Quạt chiến: Vũ khí độc đáo của samurai

GD&TĐ - Khi nói về samurai Nhật Bản, chúng ta bị cuốn hút bởi bộ áo giáp và cặp song kiếm. Ít ai để ý thấy, họ còn một phụ trang phải có là chiếc quạt.

Nhật Bản vẫn duy trì võ quạt chiến, giảng dạy ở một số trường võ thuật cổ truyền.
Nhật Bản vẫn duy trì võ quạt chiến, giảng dạy ở một số trường võ thuật cổ truyền.

Bề ngoài, quạt của samurai cũng như bất kỳ chiếc quạt gấp nào. Khác ở chỗ, nó được làm bằng sắt và dùng phòng thân.

Vật dụng yêu thích

Nhật Bản có khí hậu nóng ẩm. Khoảng thế kỷ VI, người Nhật phát minh ra quạt gấp, gọi là sensu. Ban đầu, sensu được làm bằng gỗ cây bách. Nghệ nhân Nhật Bản khéo léo chẻ gỗ bách thành những thanh mỏng, sắp xếp và chốt chuôi thành quạt gỗ.

Quạt gỗ là vật dụng của tầng lớp vương tôn, quý tộc Nhật Bản. Trải qua nhiều năm, nghệ nhân xứ Phù Tang ngày càng thành thạo và tinh tế. Họ sơn màu, vẽ tranh lên quạt gỗ, dần dà tráng bạc, vàng, đề thơ…

Sau giai cấp thống trị, các thương gia giàu có và chiến binh samurai tôn quý được trang bị quạt gỗ. Thế kỷ 7, sensu trở thành đồ vật quan trọng trong nghi thức cung đình. Các samurai, đặc biệt những người thứ hạng cao bắt buộc phải mang sensu bên mình.

Thế kỷ XIII, Nhật Bản xuất khẩu quạt gấp sang Trung Quốc, tiếp đến là châu Âu. Các đời Vương tộc Bourbon, Pháp mê mẩn sensu, xem nó như món đồ nâng cao khí chất. Thế kỷ XIV, quạt gấp Nhật Bản bước lên đỉnh cao nhất. Người ta biến nó thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp, theo 3 phong cách chủ đạo: Nhạc kịch (noh), múa cổ điển (buyo) và trà đạo (sadō).

Cũng từ thế kỷ XIV, quạt gấp Nhật Bản là vật dụng toàn dân. Đàn ông Nhật Bản luôn phe phẩy sensu trên tay hoặc đeo, giắt trên thắt lưng. Phụ nữ thì gần như không lúc nào rời quạt gấp. Họ dùng nó làm duyên và che các hành vi thiếu nhã nhặn (theo tiêu chuẩn văn hóa Nhật Bản) như cười, ho, nhai thức ăn…

Thời Edo (1603 – 1868), quạt gấp hiếm khi ngoài tầm tay samurai. Nó cùng với song kiếm (daisho) trở thành bộ đôi thiết yếu, luôn phải hội đủ trên người. Samurai mà quên sensu cũng như quên song kiếm, bị đánh giá thấp.

Tokugawa Ieyasu (1543 – 1616), tướng quân thời Edo lừng danh thành thạo quạt chiến nhất lịch sử Nhật Bản.
Tokugawa Ieyasu (1543 – 1616), tướng quân thời Edo lừng danh thành thạo quạt chiến nhất lịch sử 
Nhật Bản.

Tiến hóa vũ khí

Thời phong kiến, quân sự Nhật Bản phổ biến 3 loại vũ khí: Kiếm, cung và giáo. Ngoài chúng, họ cũng còn nhiều vật dụng sát thương khác, ví dụ như dao, trùy, xích… Samurai Nhật Bản phải tuân thủ nhiều quy tắc, trong đó có những lúc, nơi cấm mang song kiếm. Một khi không có daisho, samurai chẳng khác gì thư sinh và điều này khiến họ mất tự tin.

Khác với song kiếm, sensu không bị cấm. Chưa hết, nó còn là phụ kiện đại diện tác phong samurai, tuyệt đối không thể thiếu khi tham gia sự kiện trọng đại hay tiếp kiến bề trên. Lập tức, samurai tận dụng lợi thế của quạt gấp, biến tấu thành quạt chiến. Họ gọi nó bằng cái tên mới, tessen.

Tessen có dáng vẻ y hệt sensu, nhưng chất liệu bằng sắt hoặc gỗ cứng. Nó nặng hơn và có tiềm năng công kích, gây sát thương, thậm chí đoạt mạng đối phương.

Có thể nói, tessen là vũ khí ngụy trang phụ kiện trang phục. Nó được phân loại thành 2 dạng theo kích thước, quạt chiến cỡ nhỏ (dùng như vũ khí phòng thân) và quạt chiến size lớn (thể hiện uy quyền).

Kể từ khi có tessen, samurai không lúc nào trong tay thiếu khí giới. Cho dù là đang rảnh rỗi phụ vợ làm việc nhà hay ghé thăm bằng hữu, diện kiến chủ nhân… họ khư khư quạt chiến bên mình. Với nó, samurai vừa đầy uy thế lại vừa tiện phòng vệ, sẵn sàng đối phó tình huống khẩn cấp.

Môn võ độc đáo

Với samurai, quạt chiến là tác phong và vật phòng thân thiết yếu.
Với samurai, quạt chiến là tác phong và vật phòng thân thiết yếu.

Trong vai trò vũ khí, tessen sớm được samurai Nhật Bản thiết kế kỹ thuật sử dụng bài bản. Họ tập trung vào các kỹ năng tự vệ, biến quạt chiến thành quạt phòng thân.

Các samurai cấp cao và tướng lĩnh chỉ huy thì xem tessen như quạt hiệu, dùng chỉ đạo. Họ thiết lập hệ thống tín hiệu, mệnh lệnh liên kết với quạt chiến kích thước lớn, phổ biến cho quân sĩ, dùng thay cho cờ trên chiến trường.

Tổng hợp các thế võ, tín hiệu quạt chiến hình thành bộ môn võ thuật mới: Tessen-jutsu. Mặc dù không hình thành trường phái, võ quạt chiến luôn được quan tâm.

Nó là phần kỹ năng không thể thiếu trong nhiều trường phái kiếm thuật Nhật Bản, ví dụ như kenjutsu-shoryuha, jujutsu-shoryuha… Võ sư Nhật Bản cũng kết hợp, pha trộn tessen-jutsu với các kiểu vũ khí khác, ví dụ như côn (gậy).

Nhân vật lịch sử nổi tiếng thành thạo tessen- jutsu nhất Nhật Bản là Tướng quân Tokugawa Ieyasu (1543 – 1616). Tương truyền, ông dễ dàng hạ gục kẻ thù chỉ với mỗi quạt chiến, khiến các tướng sĩ đối địch trên chiến trường khiếp vía.

Dân gian Nhật Bản cũng ca ngợi và lưu truyền câu chuyện về kiếm khách tên Ganryu. Nhân vật này giỏi võ quạt chiến đến mức, chỉ cần có một tessen trong tay là bất chấp mọi loại vũ khí trên đời.

Trong giới võ thuật Nhật Bản, tessen-jutsu được đánh giá đẹp đẽ và nhân đạo nhất. Một trận đấu tessen-jutsu không chỉ ngoạn mục, mà còn hiếm khi gây đổ máu, thương vong đáng tiếc.

Người Nhật Bản yêu quý tessen-jutsu, duy trì xuyên suốt lịch sử. Ngày nay, họ vẫn còn 4 trường võ thuật cổ truyền đưa võ quạt chiến vào chương trình giảng dạy. Đó là Echigo-ryu, Miyake-Shingan-ryu, Uesugi-ryu và Yagyu-ryu.

Theo Ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.