Sửa đổi quy định về thời gian nghỉ hè của giáo viên

Sửa đổi quy định về thời gian nghỉ hè của giáo viên

Về quan điểm xây dựng, Nghị định quy định chi tiết các nội dung của Luật Giáo dục 2019 về chuyển đổi loại hình nhà trường, từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; thời gian nghỉ hè của nhà giáo; phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, Giáo sư danh dự; học bổng khuyến khích học tập; học bổng chính sách; miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên. Bảo đảm tính phù hợp với quy định của Luật Giáo dục 2019, tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, kế thừa và nâng các quy định đã ban hành còn phù hợp.

Thống nhất và mang tính kế thừa

Đối với thời gian nghỉ hè của nhà giáo, thay vì được quy định tại nhiều Thông tư như hiện nay, dự thảo Nghị định đề xuất thời gian nghỉ hè chung cho tất cả giáo viên từng cấp học.

Cụ thể: Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non là 8 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có); Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, nếu có;

Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ Tết, nghỉ các ngày lễ, nghỉ phép hằng năm và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, nếu có; Thời gian nghỉ hè hằng năm của giảng viên các cơ sở giáo dục đại học do hiệu trưởng, giám đốc các cơ sở giáo dục đại học quyết định.

Giáo viên được hưởng nguyên lương trong kỳ nghỉ hè (ảnh M.họa)
 Giáo viên được hưởng nguyên lương trong kỳ nghỉ hè (ảnh M.họa)

Căn cứ khung kế hoạch thời gian năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thời điểm nghỉ hè ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn; căn cứ điều kiện của trường trung cấp, trường cao đẳng, hiệu trưởng nhà trường quyết định thời gian nghỉ hè của nhà giáo.

Bảo đảm quyền của giáo viên

Dự thảo Nghị định còn có một số quy định đáng chú ý khác về nội dung, thẩm quyền, hồ sơ và quy trình chuyển đổi trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục sang trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Việc chuyển đổi được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản2 Điều 47 Luật Giáo dục: Chỉ chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; thực hiện quy định của điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của loại hình nhà trường ở mỗi cấp học, trình độ đào tạo; bảo đảm quyền của giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động và người học; không làm thất thoát đất đai, vốn và tài sản.

Đối với quy định học bổng khuyến khích học tập, học bổng chính sách, Dự thảo Nghị định đã nâng các quy định tại các văn bản hướng dẫn trước đây thành các quy định của Nghị định và giữ nguyên mức học bổng khuyến khích học tập theo quy định hiện hành. Về quy định miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên, dự thảo Nghị định quy định nguyên tắc, đối tượng được hưởng và giao cho các bộ có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ điều kiện cụ thể để hướng dẫn thực hiện.

Thực hiện Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 26/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Cụ thể: Thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập gồm đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban Dân tộc. Tổ chức các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập; họp với các Bộ, ngành liên quan. Tổ chức lấy ý kiến góp ý của các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đăng tải dự thảo Nghị định lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.