Sự 'trỗi dậy' của những căn bệnh bị lãng quên

GD&TĐ - Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với sự 'trỗi dậy' của nhiều căn bệnh tưởng chừng đã được khống chế.

Bệnh nhân mắc sốt rét điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân mắc sốt rét điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC

Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với sự “trỗi dậy” của nhiều căn bệnh tưởng chừng đã được khống chế. Trong đó, sốt rét, sởi, ho gà… là những căn bệnh gây lo ngại.

Nguy cơ tiềm ẩn

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những căn bệnh như sốt xuất huyết, bệnh phong, bệnh dại, các loại bệnh liên quan đến nấm, giun sán... đều là những căn bệnh nhiệt đới bị lãng quên. Ước tính, 1 tỷ người trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi các bệnh nhiệt đới bị lãng quên này. 1,62 tỷ là số người cần được điều trị hằng năm. Đồng thời, 200.000 là số ca tử vong có thể ngăn chặn hằng năm.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023, nước ta ghi nhận hơn 172.000 ca mắc sốt xuất huyết, 43 trường hợp tử vong. So với năm 2022, số mắc giảm khoảng 54%, số tử vong giảm 72% (giảm 108 trường hợp).

Không chỉ sốt xuất huyết, sốt rét cũng là căn bệnh gây nguy hiểm. Mới đây, nam thanh niên 37 tuổi (ở Hòa Bình) được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng suy hô hấp, suy gan, tan máu nặng, được chẩn đoán mắc sốt rét ác tính biến chứng nặng.

Đây là bệnh mà người này từng mắc từ hơn 20 năm trước. Trước khi nhập viện, người đàn ông sốt cao 39 - 40 độ C kéo dài trong 5 ngày liên tiếp. Đồng thời, xuất hiện sốt rét run thành cơn, đau đầu, mệt mỏi, ăn uống kém, bụng trướng, gan to, vàng da, vàng mắt ngày càng rõ rệt, nước tiểu ít và sẫm màu.

Tại cơ sở y tế ban đầu, các bác sĩ soi tìm ký sinh trùng. Kết quả cho thấy, bệnh nhân mắc sốt rét P.vivax (+) và phải chuyển tuyến điều trị. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân xuất hiện tình trạng suy hô hấp, suy gan và tan máu nặng, dù trước đó không có tiền sử bệnh lý về gan. Theo các bác sĩ, bệnh sốt rét ác tính đã gây suy giảm nghiêm trọng chức năng gan của bệnh nhân.

Bác sĩ Trương Tư Thế Bảo, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trường hợp của bệnh nhân trên cảnh báo về nguy cơ tái phát của bệnh sốt rét sau nhiều năm.

Ký sinh trùng sốt rét P.vivax vẫn còn tồn tại trong cơ thể của bệnh nhân trên suốt hai thập kỷ và đã tái phát khi gặp điều kiện thích hợp. Đây là trường hợp điển hình cho thấy sự nguy hiểm của ký sinh trùng sốt rét P.vivax, có khả năng “ngủ” trong gan và tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi.

Vì vậy, những người từng mắc sốt rét, đặc biệt là khi sống hoặc làm việc trong các khu vực có nguy cơ cao, cần chú ý đến sức khỏe của mình và không nên chủ quan vì bệnh có thể tái phát.

Số liệu của WHO đưa ra cho thấy, trong năm 2022, thế giới ghi nhận 249 triệu ca sốt rét và 608.000 ca tử vong. Tuy nhiên, có một thực tế là trong những năm gần đây, tiến bộ trong việc giảm số ca bệnh sốt rét đã bị chậm lại.

Theo WHO, bệnh sốt rét không chỉ tiếp tục gây ra những nguy hiểm trực tiếp tới sức khỏe và thiệt hại tới tính mạng con người, mà còn khiến kéo dài vòng luẩn quẩn về sự bất bình đẳng trong xã hội. Trong đó, những người dễ bị thương tổn nhất là trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, những người tị nạn, người có lối sống du canh, du cư, người dân bản địa.

TS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thông tin, năm 2023, toàn cầu có 249 triệu trường hợp mắc sốt rét ở 85 quốc gia, tăng 5 triệu trường hợp so với năm 2022. Châu Phi vẫn là khu vực có tình hình sốt rét nặng nhất, ước tính có khoảng 233 triệu trường hợp mắc sốt rét, chiếm 94% số bệnh nhân sốt rét toàn cầu.

Khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, có khoảng 1,4 triệu trường hợp mắc, chiếm 0,56% tổng số bệnh nhân sốt rét toàn cầu. Tại Việt Nam, trong 10 năm qua số trường hợp mắc và tử vong do sốt rét giảm dần qua các năm và đã giảm 35 lần (từ 15.752 ca xuống còn 448 ca/năm), đặc biệt giai đoạn 2014 - 2016 giảm mỗi năm 2 lần và giai đoạn 2019 - 2021 giảm mỗi năm trên 3 lần. Năm 2023, Việt Nam ghi nhận 448 ca mắc sốt rét.

“Trong 18 tuần đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 141 trường hợp mắc sốt rét, tăng 107,4% so với cùng kỳ năm 2023, không có dịch sốt rét xảy ra. Số ca mắc sốt rét chủ yếu tập trung tại tỉnh Khánh Hòa (94/141 trường hợp), chiếm 66,7% số mắc toàn quốc, tiếp đó là tỉnh Nghệ An (8 trường hợp), Hà Tĩnh (7 trường hợp)” - TS Cảnh thông tin.

…Bùng phát thành dịch

Bên cạnh đó, gần đây, nhiều bệnh truyền nhiễm như ho gà, bạch hầu, uốn ván, lao, sởi… xuất hiện trở lại và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch. Thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính đến nay, trong năm 2024, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần.

Cục Y tế dự phòng nhận định, tỷ lệ mắc ho gà có xu hướng tăng nhanh. Ðây là một bệnh lây theo đường hô hấp và lây rất mạnh, rất nhanh. Những trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiếp xúc với nguồn bệnh đều có thể mắc ho gà. Trước đây, bệnh chỉ xảy ra ở những vùng sâu, vùng xa. Song, vừa qua, ở các tỉnh đồng bằng, thành phố, trong đó có Hà Nội, có trẻ em mắc ho gà.

Còn với bệnh sởi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam lo ngại gia tăng các ca và chùm ca bệnh sởi ở một số tỉnh, thành và nguy cơ bùng phát trên diện rộng nếu như các giải pháp về y tế công cộng khẩn cấp không được thực hiện.

Từ cuối năm 2023, WHO đã phát thông báo nhiều nước trên thế giới có số ca mắc sởi gia tăng và cảnh báo Việt Nam dịch sởi có thể bùng phát. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc, trong đó TPHCM ghi nhận hơn 500 ca.

Để chủ động phòng, chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, cần đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi đi tiêm vắc-xin sởi đầy đủ và đúng lịch. Tránh để trẻ tiếp xúc với người nghi mắc sởi và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Giữ vệ sinh cá nhân, nơi ở và đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Nhà trẻ, trường học cần thường xuyên khử trùng và giữ vệ sinh sạch sẽ. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ