Đừng bịa ra cổ phục!

GD&TĐ - Nhiều bạn trẻ thích thú khi có cơ hội được trải nghiệm mặc thử các trang phục truyền thống Việt Nam như áo giao lĩnh, áo Nhật Bình, áo ngũ thân…

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Có thể nói, xu hướng truyền thống hóa nghệ thuật khởi phát mạnh mẽ từ đầu năm 2019 với hàng loạt cuộc biểu diễn, trưng bày, triển lãm, workshop của giới nghệ sĩ liên quan các lĩnh vực thời trang và sân khấu.

Nghệ thuật truyền thống trong dòng chảy hiện đại được giới sân khấu và nghệ thuật lựa chọn để trình diễn. Ba lý do cơ bản được các nhà nghiên cứu đưa ra: Bảo tồn gìn giữ vẻ đẹp nghệ thuật truyền thống; thể hiện sự hội nhập văn hóa; dễ tiếp cận công chúng.

Giới thời trang được biết đến thế mạnh là tà áo dài, bên cạnh đó còn “nhánh” cổ phục gọi là “Việt phục”. “Ngày hội Việt phục Tóc xanh - Vạt áo” của ĐH Quốc gia TPHCM hồi giữa tháng 1/2021 đã thu hút hàng ngàn lượt sinh viên háo hức đến chiêm ngắm những giá trị xưa cũ của tiền nhân.

Đặt nền móng cho phong trào phục dựng trang phục cổ, những mẫu áo Nhật Bình dành cho hoàng hậu, cung tần, công chúa… khi được ra mắt đã gây sốt trong giới cổ phong.

Cùng với đó là hội nhóm cổ phong ra đời. Mỗi nhóm có một đường hướng riêng, nhưng cùng chung mục đích là chấn hưng Việt phục.

Từ đó, phong trào Việt phục diễn ra nhộn nhịp ở nhiều địa phương. Giới trẻ khi chụp ảnh cưới, thay vì sử dụng trang phục hiện đại – họ đã mặc những bộ trang phục truyền thống, có người sử dụng đến trang phục hoàng cung.

Việt phục, cổ phục là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tuy nhiên, Việt phục lại có những hạn chế về tư liệu, nên rất khó để các nhà thiết kế thời trang có thể mô phỏng, phục dựng.

Nói thẳng ra, một số nhà thiết kế và hội nhóm Việt phục đã bịa ra cổ phục. Có nhà thiết kế, mới đây dán mác tôn vinh Việt phục rồi mạnh miệng tuyên bố bộ sưu tập “70 - 80% giống so với hiện vật gốc” với mảng trang phục Lý - Trần.

Điều này khiến công chúng nhầm lẫn nghiêm trọng với nét văn hóa – lịch sử đang bị bỏ trống.

Tôn Thất Minh Khôi - hậu duệ của chúa Nguyễn Phúc Khoát, cũng là người sáng lập trang “Thiên Nam lịch đại hậu phi” cho rằng, muốn cách tân Việt phục phải dựa trên nghiên cứu, có tâm và chỉn chu.

Cá nhân một người chuyên nghiên cứu về cổ phục như Minh Khôi không ủng hộ nhưng cũng không lên tiếng phản đối với việc trang phục cách tân, sân khấu hóa để sử dụng cho các dự án cổ trang.

Các tạo hình cải lương hoặc sân khấu hóa vẫn sẽ phát triển song song với phong trào nghiên cứu, phỏng dựng Việt phục, nhưng không thể đánh đồng và đừng lạm dụng hai chữ Việt phục.

Anh Minh Khôi khẳng định, mảng trang phục từ thời Lê Trung hưng về trước chỉ có thể dùng từ “phỏng dựng”. Vì tư liệu chữ viết đã ít, hiện vật thì gần như bằng không, thì lấy đâu ra hiện vật lịch sử để khẳng định.

Hướng tới giá trị truyền thống là xu hướng đúng đắn. Tuy nhiên, định lượng cho khái niệm này rất mong manh, nếu không tôn trọng cổ phục thì dễ dẫn tới sự kệch cỡm và khiến cho văn hóa Việt phục bị méo mó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.