Vương quốc Benin
Nhà thám hiểm phương Tây đầu tiên biết đến Bức tường Benin là Duarte Pacheco Pereira (Bồ Đào Nha). Trong chuyến du công năm 1500, ông tới Vương quốc Benin và tận mắt chứng kiến bức tường kỳ vĩ ngoài sức tưởng tượng.
Vị trí Pereira công du là thành phố Benin ngày nay. Nó nằm phía Tây Nam của Nigeria, từng được gọi là Đế chế Edo, vì do người Edo (châu Phi) thành lập.
Truyền thuyết Edo kể rằng, vị vua đầu tiên của Đế chế là người bán thần, Ogisos. Lịch sử Edo trải qua tổng cộng 36 đời Ogisos. Vị Ogisos thứ 36 có thái tử là Ekaladerhan nhưng không thể truyền ngôi. Nguyên nhân vì vợ ông phạm tội thay đổi thông điệp tiên tri, dẫn đến con trai bị trục xuất.
Ekaladerhan đi theo hướng Tây, đến Ife - vùng đất sinh cư của người Yorubas. Trước khi ông đến đây, người Yorubas nhận được lời tiên tri sẽ có một vị vua xuất hiện từ rừng. Vừa thấy Ekaladerhan, họ lập tức chào đón và phong làm vua. Ekaladerhan đổi tên thành Imadoduwa, trở thành quốc vương đầu tiên của Ife.
Ít lâu sau, Ogisos thứ 36 băng hà. Đế chế Edo không có người kế vị, phải đến Ife khẩn cầu Imadoduwa quay về. Imadoduwa từ chối nhưng cử Oranmiyan (1 trong 7 hoàng tử) hồi hương. Oranmiyan cai trị Edo đến khi vợ hạ sinh con trai là Eweka thì trở lại Ife.
Eweka kế vị cha. Người Edo gọi vua là Oba. Oba Ewuare trị vì Benin từ năm 1440 – 1480, lừng danh thao lược nhất. Ông mở rộng bờ cõi ra 2 phía Đông và Tây Nam, bắt tay tái thiết Thành Benin.
Kinh đô siêu thịnh vượng
Thành Benin là Kinh đô Edo, tọa lạc trên đồng bằng sông Benin. Nó được người Edo khởi công từ năm 1180, ban đầu có tên là Thành Ibinu.
Dưới chỉ đạo tái thiết của Ewuare, Thành Ibinu đổi tên thành Thành Benin và được quy hoạch lại toàn bộ theo cấu trúc hình tròn. Nhà vua xác định đường chu vi, đào hào bao quanh và tận dụng đất đào hào dựng tường thành.
Bên trong, ông chia đất các vòng đồng tâm, vị trí trung tâm là cung điện nguy nga, bề thế. Từ cung điện, Ewuare vạch sơ đồ đường sá thẳng tắp, cắt giao nhau vuông góc với 30 tuyến chính và nhiều tuyến phụ.
Đường sá trong Thành Benin có hệ thống kênh mương, thoát nước ngầm và nước mưa. Ewuare phân Thành Benin ra 11 khu, thiết lập cấu trúc khu chung, bao gồm nhà ở, xưởng và các công trình công cộng.
Nhìn toàn cảnh, Vương đô Benin khoa học và lộng lẫy không thua bất cứ đô thị quy hoạch nào. Năm 1619, Thuyền trưởng Lourenco Pinto (Bồ Đào Nha) ghé Benin giao thương và ghi nhận: “Thành Benin, nơi ở của nhà vua, lớn hơn cả Lisbon (thủ đô Bồ Đào Nha).
Mọi con đường ở đây đều thẳng tắp, xa ngút mắt. Các ngôi nhà, đặc biệt là cung điện, được trang trí lộng lẫy, nhiều cột cao. Dân trong thành vô cùng giàu có, hệ thống an ninh tốt đến mức không một tên trộm và nhà không cần cánh cửa”.
Thế kỷ XVII, Olfert Dapper (du khách Hà Lan) mô tả Benin nhà san sát, trật tự, xây bằng đất sét đỏ, mặt tiền mài bóng đến soi gương được.
Ấn tượng hơn cả là bức tường bao trọn Thành Benin. Nó được miêu tả cực kỳ cao, rộng và dài, tương truyền dài gấp 4 lần Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Dưới chân tường thành là Hào Benin sâu, rộng không thua Sông Benin bên cạnh và ngập nước. Người Edo chỉ có thể ra vào thông qua các cổng lớn, có cầu bắc ngang hào.
Kể từ khi tiếp xúc với châu Âu, Kinh đô Benin phát triển buôn bán nô lệ. Trải qua 2 thế kỷ XVI và XVII, nó giàu có tột bậc. Tuy phải trải qua thế kỷ XIX suy thoái, tốc độ phát triển kinh tế sớm tăng vọt trở lại. Thế kỷ XX, Benin lần nữa giàu nứt đố đổ vách nhờ 2 mặt hàng thương mại toàn cầu mới: Dầu cọ và dệt may.
Thập niên 1880 - 1890, thực dân Anh trăm phương ngàn kế biến Vương quốc Benin thành thuộc địa, nhưng đều thất bại. Tháng 1/1897, họ viện cớ trừng phạt vì vụ 8 lính Anh bị phục kích trên đường tới Benin, kéo 1.200 quân cùng nhiều lính đánh thuê tấn công.
Benin chống trả quyết liệt, song vẫn thất thủ. Quân Anh điên cuồng cướp bóc và phóng hỏa, phá hủy phần lớn vương đô, bao gồm cả tường thành.
Sự thật về bức tường
Ngày nay, Benin không còn bức tường bao quanh. Tuy nhiên, theo công nhận trên ấn bản năm 1974 của Sách Kỷ lục Guinness, “Tường Benin là công trình xây dựng bằng đất lớn nhất thế giới được thực hiện trước kỷ nguyên cơ khí”.
Kỷ lục này được xác lập dựa trên các số liệu nửa thực nửa huyền thoại. Nó bao gồm dài 16.000km, bao quanh diện tích 6.700 km2, ngốn lượng vật liệu nhiều gấp 100 lần Đại Kim tự tháp Cheops, mất 150 triệu giờ để hoàn thành…
Mặc dù Tường thành Benin đã bị phá hủy, nhưng chúng ta vẫn có thể hình dung thông qua di tích và thực tế địa hình Thành phố Benin hiện tại. Theo số liệu từ Nigeria, Benin chỉ rộng 1.204 km2.
Ngôn ngữ Edo gọi tường thành có hào bao quanh là iya. Thành Benin chỉ bao gồm 2 vòng iya chính, hoàng cung và nông thôn. Chu vi của iya hoàng cung là 15km, còn iya nông thôn ước tính tối đa 16.000km.
Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc dài 21.196 km, nên không có chuyện Bức tường Benin dài gấp 4 lần nó. Phát hiện từ một số đoạn tường gãy chỉ ra, Bức tường Benin có khả năng được bắt đầu từ thế kỷ I. Có thể ban đầu, nó còn chỉ bao gồm cây và cành, về sau mới được gia cố bằng đất và đá. Trải qua 15 thế kỷ đào đắp, Benin mới có tường cao, hào sâu bao quanh.
Năm 1961, Nigeria đưa tàn tích Bức tường Benin vào diện bảo tồn. Tuy nhiên, công tác bảo vệ ở đây không được thực hiện tốt cho lắm. Kết quả, các phần bức tường còn lại sụp đổ dần và biến mất. Hiện, Benin chỉ còn rất ít đoạn di tích tường thành.