ảnh mang tính minh họa |
Đáp lại câu hỏi của chủ toạ phiên toà: “Tại sao lại rủ rê bạn bè mang dao sang nhà hàng xóm đập phá đồ đạc, hành hung người ta suýt mất mạng?” và “Có ý thức được việc làm của mình là nguy hiểm, vi phạm pháp luật không?”, cậu bé tên Vinh thản nhiên trả lời: “Mẹ cháu bảo “con mụ” ấy là kẻ thù không đội trời chung của gia đình cháu. Nó cậy hai thằng con trai lớn nên ngang nhiên lấn đất nhà cháu. Khi bị phát hiện nó còn chửi rủa, thách thức gia đình cháu. Mẹ dặn cháu sau này lớn phải đi học võ về trừng trị cho mấy mẹ con nó một trận nhớ đời. Cháu đem chuyện này kể với mấy thằng bạn thân, chúng bảo sẽ giúp cháu “rửa hận” sợ gì đứa nào mà phải đợi đến mai sau. Nhằm lúc các con bà ấy đi vắng, chúng cháu mang dao sang “hỏi tội”. Lúc đầu chỉ định uy hiếp tinh thần nhưng bà ta chửi bới, doạ báo công an gô cổ lại nên bọn cháu tức giận tấn công thật. Đứa bạn cháu bảo bọn cháu đều là trẻ vị thành niên nên cùng lắm chỉ bị xử phạt hành chính chứ không phải đi tù đâu mà lo...”.
Lời khai ngây ngô của Vinh khiến những người có mặt trong phòng xử án bàng hoàng, sửng sốt trước suy nghĩ của đứa trẻ chưa đầy 15 tuổi. Riêng người mẹ mặt tái nhợt đi, ruột gan nhói đau, quặn thắt lại. Chị cúi gầm mặt, chốc chốc lại nấc lên nghẹn ngào. Chị không chỉ day dứt, hối hận vì đã vô tình kích động, lôi kéo con vào những mâu thuẫn của người lớn để bây giờ nó phải đứng trước vành móng ngựa, phải chịu sự trừng phạt của luật pháp mà còn phải hứng chịu ánh mắt giận dữ, oán trách từ phía gia đình những cậu bé bị coi là tòng phạm với con chị trong vụ án này, cùng sự lên án gay gắt của làng xóm...
Thực ra, chị hoàn toàn không có ý định xúi giục con sang gây sự với nhà hàng xóm song những lời nói thiếu suy nghĩ của chị trong lúc nóng giận đã vô tình khơi dậy sự hồ đồ, nông nổi và làm trỗi dậy bản tính “anh hùng rơm”, thích thể hiện mình của đứa con trai mới lớn. Trưa hôm đó, chị vừa cãi nhau với nhà bên cạnh vì người ta cắm lại bờ rào lấn sang đất nhà chị vài phân thì Vinh đi học về. Thấy mẹ ngồi ủ rũ, nó hỏi có chuyện gì thì chị lớn tiếng xả nỗi giận dữ đang trĩu nặng trong lòng: “Nhà mình bất hạnh ở ngay cạnh cái loại tham lam, quỷ quyệt. Nó thấy bố đi làm xa, con thì còn bé, lại cậy mình cậy mẩy có hai thằng con trai lớn nên chèn ép, bắt nạt mẹ. Con phải nhớ lấy mối thù này, sau này lớn đi học võ về để không đứa nào đè nén mình được... ”. Tính chị vốn bỗ bã, “ruột để ngoài da”, lúc ba máu sáu cơn thì nói cho hả giận chứ vài ngày sau lại như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Chị đâu ngờ rằng sự vô tâm của mình đã gây nên hậu quả khôn lường. Đứa con trai vốn ngoan ngoãn, học giỏi của chị trở nên hiếu chiến, ngấm ngầm muốn “trả thù” cho mẹ nên đem chuyện này tâm sự cùng mấy thằng bạn thân và nhận được sự “hưởng ứng” nhiệt tình của cả nhóm. Tối hôm đó, 7 thằng lăm lăm con dao trên tay kéo sang “hỏi tội” bà hàng xóm. Mục đích ban đầu chỉ là đe đoạ nhưng trước sự phản kháng mạnh mẽ cùng những lời lẽ ngoa ngoắt, xúc phạm của bà ta đã khiến những đứa trẻ đang ở độ tuổi mới lớn hung hăng, liều lĩnh đập phá tan tành những tài sản có giá trị trong nhà, có đứa còn chém người không run tay. Khi mọi người xung quanh phát hiện ra sự việc báo với chính quyền địa phương thì cả bọn đang đắc thắng kéo nhau ra thị trấn uống rượu “ăn mừng”. Trong suy nghĩ của những đứa trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường thì tội của chúng chỉ bị công an bắt giam vài ngày rồi phải thả vì chúng chưa đến tuổi thành niên. Chính vì vậy khi bị đưa về phòng tạm giam cả bọn vẫn nhâng nhâng, nháo nháo, không hề tỏ vẻ hối hận, sợ sệt. Chỉ đến khi án phạt chính thức được tuyên chúng mới sợ hãi gào khóc: “Bố mẹ ơi! Cứu con với...”.
Phiên toà khép lại trong nước mắt và sự day dứt tâm can. Đó cũng là bài học đắt giá cho các bậc làm cha làm mẹ về cách hành xử với con trẻ. Tuổi mới lớn tâm hồn vô cùng nhạy cảm nhưng cũng bồng bột, sốc nổi nên đôi khi chỉ một lời nói, một hành động cũng khiến các em bị kích động, dẫn đến những việc làm ngỗ ngược, sai trái bột phát, nhất thời. Các bậc cha mẹ đừng bao giờ phạm sai lầm lôi kéo con vào những mâu thuẫn, xích mích của người lớn để đến khi hối hận thì tất cả đã quá muộn màng...
Tuấn Nguyên