Qua các giai đoạn phân chia tế bào, hợp tử phát triển thành phôi thai và cuối cùng là thai nhi. Thai nhi nằm trong tử cung người mẹ trước khi chào đời. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có những thai nhi nằm sai vị trí dẫn đến bệnh lý thai ngoài tử cung.
Thai ngoài tử cung là bệnh lý chỉ gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Các nhà chuyên môn thường viết tắt thai ngoài tử cung là GEU (Grossesse extra utérin).
Nguyên nhân… lạc chỗ
Sau 24 giờ hình thành, hợp tử bắt đầu các giai đoạn phân chia tế bào và chuyển thành phôi thai để lớn dần thành thai nhi. Phôi thai thường di chuyển đến lớp nội mạc trong lòng tử cung để làm tổ ở đó và phát triển thành thai nhi trong suốt thời gian “chín tháng mười ngày”.
Các vị trí lạc chỗ khi phát triển thai nhi gồm: Buồng trứng, ống dẫn trứng (còn gọi là vòi trứng), sừng tử cung, cổ tử cung, thậm chí phôi thai đi lạc vào ổ bụng và “trôi” xuống tận hố chậu. Các vị trí này đều không đủ sức cưu mang, trong khi thai nhi ngày càng lớn.
Các nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực sản khoa cho thấy, hầu hết các trường hợp mang thai ngoài tử cung có vị trí lạc chỗ là ống dẫn trứng, chiếm tỉ lệ đến 95%. Sau đây là những yếu tố nguy cơ được xem như là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý thai ngoài tử cung:
- Tiền sử nhiễm trùng của ống dẫn trứng hoặc can thiệp phẫu thuật khu vực buồng trứng, vòi trứng, kể cả thắt ống dẫn trứng đề phòng mang thai trong sinh đẻ kế hoạch.
- Tiền sử bệnh lý viêm nhiễm vùng chậu hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường sinh dục.
- Phụ nữ đã từng bị mang thai ngoài tử cung trước đó.
- Các dị dạng về ống dẫn trứng.
- Đang sử dụng vòng tránh thai đặt ở trong lòng tử cung, mặc dù tỉ lệ mang thai sau khi đặt vòng rất thấp. Tuy nhiên, nếu “vỡ kế hoạch” thì nguy cơ thai ngoài tử cung có tỉ lệ gia tăng.
- Thụ tinh trong ống nghiệm.
- Sảy thai trước đó.
- Sử dụng thuốc tránh thai.
- Nghiện thuốc lá.
- Các trường hợp đang được cho là... vô sinh.
Ảnh minh họa: ITN |
Chú ý cơn đau vùng bụng
Khi nơi làm tổ lạc chỗ của thai nhi bị đổ vỡ, máu từ đó thoát ra ngoài gây biểu hiện đầu tiên là cơn đau vùng bụng, chảy máu âm đạo. Các trường hợp chảy máu nhiều gây biểu hiện choáng như vật vã, kích thích lo lắng, hốt hoảng, da xanh lạnh vã mồ hôi, niêm mạc nhợt nhạt, sờ thấy mạch nhanh, đo huyết áp tụt. Cuối cùng, li bì, lơ mơ, hôn mê và tử vong nếu như không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Thai ngoài tử cung là bệnh lý cấp cứu thường gặp trong sản khoa. Tỉ lệ mắc bệnh khoảng 2/100 trường hợp chẩn đoán mang thai. Trường hợp hiếm hơn là có đến 2 thai: Một thai nằm trong lòng tử cung và một thai nằm lạc chỗ xảy ra nhiều hơn ở những phụ nữ đang dùng thuốc kích thích rụng trứng hoặc các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển giao tử qua ống dẫn trứng, tỉ lệ mắc khoảng 1/10.000 - 1/30.000
Khu vực định cư lạc chỗ hay cấu trúc giải phẫu chứa thai nhi thường vỡ sau khoảng thời gian từ 6 - 16 tuần, tính từ lần “gặp gỡ” có hiệu quả giữa hai đối tác. Mức độ và thời gian xuất huyết do cấu trúc giải phẫu vỡ có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Do đó, tất cả các trường hợp nghi ngờ mang thai hoặc đã xác định mang thai, đột nhiên xuất hiện cơn đau vùng bụng, đau ngày càng gia tăng, nhất là các trường hợp có xuất huyết âm đạo đều đặt vào trong tình trạng “báo động đỏ”, cần chẩn đoán xác định và xử trí kịp thời.
Các phương pháp xác định chẩn đoán thai ngoài tử cung bao gồm: Siêu âm vùng bụng, định lượng Beta-HCG huyết thanh hoặc nội soi ổ bụng.
Hướng điều trị và phòng bệnh
Các trường hợp thai ngoài tử cung một khi có biểu hiện, nghĩa là cấu trúc giải phẫu tại vị trí thai làm ổ lạc chỗ bị vỡ là một cấp cứu sản khoa hay nói chính xác hơn là một cấp cứu ngoại khoa.
Vì người bệnh cần phải được phẫu thuật càng sớm càng tốt. Bệnh nhân có thể được rạch dao mở ổ bụng theo phương pháp kinh điển hoặc được mổ bằng kỹ thuật nội soi được phát triển trong khoảng 3 thập niên gần đây.
Các trường hợp thai ngoài tử cung được chẩn đoán xác định sớm, thai còn nhỏ, cấu trúc giải phẫu nơi thai nhi làm tổ lạc chỗ chưa vỡ thì có thể điều trị nội khoa bằng thuốc Methotrexate (tiêm bắp). Một số tiêu chuẩn để chỉ định điều trị thuốc Methotrexate:
- Không có dấu hiệu nghi ngờ cấu trúc giải phẫu nơi thai làm tổ vỡ hoặc sắp vỡ. Huyết động ổn định.
- Các xét nghiệm, bao gồm công thức máu và chức năng gan thận đều bình thường.
- Thai có đường kính < 4cm và không có hoạt động tim thai.
- Nồng độ Beta-HCG ≤ 5.000 mIU/ml.
- Bệnh nhân hợp tác và tuân thủ việc theo dõi và tái khám sau điều trị.
Thai ngoài tử cung được điều trị bằng Methotrexate có tỉ lệ thành công khoảng 87% và khoảng 7% có biến chứng nghiêm trọng, điển hình là vỡ ối - lúc đó cấu trúc giải phẫu nơi thai làm tổ cũng sẽ vỡ.
Trường hợp này và các trường hợp khác được điều trị bằng Methotrexate bị thất bại đều phải chuyển sang phẫu thuật để cứu sống người bệnh.