TOEIC hiện được công nhận và sử dụng ở 18.000 tổ chức tại hơn 160 quốc gia trên toàn thế giới trong quá trình sàng lọc ứng viên hay sắp xếp nhân sự. Chứng chỉ này cũng được hàng nghìn trường đại học trên toàn cầu sử dụng là một tiêu chí để xét tuyển đầu vào bậc học cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ…
Đây là thông tin vừa được ông Ratnesh Kumar Jha, Giám đốc Điều hành Toàn cầu, Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) – đơn vị cung cấp bài thi TOEIC cho biết mới đây.
Niềm tin từ “thước đo” chuẩn
Có quy mô hoạt động toàn cầu, Công ty Olympus Việt Nam yêu cầu các nhân sự đều phải nói được tiếng Anh. Theo bà Trang Thị Thu Xuân, Trưởng phòng Tổng vụ và Nhân sự của Olympus Việt Nam, công ty đặt kỳ vọng 700 điểm TOEIC đối với nhân viên, nhằm đảm bảo nhân viên có thể giao tiếp trôi chảy, thảo luận tự tin và cải thiện năng suất và hiệu quả công việc, các vị trí cao hơn yêu cầu có thể lên đến 900 điểm TOEIC.
Tương tự, hãng hàng không Vietjet Air cũng chọn TOEIC là một tiêu chuẩn cũng như chuẩn so sánh, một công cụ trong quá trình tuyển dụng và đề bạt. Ông Đinh Quốc Long, Phó Giám đốc nhân sự của Vietjet Air cho hay, Vietjet Air có hàng trăm chuyến bay mỗi ngày, kết nối với 49 sân bay quốc tế, hệ thống nhân viên đến từ 66 quốc tịch khác nhau nên tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày và là tiêu chí bắt buộc khi tuyển dụng nhân sự.
Vietjet Air đặt yêu cầu ngoại ngữ đối với nhân viên ở vị trí cơ bản nhất, cấp độ 1, là TOEIC 500. Càng ở các vị trí cao hơn, yêu cầu về ngoại ngữ càng tăng.
“Chúng tôi phải cảm ơn những nhà giáo dục đào tạo và khảo thí TOEIC vì chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác là người thụ hưởng thành quả của của họ”, ông Long chia sẻ.
Theo ông Rohit Sharma - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách giải pháp toàn cầu của ETS, trình độ tiếng Anh đang trở nên ngày càng quan trọng khi đây là ngôn ngữ của kinh doanh, của đổi mới và giao tiếp toàn cầu.
Khi nhìn vào tương lai, có một điều rất là rõ ràng, đó là thành công trong môi trường kinh doanh hiện nay thuộc về những người có thể giao tiếp hiệu quả trong các tình huống thực tế.
“Con số hơn 18.000 tổ chức tại hơn 160 quốc gia trên toàn thế giới tin tưởng sử dụng TOEIC là thành quả của nhiều năm đầu tư xây dựng chất lượng, sự tin cậy của ETS”, ông Ratnesh Kumar Jha nói.
Chia sẻ kỹ hơn về các tiêu chuẩn của bài thi TOEIC, ông Jonathan Schmidgall - chuyên gia nghiên cứu cao cấp của ETS cho hay bài thi tập trung đánh giá mức độ thông thạo tiếng Anh với mục tiêu đảm bảo các tổ chức đưa ra quyết định lựa chọn tốt nhất.
Vì thế, bài thi đảm bảo ba yếu tố. Thứ nhất là đánh giá kỹ năng thông qua nhiệm vụ thực tế với các câu hỏi gắn với cuộc sống hàng ngày và bối cảnh kinh doanh toàn cầu. Thứ hai là sự đáng tin cậy của điểm số khi kết quả luôn nhất quán dù thí sinh làm bài kiểm tra nhiều lần. Thứ ba là thiết lập tiêu chuẩn phù hợp và ETS đã phát triển một công cụ thiết lập chuẩn mà các tổ chức có thể sử dụng để xác định nhu cầu cụ thể, từ đó đề xuất mức điểm TOEIC tối thiểu tương ứng.
“Cú hích” thúc đẩy đào tạo tiếng Anh
Là công cụ tin cậy được hàng chục nghìn doanh nghiệp và các trường đại học sử dụng trên toàn cầu trong tuyển dụng và đề bạt, TOEIC đã trở thành “cú hích” thúc đẩy hoạt động giáo dục đào tạo nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ trong thị trường lao động.
Theo bà Trang Thị Thu Xuân, Trưởng phòng Tổng vụ và Nhân sự của Olympus Việt Nam, công ty khuyến khích nhân sự học nâng cao trình độ tiếng Anh, cải thiện điểm số TOEIC với chính sách hỗ trợ tài chính 4 triệu đồng cho mỗi nhân viên.
Tại Nhật bản, theo ông Soichiro Nagai – Đại diện tập đoàn IIBC Nhật Bản – đơn vị triển khai bài thi TOEIC tại thị trường Nhật Bản trong 45 năm qua, có hơn 5.000 tổ chức, khoảng 4.000 công ty và hàng nghìn trường đại học sử dụng bài thi TOEIC.
Uniqlo đặt tiêu chí 700 điểm TOEIC kỹ năng nghe và nói để đề bạt vào vị trí quản lý đồng thời tổ chức để nhân viên có thể thi TOEIC 4 năm 1 lần, do công ty trả tiền. Honda thậm chí triển khai bài thi TOEIC 5 lần 1 năm với sự tham gia của khoảng 500 nhân viên.
Tại Việt Nam, theo ông Đoàn Hồng Nam – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam – đơn vị triển khai bài thi TOEIC tại Việt Nam cho hay IIG đã phối hợp với hơn 200 trường đại học, học viện, cao đẳng và hơn 500 tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong đào tạo và thi chứng chỉ TOEIC.
Trong đó, các nhà trường sử dụng TOEIC là một tiêu chuẩn đánh giá năng lực ngoại ngữ của sinh viên và triển khai các chương trình đào tạo tiếng Anh chuẩn quốc tế theo định hướng chứng chỉ TOEIC. Các doanh nghiệp sử dụng TOEIC để đánh giá năng lực tiếng Anh của ứng viên tuyển dụng và áp chuẩn năng lực tiếng Anh cho các vị trí nhân sự.
Theo ông Đoàn Hồng Nam, TOEIC có nhiều ưu thế như đánh giá năng lực tiếng Anh giao tiếp chính xác và chuẩn mực với dải điểm rộng với chi phí hợp lý, dễ tiếp cận và thời gian linh hoạt đồng thời có thể sử dụng làm công cụ quản lý nhân sự.
Với lợi thế đó, IIG hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn hóa tiếng Anh cho các vị trí (đánh giá định kỳ, đặt tiêu chuẩn phù hợp cho từng vị trí, sử dụng điểm TOEIC để quản lý nhân sự) đồng thời cung cấp các giải pháp đào tạo để nâng cao trình độ tiếng Anh cho nhân viên. Hiện IIG cũng đang triển khai giải pháp TOEIC trong đào tạo tại trên 50 trường đại học ở Việt Nam. Gần 100 trường đại học dùng TOEIC là một trong các tiêu chuẩn về đầu ra môn tiếng Anh.
Đại học Bách khoa Hà Nội đã có ba năm hợp tác với IIG để đào tạo tiếng Anh cho sinh viên theo định hướng TOEIC. Theo Tiến sỹ Ngô Phương Anh - Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ và hỗ trợ trao đổi học thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, dù nhận được đề nghị của rất nhiều đối tác nhưng Đại học Bách khoa Hà Nội đã xem xét và chọn IIG vì có thể cung cấp giải pháp toàn diện để nâng trình độ tiếng Anh của sinh viên một cách từ từ và IIG có nhiều yếu tố phù hợp với định hướng chuyển đổi số trong đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cũng theo bà Phương Anh, Đại học Bách khoa Hà Nội đã nhận được sự hỗ trợ từ IIG trên nhiều phương diện, từ đào tạo giáo viên, cá nhân hoá trong đào tạo, cung cấp các bài kiểm tra, hỗ trợ sinh viên 24/24 và phát triển đội ngũ giáo viên đồng giảng - điều chưa từng có ở Bách khoa.
“Sau ba năm, đề án đã đạt những hiệu quả nhất định trong nâng cao kỹ năng của sinh viên ở cả 4 kỹ năng. Sinh viên hứng thú hơn với môn học này và vì thế thúc đẩy sự tự học”, bà Phương Anh nói.
Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng thay đổi chương trình đào tạo theo định hướng bài thi TOEIC từ năm 2023. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Viện Ngôn ngữ - Quốc tế học, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, trường cũng cung cấp các khóa học chuẩn bị cho kỳ thi TOEIC phù hợp với nhu cầu của sinh viên.
“Bài thi TOEIC thể hiện các cấp độ tiếng Anh khác nhau qua thang điểm và có thể được ứng dụng trong nhiều các ngành nghề khác nhau. Có rất nhiều công ty yêu cầu điểm TOEIC cho các vị trí làm việc. Vì vậy, tôi cho rằng trong tương lai, tất cả các trường đại học tại Việt Nam đều sẽ tiếp cận bài thi TOEIC 4 kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế”, bà Phương Anh nói.