Chị quệt 2 hàng mồ hôi nhễ nhại trên mặt, biểu cảm nhàu nhĩ hơn anh: “Khiếp! Có cơm mà ăn là may rồi, anh đừng đòi hỏi nhiều”.
Anh ngồi xuống ghế, ngoan ngoãn tự xới cơm, gắp miếng rau rồi đưa ngay vào miệng, gật gù: “Hờ hờ, giời nóng ăn rau rồi chan canh là thích nhất, lần sau em làm ít thịt thôi, anh sợ ăn chất đạm lắm rồi, chỉ thích ăn rau cho xanh ruột”. Chị không nói gì, lùa vội bát cơm cho xong bữa.
Lúc chị đang rửa bát trong bếp thì anh chạy vào, la lối om xòm: “Em ơi, anh… anh… sắp chết đến nơi rồi! Đau quá! Chết mất!”.
Chị buông bát, ngoảnh lại, thấy anh ôm chặt bụng, mặt xám xịt, chị hỏi: “Anh làm sao đấy? Này, đùa em đấy à?”. Anh đau quá, cúi gập người nhưng vẫn ra sức quát: “Đùa đùa cái con khỉ! Anh bị ngộ độc thức ăn đây này, mau mau lấy cái gì cho anh uống đi, nhanh lên”.
Chị cuống cuồng pha cốc trà gừng mật ong đưa cho anh, anh nốc một hơi rồi đặt cốc đánh “cạch” lên mặt bàn, thở dốc: “Phù! Hú vía, tí chết! Mà này, em mua rau ở đâu thế? Rau này chắc chắn vừa phun thuốc trừ sâu, sợ quá”.
Chị chối bay chối biến: “Vớ vẩn! Nãy em cũng ăn rau mà, có làm sao đâu”. Anh bực dọc: “Em ăn có vài miếng, chất độc chưa đủ khiến dạ dày em co thắt, anh ăn nhiều nên mới bị. Mà này, anh nói với em bao nhiêu lần rồi, nhà mình có thể tự trồng rau sạch mà. Rau là thực phẩm thiết yếu cho mọi nhà nhưng trong thực tế, đây lại là loại thực phẩm dễ bị ô nhiễm nhất so với các loại nông sản khác. Nguy cơ bị ngộ độc do ăn rau cao hơn các nông sản khác vì rau xanh được người tiêu dùng sử dụng ngay sau khi thu hoạch và rau còn được dùng ăn sống nên những yếu tố gây ô nhiễm trên rau dễ tác động làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ…”.
Chị gạt phăng: “Anh lại bắt đầu đấy, em nghe muốn thủng màng nhĩ đây này. Anh chẳng thực tế chút nào, nhà mình chật hẹp, cạp đâu ra đất mà trồng rau?”.
Anh lắc đầu: “Chán em quá, giờ khoa học phát triển lắm, người người nhà nhà trồng rau bằng phương pháp thủy canh kia kìa. Mà chính ra, trồng rau dưới đất, dù không phun phiếc, chẳng ai dám đảm bảo loại rau đó sạch trăm phần trăm khi mà chất độc thường chứa trong nước thải, khói thải của các khu công nghiệp hoặc có sẵn trong đất. Các kim loại nặng nếu xâm nhiễm vào cơ thể người với lượng vượt mức cho phép sẽ gây bệnh đấy, sợ lắm!”.
Nghe anh “dọa”, chị sợ vã mồ hôi, ngay hôm sau chị thuê người bưng về 5 thùng xốp to tướng, bên trong chứa đầy đất. Anh thắc mắc: “Ơ, sao em lại mua đất? Anh bảo trồng rau bằng phương pháp thủy canh cơ mà”.
Chị ương bướng: “Không thủy canh thủy kiếc gì sất, em không quen, đây là nguồn đất sạch, anh yên tâm, vài hôm nữa có rau tươi ăn ngay đấy”.
Sau lần “chết hụt”, trước khi gắp rau, anh đều tỏ vẻ nghi ngờ: “Em có đảm bảo rau này sạch trăm phần trăm không?”. Chị gật lia lịa: “Sạch mà, siêu sạch là đằng khác, lại chính tay em trồng, anh không tin em à?”. Anh không nói gì nữa, yên tâm gắp rau và chan canh.
Sau gần 2 tháng chỉ ăn rau nhà mà chưa thấy hiện tượng bất thường nào, anh quyết định bỏ qua mọi lời mời ăn hàng với lý do: “Quen ăn cơm vợ nấu”. Mặc kệ bạn bè, đồng nghiệp cười chê, anh vẫn kiên định với thói quen của mình, tự nhủ: “Một lần chết hụt là quá đủ”.
Một buổi chiều tan làm sớm, anh về nhà và quyết định trèo lên sân thượng thăm vườn rau của vợ, chưa kịp mở cửa để bước ra vườn, anh nghe tiếng bà hàng xóm vang lên: “Cô Oanh đang làm gì đấy?”. Giọng vợ anh lanh lảnh: “Dạ em bón rau. Rau sạch kiểu gì cũng phải có tí phân đạm, không có chất tăng trưởng, rau không thể ngóc đầu lên được chị ạ”.