Đã có lệnh từ trên...
Ngày 28/04/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 641/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030, để thực hiện Chương trình chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan (Chương trình 2 của Đề án); một trong các nội dung chủ yếu cần thực hiện đó là: Xây dựng và triển khai chương trình sữa học đường đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học.
Ngày 08/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 (“Quyết định 1340”). Trong đó quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế: “Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Căn cứ theo theo quy định tại Quyết định 1340, ngày 28/9/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định 5450/QĐ-BYT về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Theo nội dung Quyết định này Bộ Y tế giao “Viện Dinh Dưỡng chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học, để đáp ứng được Mục tiêu và Chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường đến năm 2020. Báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30 tháng 6 năm 2017”.
Ngày 06/7/2017, Viện dinh dưỡng Quốc gia đã có Công văn 351/VDD-DHĐ&NN gửi Cục An toàn thực phẩm. Trong báo cáo kỹ thuật đính kèm Công văn số 351, Viện Dinh dưỡng đề nghị tăng cường ít nhất 05 vi chất bắt buộc và 16 vi chất không bắt buộc vào Sữa học đường.
Tháng 4/2018, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đăng tải công khai trên website của Cục về Dự thảo của Thông tư Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Ngày 26/11/2018, Bộ Y tế ban hành Quyết định 7091/QĐ-BYT về Kế hoạch hoạt động triển khai thực hiện Quyết định 1340/QĐ-TTg. Trong đó, công văn đã chỉ rõ:
"Cục An toàn Thực phẩm chủ trì, phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em xây dựng và ban hành quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường đến năm 2020 đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xây dựng nhãn mác sản phẩm riêng cho các loại sữa tham gia Chương trình sữa học đường;
Viện dinh dưỡng chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng định mức quy định sữa phù hợp với lứa tuổi và hàm lượng vi chất bổ sung trong sản phẩm của Chương trình nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình Sữa học đường”.
... đến sự chậm trễ khó hiểu
Ngày 20/12/2018, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế tiếp tục có Công văn số 6173/ATTP-KN V/v lấy ý kiến về các sản phẩm sữa tham gia Chương trình Sữa học đường.
Cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, các phương tiện truyền thông đưa nhiều tin tức về sữa học đường, tuy nhiên Bộ Y tế vẫn chưa ban hành hướng dẫn triển khai chương trình và chưa có các quy định chính thức về tiêu chuẩn sản phẩm sữa phục vụ Chương trình Sữa học đường theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 1340.
Ngày 13/5/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1783/QĐ-BYT 2019 quy định về logo cho sản phẩm sữa phục vụ Chương trình sữa học đường.
Ngày 18/6/2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chủ trì cuộc họp góp ý Dự thảo Thông tư Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Sau khi có kết luận của Thứ trưởng về cuộc họp, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Dự thảo 9.7 Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Ngày 10/7/2019, Bộ Y tế gửi Công văn hỏa tốc gửi Dự thảo 9.7 và đề nghị các doanh nghiệp liên quan góp ý trước ngày 12/7/2019, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin Dự thảo 9.7 này được ký ban hành.
Trước những thông tin nêu trên, dư luận không khỏi bức xúc trước câu hỏi: Tại sao cho đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành bộ quy chuẩn về sữa học đường?
Kể từ khi Thủ tướng ký ban hành Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sữa học đường đến nay đã gần đủ 3 năm, nhưng văn bản hướng dẫn tiêu chuẩn sữa học đường quốc gia vẫn chưa được Bộ Y tế ban hành. Sự chậm trễ nêu trên không chỉ khiến dư luận băn khoăn, mà còn đang làm cho chương trình sức khỏe quốc gia như Chương trình Sữa học đường bị ảnh hưởng không hề nhỏ của bởi sự chậm trễ, kéo dài không đáng có của Bộ Y tế.