu, chiếm tỉ lệ trên 25% nhu cầu lao động. Trong đó, cơ khí được coi là trái tim của quá trình công nghiệp hóa và đang có tốc độ phát triển nhanh chóng. Trong tương lai, nhu cầu nhân lực ngành này sẽ còn tiếp tục tăng nhanh tạo nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho người học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ