Tìm hiểu về loài dơi để phòng dịch bệnh

GD&TĐ - Kết quả nghiên cứu về 26 loài dơi là cơ sở khoa học cho công tác phòng chống dịch bệnh động vật, quản lý đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái.

GS.TS Vũ Đình Thống ghi lại tiếng kêu của các loài dơi trong hạng động.
GS.TS Vũ Đình Thống ghi lại tiếng kêu của các loài dơi trong hạng động.

Đi tìm nguồn gốc của Coronavirus

GS.TS Vũ Đình Thống và các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa thực hiện đề tài “Nghiên cứu hiện trạng đa dạng của các loài dơi ở hang động du lịch của Việt Nam và xét nghiệm các chủng Coronavirus có khả năng gây bệnh dịch đối với con người”.

Theo GS.TS Vũ Đình Thống, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như nhiều nhà khoa học trên thế giới nhận định: SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ các loài dơi hoặc một số loài động vật hoang dã khác. Nhận định về nguồn gốc của SARS-CoV-2 được dựa trên kết quả nghiên cứu so sánh trình tự gen của chủng virus này với SARS-CoV-1 cho thấy chúng tương đồng hơn 96%.

SARS-CoV-1, chủng virus gây đại dịch SARS năm 2002-2003, được tìm thấy ở một số loài dơi thuộc giống Dơi lá mũi (Rhinolophus) và một số loài động vật hoang dã khác.

Mỗi năm, có từ hàng nghìn đến hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan những hang động có dơi sinh sống. Trường hợp khách tham quan hoặc những loài dơi sinh sống ở hang động du lịch mang SARS-CoV-2 hoặc những Coronavirus khác có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch ảnh hưởng đến sức khoẻ của khách tham quan, cộng đồng hoặc liên quan đến tình trạng bảo tồn dơi nói riêng và đa dạng sinh học nói chung.

Do vậy cần có những nghiên cứu cấp thiết và cụ thể để chứng minh SARS-CoV-2 có thực sự bắt nguồn từ những loài dơi hay không. Mặt khác, nên có những nghiên cứu và xét nghiệm đối với một số Coronavirus khác có khả năng gây bệnh dịch cho con người đã được phát hiện ở nhiều loài dơi trên thế giới tại Việt Nam.

Với mục tiêu tìm ra những dẫn liệu khoa học và phát hiện mới liên quan tới một số loài dơi cư trú tại những hang động du lịch tập trung khách tham quan, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài nêu trên.

Nhóm đã xác định thành phần loài dơi sinh sống trong một số hang động ở Khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Tràng An, Vườn Quốc gia Cúc Phương và Vườn Quốc gia Cát Bà.

Trong đó, có loài Dơi nếp mũi Hạ Long đặc hữu của Việt Nam và 8 loài khác được ghi nhận ở cả ba khu vực nghiên cứu; 4 loài được ghi trong Danh lục Đỏ của IUCN ở mức cần quan tâm bảo tồn gồm 3 loài ở mức “Sẽ nguy cấp - VU và một loài ở mức “Gần bị đe doạ - NT”.

Hầu hết cá thể dơi dương tính với Coronavirrus

GS.TS Vũ Đình Thống chia sẻ: Nghiên cứu của ông và cộng sự đã cung cấp những dẫn liệu mới về nhiễm sắc thể của tổ hợp loài Dơi lá mũi pecxon ở khu vực nghiên cứu và trong phạm vi phân bố hiện biết của chúng, bao gồm Việt Nam và những nước lân cận. Những dẫn liệu đầu tiên về thành phần loài dơi ở Khu Di sản Thiên nhiên và Văn hóa Thế giới Tràng An cũng được đưa ra trong nghiên cứu.

Đồng thời, các nhà khoa học còn chỉ ra những dẫn liệu mới về đặc điểm tiếng kêu siêu âm của các loài dơi thuộc họ Dơi nếp mũi (Hipposideridae) ở Vườn Quốc gia Cúc Phương và tập tính tiếng kêu siêu âm của loài Dơi nếp mũi Hạ Long (Hipposideros alongensis) đặc hữu của Việt Nam.

Nhóm nghiên cứu tiến hành xét nghiệm nhiều mẫu sinh phẩm thu từ những cá thể dơi được tìm thấy, trong đó, bước đầu xác định được 22 mẫu thuộc loài Dơi lá đuôi (Rhinolophus affinis) dương tính với Coronavirus. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu, xét nghiệm và phân tích kỹ trong thời gian tới để khẳng định kết quả.

Theo GS.TS Vũ Đình Thống, thực tế, còn nhiều loài, dạng loài dơi sinh sống ở những hang động và hệ sinh thái khác nhau đang được các nhà khoa học tiếp tục phân tích, định loài.

Điều này làm cơ sở khoa học cho công tác đánh giá hiện trạng đa dạng các loài dơi, cung cấp cơ sở khoa học phục vụ phát triển du lịch bền vững, an toàn, góp phần phòng tránh dịch bệnh động vật và các lĩnh vực khác.

Từ những thành công bước đầu, các nhà khoa học cũng dự kiến nghiên cứu các loài dơi và những loài ngoại ký sinh ở dơi để bổ sung, cập nhật dẫn liệu góp phần đánh giá tính đa dạng sinh học của Việt Nam.

GS.TS Vũ Đình Thống là thành viên của Nhóm chuyên gia nghiên cứu dơi thuộc Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Ông là tác giả và đồng tác giả của 115 công trình khoa học; trong đó có 41 bài trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCIE.

Cho đến nay, GS.TS Vũ Đình Thống là người duy nhất của Việt Nam và là một trong số 18 người trên thế giới, được nhận Giải thưởng Quốc tế Spallanzani về nghiên cứu, bảo tồn dơi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.