Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Thu đúng, công bằng để chống thất thu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung Dự án Luật Thuế GTGT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Chính sách thuế GTGT hiện hành phát sinh một số hạn chế cần tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện.
Chính sách thuế GTGT hiện hành phát sinh một số hạn chế cần tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện.

Trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2013, 2014 và năm 2016, Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn.

Tăng cường quản lý chi

Luật GTGT được thông qua ngày 3/6/2008 tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009 để thay thế cho Luật Thuế GTGT năm 1997 và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT năm 2003, năm 2005.

Tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và xu hướng phát triển thời gian tới, chính sách thuế GTGT hiện hành phát sinh một số hạn chế nhất định cần tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế GTGT.

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với Dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Chia sẻ tại Hội thảo “Góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, thuế GTGT là loại thuế gián thu, đánh vào người tiêu thụ, đặc biệt là người tiêu dùng cuối cùng.

Tuy nhiên vẫn ảnh hưởng tăng chi phí, giảm lợi nhuận trực tiếp đến doanh nghiệp nói riêng và nền sản xuất kinh doanh nói chung. Vì thế, các cơ quan soạn thảo cần giải quyết vấn đề thu đúng, thu đủ, công bằng để chống thất thu.

“Không nên áp các mức thuế suất khác nhau mà nên áp dụng thống nhất một mức thuế suất 10% để bảo đảm đơn giản, công bằng, thuận tiện trong việc áp dụng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đan xen nhau đồng thời cũng tránh việc lợi dụng trốn thuế, lách thuế”, luật sư Đức kiến nghị.

Cũng bàn về thuế GTGT, theo bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia cao cấp về thuế và hải quan, Công ty TNHH Tư vấn thuế C&A, hiện nay thuế suất thuế GTGT của Việt Nam so với một số nước có thể thấp nhưng kết cấu thuế GTGT trong tổng số thu ngân sách so với một số nước lại cao.

Vì thế, bà An đề nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu trình Chính phủ và Quốc hội ban hành các luật thuế mới nhằm điều tiết nguồn thu nhập từ các nguồn thu nhập khác phát sinh phù hợp với nền kinh tế thị trường nhằm tăng thu ngân sách, thay đổi kết cấu thu ngân sách một cách hợp lý.

Hơn nữa, vị chuyên gia này cũng đề nghị Bộ Tài chính nên xem xét lại đối tượng không chịu thuế GTGT theo hướng chọn một số loại hàng hóa thật đặc biệt với tên cụ thể để quy định thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; hoặc làm rõ tiêu chí phân biệt đối tượng chịu thuế GTGT/đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5% và hàng hóa chịu thuế suất 10% đối với các nhóm hàng dễ lẫn như sản phẩn chăn nuôi, thủy sản, tài nguyên...

Xác định đối tượng chịu thuế

Tại Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung Dự án Luật Thuế GTGT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Bộ Tài chính đề xuất 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng luật.

Đó là mở rộng cơ sở thuế thông qua thu hẹp đối tượng không chịu thuế và đối tượng chịu thuế GTGT 5%. Theo đó, một số hàng hóa, dịch vụ dự kiến chuyển sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%. Thứ 2, sửa đổi, bổ sung các điều khoản nhằm thúc đẩy việc thanh toán không dùng.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế GTGT để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần bổ sung làm rõ hơn căn cứ điều chỉnh các đối tượng từ không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%; rà soát các nhóm sản phẩm chịu thuế để bảo đảm bao quát đối tượng chịu thuế.

Cùng với đó, nghiên cứu, rà soát luật hóa các quy định dưới luật liên quan đến giá đất được trừ để tính thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo các hình thức chuyển nhượng đang được thực hiện ổn định, không phát sinh vướng mắc để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, minh bạch, thuận tiện trong áp dụng pháp luật.

Đồng thời, làm rõ hơn lý do bổ sung quy định thuế suất đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành sản phẩm khác. Làm rõ thêm về cơ sở thực tiễn, tác động của việc sửa đổi, bổ sung điều kiện khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Cho ý kiến về dự án luật (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội, Vương Đình Huệ cho hay, ông băn khoăn nhất về phạm vi quy định mặt hàng chịu thuế GTGT, nhất là đối với nông sản.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây đã làm rất kỹ lưỡng đối với vấn đề nông sản dù rất phức tạp nhưng sau này phát sinh nhiều sai phạm tiêu cực liên quan đến hóa đơn GTGT, cà phê, tôm, cá… thì vấn đề này lại không được tính toán đầu ra, đầu vào, mà lại loại trừ phạm vi rất lớn trong lĩnh vực này.

“Không thể vì gian lận ở một bộ phận mà hủy hết tất cả; nếu không sẽ không bảo đảm bản chất của thuế GTGT; trường hợp có gian lận thì phải đấu tranh xử lý mạnh hơn nữa” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ