Chương trình sữa học đường: Nóng lòng chờ quy chuẩn

GD&TĐ - Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình sữa học đường, trong đó yêu cầu Bộ Y tế xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể. Thế nhưng năm học mới 2019 -2020 đã cận kề, nhà trường và các bậc phụ huynh vẫn trong tình trạng trông chờ Quy chuẩn chung cho sữa học đường từ ngành Y tế.

Ảnh minh họa/nguồn internet.
Ảnh minh họa/nguồn internet.

Chương trình ý nghĩa

Chăm lo kỹ lưỡng về dinh dưỡng của 2 con, chị Nguyễn Thị Phương, phụ huynh của cháu Hoàng Anh Tuấn, Trường mầm non Trần Nhật Duật (Hà Nội) luôn lo lắng khi nghe những thông tin về tỉ lệ trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng, thấp còi do thiếu các vi chất dinh dưỡng thiết yếu. Vốn từng làm hiệu trưởng ở trường mầm non tư thục nên chị tìm hiểu khá kỹ về chương trình sữa học đường.

Theo chị Phương, việc cho con uống mỗi ngày thêm một hộp sữa, với giá thành được hỗ trợ, là điều hoàn toàn tốt. Tuy nhiên, tâm lý của người làm bố làm mẹ khi chưa biết về sản phẩm sữa con mình sẽ uống là gì, đương nhiên sẽ có những hoài nghi, lo lắng. Chị cũng mong muốn con mình được sử dụng nguồn sữa sạch, có thương hiệu, chất lượng được đảm bảo.

Với tư cách là một nhà giáo, một người có cháu ngoại tuổi mẫu giáo, cô Nguyễn Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Ngọc (Thanh Hóa) chia sẻ: “Niềm mong mỏi của các cô giáo vùng nông thôn, vùng xa xôi hẻo lánh là ngày càng nhiều trẻ em được thụ hưởng chương trình sữa học đường.

Ở những nơi mà phụ huynh còn khó khăn, chưa có điều kiện cho con uống sữa mỗi ngày nếu được sự hỗ trợ của địa phương và doanh nghiệp về chi phí và đặc biệt về chất lượng như chương trình sữa học đường đang triển khai ở nhiều địa phương, đó thực sự là niềm hạnh phúc”.

Ảnh minh họa/nguồn internet.
 Ảnh minh họa/nguồn internet.

Chia sẻ về sự cần thiết của chương trình sữa học đường, cô Lương Thị Thuý Nga, Trường Mẫu giáo Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Tiền học đường và học đường là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ. Đây là giai đoạn tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết chuẩn bị cho quá trình dậy thì và trưởng thành sau này.

Chờ đến bao giờ?

Hà Nội là địa phương triển khai Chương trình sữa học đường đạt tỷ lệ 87,7%. Đánh giá chung của Sở GD-ĐT Hà Nội, 100% các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học trên địa bàn thành phố đã thực hiện tốt công tác truyền thông, làm tốt các bước chuẩn bị và cho trẻ uống sữa đảm bảo an toàn ngay từ ngày đầu tiên.

Cô Lương Thị Thuý Nga, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Năm học 2018-2019, Ban giám hiệu đã làm tốt công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức của bố, mẹ, người chăm sóc về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp theo nhóm tuổi.

Theo cô Lương Thị Thuý Nga, qua 5 tháng thực hiện chương trình sữa học đường, 95% phụ huynh nhà trường ủng hộ và những tháng tiếp theo đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của 100% phụ huynh cho con uống sữa.

Ảnh minh họa/nguồn internet.
 Ảnh minh họa/nguồn internet.

Tuy nhiên, năm học mới đã đến, nhà trường và các phụ huynh rất mong muốn sớm có quy chuẩn chung cho sữa học đường, đặc biệt là các quy chuẩn về tỷ lệ các vi chất bổ sung trong sữa học đường để đảm bảo an toàn cho trẻ, đồng thời cũng đảm bảo mục tiêu quốc gia về chương trình sữa học đường đó là đảm bảo tầm vóc của trẻ.

Tại Trường TH Thăng Long (Hoàn Kiếm - Hà Nội), cô Phan Thị Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tính đến tháng 5/2019, nhà trường có 1500/1505 học sinh (chiếm 99,7%) đăng ký tham gia chương trình Sữa học đường. Đây là một con số rất đáng lạc quan khi lần đầu tiên nhà trường triển khai chương trình này.

Chương trình sữa học đường tạo điều kiện thuận tiện cho phụ huynh hàng ngày không phải gửi thêm sữa cho con. Phụ huynh tin tưởng các nhà trường thực hiện đúng quy trình tổ chức cho con uống sữa tại trường, yên tâm về chương trình Sữa học đường cũng như chất lượng sữa công ty Vinamilk đã cung cấp. Tuy nhiên, phụ huynh cũng đang nóng lòng chờ đợi một quy chuẩn chính thức để kiểm soát chất lượng sữa vào trường học.

Mặc dù chương trình nhận được sự đồng thuận của các nhà trường, phụ huynh, doanh nghiệp nhưng cho đến thời điểm này, dư luận vẫn đặt câu hỏi vì sao Bộ Y tế vẫn chưa ban hành Quy chuẩn chung cho sữa học đường. Điều này quả thực rất khó hiểu với một chương trình có ý nghĩa xã hội lớn như vậy?

Năm học mới 2019-2020 sắp đến, việc triển khai Chương trình Sữa học ngày càng lan tỏa rộng khắp các địa phương, càng cần thiết có một quy chuẩn kiểm soát chất lượng sữa. Nếu không, mục tiêu "Sữa học đường nâng cao tầm vóc Việt" sẽ khó đạt được như kỳ vọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...