Nó được rèn bởi người thợ có tâm địa bất chính là Sengo Muramasa nên vô cùng khát máu, nếu không được chủ nhân cho thỏa mãn say mê chém giết thì sẽ quay ngược lại cắt cổ chính chủ nhân của mình.
Thợ rèn điên loạn và thanh kiếm nhiễu tâm
Truyền thuyết Nhật Bản kể rằng, từ nhỏ, Sengo Muramasa (? – 1501) đã tỏ ra rất quái gở. Y luôn cau có, kiêu ngạo và đố kị với mọi thứ xung quanh. Bản tính xấu xa này của Muramasa khiến bạn bè đồng trang lứa chán ghét, xa lánh và hàng xóm láng giềng kỳ thị.
Càng lớn, người này càng cô độc và tràn đầy lòng phẫn uất. Không có bạn để chơi và việc để làm, y thường một mình sục sạo các chiến địa, nhặt kiếm gãy mang về, quăng hết vào lò lửa và đốt chảy thành kim loại lỏng, sau đó hì hục rèn ra những thanh kiếm chứa oán linh, tà khí.
Với mọi thanh kiếm, Muramasa đều bỏ vào rất nhiều công sức và cả lòng oán hận đối với con người, cuộc đời. Cộng với oán khí từ những linh hồn chết trận, lưỡi kiếm được y tạo ra không chỉ sắc bén, mà còn có khả năng điều khiển người sử dụng, khiến họ trở nên tà ác. Y vô cùng hài lòng với các thành phẩm và đặt cho chúng cái tên chung bằng chính tên của mình: Quỷ kiếm Muramasa.
Quỷ kiếm Muramasa khét tiếng “thanh kiếm sinh ra để tàn sát”. Bất kể nằm trong tay samurai nào, nó cũng thôi thúc samurai ấy giết người. Một khi được rút ra khỏi vỏ, nó sẽ tắm máu đến khi thỏa mãn thì mới thôi.
Nếu bị ép nằm yên trong vỏ, nó thao túng tâm trí chủ nhân và điều khiển cơ thể họ, khiến họ vô thức ra tay giết chóc. Nếu không được tắm đủ máu, nó liền quay ra giết chính chủ nhân bằng cách khiến họ tự sát.
Ngay cả những samurai vững trí nhất cũng khó lòng áp chế được quỷ kiếm Muramasa. Theo một câu chuyện kể, võ sĩ Matsudaira Geki ngời ngợi tinh thần võ sĩ đạo đã bị chính thanh quỷ kiếm của mình làm cho phát điên, tự tay chém chết người bạn thân thiết nhất và cuối cùng tự sát.
Vì quá tà ác, quỷ kiếm Muramasa bị cấm. Tuy nhiên, nó vẫn được nhiều samurai lén lút mua. Một samurai trong số này, vì quá yêu thích thanh quỷ kiếm mới mua nên đã mang nó vào phòng ngủ.
Nửa đêm, anh ta sực tỉnh và thấy quần áo của mình đẫm máu tươi. Bên cạnh, người vợ yêu thương nằm chết trong vũng máu. Có vẻ như, trong lúc anh ta ngủ say, thanh quỷ kiếm vì khát máu mà điều khiển cơ thể, khiến anh ta ra tay giết chết vợ mình mà không hay biết.
Tàn hại Nhà Tokugawa
Ban đầu, quỷ kiếm Muramasa rất được lòng Nhà Tokugawa (còn gọi là Mạc phủ). Người đầu tiên say mê chúng là Matsudaira Kiyoyasu (1511 - 1535), ông nội của Lãnh chúa Tokugawa Ieyasu (1543 - 1616) lừng danh người sáng lập và vị Shōgun đầu tiên của Mạc phủ.
Tuy nhiên, chính Kiyoyasu lại bị thuộc hạ là Abe Masatoyo (? - 1535) dùng quỷ kiếm Muramasa đâm chết. Ngay cả Matsudaira Hirotada (1526 - 1549), cha của Ieyasu cũng mất mạng vì quỷ kiếm Muramasa.
Ngày 5/10/1579, trưởng nam của Ieyasu, Matsudaira Nobuyasu (1559 - 1579) phải mổ bụng tự sát để bảo vệ gia tộc. Thanh kiếm lấy đầu Nobuyasu sau khi mổ bụng cũng là một thanh Muramasa.
Bản thân Lãnh chúa Ieyasu có 2 thanh quỷ kiếm Muramasa. Vì quá sợ hãi, ông cấm toàn dân sử dụng chúng, nếu phát hiện ai trái lệnh sẽ trừng phạt nặng. Một quan viên tên là Takanak Ume đã phải mổ bụng tự sát vì cố ý phớt lờ lệnh cấm, cất giữ 24 thanh Muramasa và bị phát hiện.
Lợi dụng nỗi sợ hãi và thực tế bất hạnh của Nhà Tokugawa, các đối thủ quyền lực đưa quỷ kiếm Muramasa lên làm biểu tượng chống Mạc phủ. Trong Trận chiến Boshin (1818 - 1869), Hoàng tử Arisugawa Taruhito (1835 - 1895), Tổng tư lệnh Quân đội Hoàng gia chống Mạc phủ đã giương cao thanh Muramasa, hô hào quân sĩ xông trận. Năm 1868, Nhà Tokugawa chấm dứt với sự thoái vị của Shōgun cuối cùng, Tokugawa Yoshinobu (1837 - 1913).
Thợ rèn Sengo Muramasa đơn thuần là người có tâm huyết và kỹ năng xuất chúng. Ảnh: Thecollector.com |
Sự thật
Ngày nay, vẫn còn khoảng 20 thanh quỷ kiếm Muramasa. Theo đo đạc và quan sát trực tiếp, nó dài từ 25 - 100 cm, tùy theo dạng đoản kiếm hay trường kiếm, trên sống kiếm có vân hình sóng, hoa văn vân hình sóng của mặt trước và mặt sau đối xứng và giống hệt nhau.
Cán của thanh Muramasa hình trụ, độ nhám tốt, cầm lên rất vừa tay và không bị trơn tuột. Trên cán hoặc lưỡi kiếm có khắc tên của người thợ rèn kiếm là Sengo Muramasa. Bao kiếm bằng gỗ, có dây buộc để đeo lên vai hoặc cột bên hông. Cân nặng tổng thể của quỷ kiếm Muramasa khoảng 7 lạng - 1,3kg. Nhìn chung, bề ngoài của quỷ kiếm Muramasa cũng giống như bất kỳ loại kiếm nào khác ở Nhật Bản cùng thời đại.
Thử nghiệm quỷ kiếm Muramasa cho thấy rất sắc, nếu đem so sánh với các loại kiếm khác thì có bén hơn một chút, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đây thôi. Với độ sắc của quỷ kiếm Muramasa, có thể khẳng định, người rèn ra chúng - Muramasa là một thợ rèn tài ba. Tuy không biết trong đời thực Muramasa là người như thế nào nhưng, trong vai trò thợ rèn, ông quả thực tài năng hơn các thợ rèn khác một bậc.
Về phần Nhà Tokugawa, quỷ kiếm Muramasa cũng không phải sự bất hạnh hay lời nguyền rủa gì cả. Vì sắc bén hơn các loại kiếm khác nên chúng được các samurai và tướng quân yêu thích. Khi mà hầu hết mọi người đều dùng quỷ kiếm thì việc bị đâm chém hay thiệt mạng vì chúng chỉ là chuyện đương nhiên.