Sửa tim thai nhi 'bé như quả dâu tây': Trí tuệ làm nên kỳ tích

GD&TĐ - Để đảm bảo thành công cho cuộc thông tim can thiệp bào thai đòi hỏi hai bệnh viện phải chuẩn bị nhiều mặt, trong đó quan trọng nhất là con người.

Các y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 trong ca can thiệp tim bào thai. Ảnh: BVCC
Các y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 trong ca can thiệp tim bào thai. Ảnh: BVCC

Sau hàng giờ “cân não” để đưa ra quyết định, cuối cùng kíp y bác sĩ đã đặt được viên gạch đầu tiên đánh dấu thành công một kỹ thuật y khoa phức tạp, lần đầu được thực hiện trong nước, thậm chí là trong khu vực.

Nước mắt trực trào khi nhận tin

Thai phụ 28 tuổi, ở Đà Nẵng, mang thai lần đầu, được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ TPHCM khi phát hiện thai có bất thường nặng về tim. Em bé mắc dị tật bẩm sinh không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải (thuật ngữ chỉ dị tật tim bẩm sinh nặng), nguy cơ tử vong trong bụng mẹ.

Trong quá trình theo dõi tại Bệnh viện Từ Dũ, tim thai bắt đầu có dấu hiệu trở nặng, nguy cơ tử vong cao trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi được sinh ra. Các chuyên gia kết luận nếu không can thiệp bào thai để nong van động mạch phổi thì khả năng cao em bé sẽ mất trong bụng mẹ.

Gia đình thai phụ nước mắt trực trào khi biết hung tin. Cả các y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 lo lắng, bởi thông tim cho bào thai là kỹ thuật chưa được thực hiện tại Việt Nam.

Bác sĩ Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ đảm nhiệm trọng trách thông báo. Bác sĩ Hương vẫn nhớ gương mặt tiều tuỵ của thai phụ khi bước vào phòng khám. Sau khi giải thích về phương pháp, thai phụ đã đồng ý thực hiện, chấp nhận rủi ro để giữ được hy vọng dù mỏng manh.

Ngay khi nhận được sự gật đầu, các chuyên gia 2 bệnh viện thống nhất thông tim can thiệp trong bào thai bán khẩn nhằm cứu sống thai nhi còn trong bụng mẹ.

Cân não khi thực hiện

Vào 9 giờ 30 phút ngày 3/1, thai nhi được 32 tuần 5 ngày tuổi, các chuyên gia về sơ sinh và tim mạch của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hội chẩn liên viện khẩn cấp cùng các chuyên gia về sản của Bệnh viện Từ Dũ.

8 giờ sáng 4/1, các bác sĩ của hai bệnh viện tiến hành rà soát lại một lần nữa các phương án thực hiện kỹ thuật này trước khi triển khai. Cả hai ê-kíp vào vị trí, chuẩn bị dụng cụ, máy móc bắt đầu thông tim cho thai nhi.

“Trái tim em bé chỉ như quả dâu tây, phải đảm bảo chính xác tuyệt đối bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể khiến tim ngừng đập ngay lập tức”, TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, người trực tiếp thông tim thai nhi cho biết.

Hơn 1 giờ sau, bác sĩ bắt đầu tiến hành thao tác xuyên kim qua thành tử cung người mẹ. Chiếc kim 18G được đưa vào buồng thất phải, tiếp cận động mạch phổi thai nhi. Sau hàng loạt thao tác kết hợp bơm bóng áp lực, dòng máu chảy qua van động mạch phổi của em bé cuối cùng cũng được lưu thông.

Trong suốt quá trình thực hiện, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín cho biết các bác sĩ tham gia luôn chuẩn bị các rủi ro có thể xảy ra. Bác sĩ Tín phân tích, can thiệp tim cho trẻ sau sinh khi em bé ở ngoài, bác sĩ có thể thấy được mạch máu. Việc can thiệp cho bào thai rất khó, bởi bé còn trong bụng mẹ, bác sĩ không nhìn được mạch máu. Nếu kim vô tình xuyên qua trúng mạch, sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi.

Sau ca can thiệp, bác sĩ siêu âm kiểm tra thấy dòng chảy qua van động mạch phổi của thai nhi tốt, không tràn dịch màng ngoài tim.

Bác sĩ Tín chia sẻ, lòng tin của thai phụ đã giúp ê-kíp thêm động lực, quyết tâm thực hiện thành công. Giây phút bác sĩ nong được van tim, ê-kíp của hai bệnh viện đồng loạt vỗ tay.

Bé trai đã chào đời lúc 9 giờ 17 sáng 30/1 tại Bệnh viện Từ Dũ. Bé nặng 2,9 kg, khóc to, da dẻ hồng hào.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, sau khi bé ra đời, các bác sĩ đã siêu âm tim trực tiếp tại phòng mổ. Dòng máu qua chỗ hẹp tốt và không cần can thiệp gì sau sinh.

Diễn tiến của bé được đánh giá tiếp tục sau 14 giờ, 36 giờ, 72 giờ. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ có một kế hoạch theo dõi dài hơi cho bé.

Bé trai được mẹ bế trước khi xuất viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: BVCC

Bé trai được mẹ bế trước khi xuất viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: BVCC

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Để đảm bảo thành công cho cuộc thông tim can thiệp bào thai đòi hỏi hai bệnh viện phải chuẩn bị nhiều mặt, trong đó quan trọng nhất là con người. Hai bệnh viện lên kế hoạch tỉ mỉ với ê-kíp hơn 15 người với 5 chuyên khoa gồm: Sản, nhi sơ sinh, gây mê hồi sức, tim mạch, chẩn đoán hình ảnh.

Ngoài chuyên gia trực tiếp thông tim có trình độ, việc gây mê bào thai để em bé nằm yên cũng đòi hỏi nhiều vào tay nghề của bác sĩ. Việc này đã được BSCKII Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh và ê-kíp Bệnh viện Từ Dũ nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán, can thiệp bào thai đảm nhiệm.

Yếu tố quan trọng tiếp theo là phải có bác sĩ siêu âm tim mạch giỏi. Chỉ có siêu âm xác định chính xác dị tật, hướng dẫn tốt thì bác sĩ can thiệp mới có thể thuận lợi sửa chữa dị tật trái tim. Chuyên gia về siêu âm tim, bác sĩ Đỗ Thị Cẩm Giang, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã đảm nhận trách nhiệm này.

“Công trình này được đặc cách tranh giải Thành tựu Y khoa Việt Nam 2023, do lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam. Ca bệnh đánh dấu bước ngoặt trong phát triển kỹ thuật can thiệp sớm cho thai nhi bị tim bẩm sinh. Đến nay, ê-kíp hai bệnh viện đã thực hiện liên tiếp 3 ca can thiệp tim bào thai đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ