Sự thật về nguồn cảm hứng cho bộ phim tội phạm ăn khách

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những người này đã trở thành nguồn cảm hứng cho một trong những bộ phim tội phạm ăn khách nhất nước Anh trong vòng 10 năm trở lại đây.

Bộ phim Peaky Blinders khắc họa những tên tội phạm trong trang phục sang trọng, lịch lãm.
Bộ phim Peaky Blinders khắc họa những tên tội phạm trong trang phục sang trọng, lịch lãm.

Dựa trên câu chuyện có thật

Khi bộ phim Peaky Blinders, do BBC công chiếu vào năm 2013, khán giả trên toàn thế giới thích thú theo dõi hành trình của một băng đảng đường phố ẩn mình trong những con hẻm đầy khói bụi và tội phạm ở Birmingham, thành phố lớn thứ 2 tại Anh, vào Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Bộ phim khiến nhiều người choáng váng tự hỏi: “Liệu có phải Peaky Blinders dựa trên một câu chuyện có thật?”.

Đạo diễn Steven Knight cho biết, Peaky Blinders là một bộ phim hư cấu nhưng Peaky Blinders là một băng đảng có thật ở thành phố Birmingham (Anh). Băng đảng này khét tiếng về mức độ tàn bạo và quy mô hoạt động đã tranh giành quyền kiểm soát đường phố Birmingham từ những năm 1880 đến 1910.

Thành viên của băng đảng đã phạm qua mọi tội lỗi nghiêm trọng từ tống tiền, cướp, buôn lậu, lừa đảo, giết người và chiến đấu giành địa bàn làm ăn với các băng đảng thù địch khác.

Trong bộ phim Peaky Blinders, băng đảng này thường mặc những bộ trang phục được đặt may cầu kỳ, bảnh bao và đội mũ. Dưới mũ, họ giấu những lưỡi dao cạo để có thể tấn công và làm mù mắt kẻ thù bất cứ lúc nào. Vì vậy, từ “Blinder” để mô tả những người ăn mặc lịch sự còn “Peaky” chỉ phần mũ của họ.

Tuy nhiên, trái ngược với hình ảnh của đạo diễn Steven Knight, Peaky Blinders ngoài đời thực là những người vô cùng nghèo khó, không có họ hàng và độ tuổi từ 12 - 30. Ra đời trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn của những năm 1890, họ là tầng lớp thấp trong xã hội, xuất phát từ nghề móc túi và tống tiền chủ các doanh nghiệp ở Small Health, Birmingham.

Nhóm bắt đầu nổi lên vào tháng 3/1890 khi mời các cơ quan truyền thông địa phương đến đưa tin về một vụ giết người bằng cách chém đầu. Sử dụng bạo lực đã cho phép chúng kiểm soát một mức độ lớn trong khu vực.

Người đứng đầu Peaky Blinders được cho là Thomas Mucklow, thường xuyên đổi tên. Hắn ta được biết đến từ một cuộc tấn công đẫm máu vào ngày 23/3/1890 tại quán rượu Rainbow trên phố Adderley. Khi phát hiện một thành viên của băng đảng đối thủ gọi cốc bia gừng, hắn cùng một số anh em đã đánh đối thủ nhập viện chỉ trong 10 giây.

Nhóm này cũng thường xuyên kích động thành viên của các băng đảng khác đánh nhau khiến cảnh sát phải rất vất vả để duy trì ổn định trật tự trong khu vực.

Peaky Blinders phạm tội từ lừa đảo, cướp bóc đến bảo kê, giết người.

Peaky Blinders phạm tội từ lừa đảo, cướp bóc đến bảo kê, giết người.

Hành động của Peaky

Blinders cũng rất man rợ, coi thường cảnh sát. Điển hình vào ngày 19/7/1897, cảnh sát George Snipe tình cờ gặp 6 - 7 thành viên của Peaky Blinders trên phố Bridge West. Họ đang say sưa uống rượu. Snipe đã định bắt giữ William Colerain, 23 tuổi, thành viên của nhóm vì đôi bên cãi nhau qua lại. Nhưng các thành viên khác đã dùng gạch đập vỡ sọ của Snipe khiến cảnh sát này tử vong tại chỗ.

Ngoài Mucklow, nhiều thành viên khác của Peaky Blinders cũng thường xuyên xuất hiện trong hồ sơ cảnh sát như Harry Fowler, Ernest Bayles hay Stephen McHickie... Nhóm đã mở rộng hoạt động tội phạm từ buôn lậu, cướp, hối lộ, bảo kê, lừa đảo...

Dù vậy, hoạt động chính vẫn là cướp và tấn công đường phố. Với thắt lưng, lưỡi dao và súng, Peaky Blinders đã tham gia vào không ít các cuộc giao tranh cùng băng đảng đối thủ và lực lượng cảnh sát.

Ngày 21/7/1889, tờ báo The Birmingham Daily Mail nhận được một bức thư nặc danh, phàn nàn về mối nguy hiểm rình rập từ Peaky Blinders đối với người dân và an ninh địa phương.

Bức thư có đoạn: “Chắc chắn tất cả các công dân đáng mến và tuân thủ luật pháp đều đã chán ngán những tên tội phạm lưu manh ở Birmingham và các vụ hành hung cảnh sát. Đi quanh thành phố, người dân không tránh khỏi chạm mặt thành viên của Peaky Blinders. Những kẻ này có thể tấn công giữa thanh thiên bạch nhật người qua đường, bất kể đó là đàn ông, phụ nữ hay trẻ em”.

Trước tình hình trên, chính quyền thành phố đã cử nhiều cảnh sát cứng rắn đến dẹp loạn nhưng nỗ lực này không thành công do văn hóa tham nhũng đã ăn sâu trong lực lượng cảnh sát. Nạn tham nhũng vào thời điểm đó được các nhà sử học đánh giá là còn khó dẹp hơn cả nạn băng đảng.

Lợi dụng điểm này, Peaky Blinders không ngừng hối lộ các cảnh sát trưởng để tiếp tục hoạt động chém giết cướp bóc mà không bị cản trở.

Chân dung một số thành viên thuộc băng đảng Peaky Blinders.

Chân dung một số thành viên thuộc băng đảng Peaky Blinders.

Băng đảng tan rã

Peaky Blinders hoạt động đỉnh cao vào đầu thế kỷ XX và cầm đầu hoạt động phạm tội ở Birmingham trong vài năm. Sự bành trướng của Peaky Blinders thu hút chú ý từ băng đảng đối thủ Birmingham Boys. Cả hai đã tranh giành địa bàn qua lại rồi đến đầu những năm 1890, Peaky Blinders thất bại khi cố gắng tiến vào ngành kinh doanh đua ngựa nhưng Birmingham Boys đã chiếm ưu thế.

Thất bại, các thành viên Peaky Blinders và gia đình rời khỏi trung tâm Birmingham và những con đường khói bụi đầy rẫy tội phạm. Họ trở về sống ở vùng nông thôn để tránh bị trả thù và rời xa cuộc sống bạo lực. Một số thành viên vẫn ở lại Birmingham nhưng lực lượng mỏng, tan tác nên nhóm nhanh chóng bị soán ngôi bởi các băng đảng mới nổi.

Birmingham Boys được cho là thay thế Peaky Blinders thống trị Birmingham cho đến khi bị đánh bại bởi băng đảng đối thủ Sabini vào những năm 1930.

Tuy nhiên, trong nhiều tài liệu lịch sử ghi lại, người có công dẹp loạn Peaky Blinders là cảnh sát trưởng Charles Rafter. Trong bộ phim Peaky Blinders xuất hiện nhân vật chánh thanh tra Chester Campbell, được bổ nhiệm để thanh lọc các băng đảng tội phạm ở Birmingham. Nhân vật này được xây dựng là người cứng rắn, quyết đoán với mong muốn cải cách hệ thống cảnh sát đã lún sâu vào tham nhũng.

Hình tượng chánh thanh tra Chester Campbell làm nhiều người liên tưởng đến một nhân vật có thật trong giai đoạn đó là cảnh sát trưởng Charles Rafter. Theo ghi chép lịch sử, năm 1899, Chính phủ Anh quyết tâm cải tổ hệ thống cảnh sát. Việc đầu tiên là tuyển dụng cảnh sát trưởng mới.

Tháng 7/1899, Charles Rafter nộp đơn ứng tuyển cùng với 50 ứng viên khác nhằm thay thế vị trí cảnh sát trưởng thành phố Birmingham, vốn đang do Joseph Farrndale nắm giữ. Trong số 8 ứng viên lọt vào vòng 2, chỉ Rafter xuất hiện trong buổi phỏng vấn với bộ đồng phục. Điều này khiến ủy ban giám sát thành phố ấn tượng và quyết định bổ nhiệm ông với mức lương 800 bảng. Thời điểm đó, Rafter 42 tuổi.

Lúc bấy giờ, lực lượng cảnh sát Birmingham có khoảng 700 thành viên chia thành 14 đồn cảnh sát, trong đó cứ 654 người dân sẽ có một sĩ quan.

Rafter quản lý lực lượng cảnh sát trong giai đoạn chuyển tiếp khi thành phố mở rộng ranh giới và sáp nhập vào một số vùng ngoại ô như Erdington, Handsworth, Yardley... Điều đó khiến diện tích thành phố tăng lên và dân số tăng từ 523 nghìn lên 840 nghìn người, dẫn đến nhiều thách thức trong việc quản lý.

Tháng 2/1901, Rafter thuyết phục ủy ban giám sát tuyển dụng thêm 100 người với kế hoạch tăng 20 người mỗi năm trong thời hạn 6 năm. Sau này, khi ông qua đời, lực lượng sĩ quan đã lên đến hơn 1.500 người, tức là cứ 632 người dân có một sĩ quan, chia thành 64 đồn cảnh sát.

Cải tổ lực lượng cảnh sát

Cảnh sát trưởng Charles Rafter đã thay đổi lực lượng cảnh sát Birmingham, Anh.

Cảnh sát trưởng Charles Rafter đã thay đổi lực lượng cảnh sát Birmingham, Anh.

Khi tuyển mới, Rafter trực tiếp tham gia phỏng vấn, lựa chọn ứng viên. Ông yêu cầu ứng viên là những người có trình độ học vấn, cứng rắn, mạnh mẽ và sẵn sàng chiến đấu, không nề hà gian khổ.

Song song, ông cho lắp đặt mạng lưới điện thoại cột trên toàn thành phố để tạo điều kiện liên lạc tốt hơn giữa cảnh sát và người dân. Cảnh sát đi tuần tra bằng xe hơi thay vì bằng ngựa.

Những thay đổi mạnh mẽ và sĩ quan được đào tạo liên tục đã giúp lực lượng cảnh sát thành phố “lột xác”.

Cảnh sát đã mạnh tay thực hiện những vụ bắt giữ và trấn áp tội phạm. Từ đây, ông Rafter đã kiến nghị xây dựng những bản án nghiêm khắc hơn cho tội phạm để thị uy. Tình trạng tham nhũng trong cảnh sát cũng dần được giải quyết khiến người dân có thêm niềm tin vào họ.

Nhờ đó, người dân có thêm động lực để báo án, việc mà họ sẽ không bao giờ làm trước đó vì lo sợ những băng đảng, như Peaky Blinders trả thù. Đáng chú ý, Rafter đã góp phần hiện đại hóa giáo dục và đào tạo cho Birmingham.

Ông nhận thấy nếu không được giáo dục cơ bản, thế hệ trẻ dễ dàng bị sa đà vào những hành vi phạm tội và các vấn nạn xã hội. Do đó, ông đã tổ chức các lớp học cơ bản cho tầng lớp bình dân và mở trường đào tạo giáo dục, chính trị cho lực lượng sĩ quan. Kể từ đó, lực lượng cảnh sát không chỉ có thể lực tốt, mà còn am hiểu kiến thức, hiểu rõ về phòng chống tội phạm.

Ngoài ra, thành phố cũng cho ra đời nhiều hoạt động giải trí như bóng đá, quyền anh... nâng cao đời sống tinh thần của người dân khiến số lượng người gia nhập băng đảng ít đi. Thành phố cũng quan tâm phát triển kinh tế, xây dựng trật tự xã hội, tăng quỹ phúc lợi cho người dân. Nhờ đó, đến năm 1910, Peaky Blinders gần như biến mất.

Như vậy, có thể thấy Peaky Blinders đã xuất hiện từ trước những năm 1910 ở Anh thay vì vào Chiến tranh Thế giới thứ nhất như trong bộ phim của Steven Knight. Nhân vật chính Thomas Shelby do diễn viên Cillian Murphy cũng không có thật trong số các thành viên của Peaky Blinders.

Nhân vật chính của Peaky Blinders, Thomas Shelby, do diễn viên người Ireland Cillian Murphy thủ vai.

Nhân vật chính của Peaky Blinders, Thomas Shelby, do diễn viên người Ireland Cillian Murphy thủ vai.

Là người gốc Birmingham, đạo diễn Steven Knight có thể đã xây dựng bộ phim dựa trên cảm hứng về một băng đảng tội phạm khét tiếng trong dĩ vãng.

Dù vậy, Peaky Blinders vẫn là một băng đảng tội phạm vang danh trong lịch sử phạm tội Birmingham nói riêng và nước Anh nói chung. Họ được chú ý nhiều bởi khả năng kiểm soát các nhóm tội phạm, lách luật và lối sống băng đảng.

Trong khi sức mạnh của Peaky Blinders mờ dần theo thời gian, tên tuổi của họ vẫn tồn tại trong văn hóa đại chúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ