Đến nay, dù trên cả châu lục đã có hơn 1.000 thổ ngữ, thay vì lời nói, nhiều người vẫn thích nhảy múa nhằm giao tiếp. Họ múa để chào đón - gặp gỡ, để cảm ơn - xin lỗi, để tỏ lòng hân hoan - mừng rỡ và múa để chia buồn, tưởng nhớ, chữa bệnh, thực hiện nghi lễ…
Vũ điệu ở châu Phi có một điểm chung là rất rạo rực, huyên náo trước những tư thế, động tác gợi cảm, đầy tính phồn thực. Vì những điểm, những bộ phận nổi bật trên cơ thể người múa như ngực, hông, bụng, rốn, hai vai, hai khuỷu tay và hai đầu gối… đều được phô diễn.
Với phụ nữ khi múa ở dạng đứng thẳng, cơ thể luôn như hình chữ S mềm mại - bốc lửa. Với nam giới thì như chữ T, N do họ rạng ra và khuỵu gối nhiều lần khỏe khoắn. Thế nhưng, hay gặp nhất ở cả hai giới lại là dạng khom khom, gập người xuống đất mà tạo nên hình chữ U, do tục thờ Mẹ đất, lấy đất là trung tâm vũ trụ.
Song dù múa thế nào, vũ công luôn thăng bằng rất giỏi và thực hiện nhiều cú bật nhảy. Nói cách khác, các điệu múa luôn có tiếng vang, sự hừng hực, rộn ràng cùng nguồn năng lượng cao, tuôn trào thể hiện cho nhiều cảm xúc khác nhau.
Để giúp múa, thường có âm nhạc, như tiếng trống, tiêu, lục lạc… Ngoài ra, người ta cũng có thể linh hoạt tạo nên nhịp điệu bằng cách vỗ tay, giậm chân và hát.
Có 5 điệu múa phổ biến ở châu Phi. Đầu tiên là vũ chiến binh, trong đó có điệu Atamga của người Foh và Ewe, dành cho nam giới khoe diễn sức mạnh, sự hùng hậu, tài tình trong cách dùng vũ khí chiến đấu… Trong khi múa hay có cảnh đâm, móc, phóng lao và che đỡ bằng khiên.
Thứ hai là điệu vũ trưởng thành của thanh thiếu niên độ tuổi cập kê nhằm chứng tỏ mình đã lớn khôn, khỏe mạnh. Các em sẽ múa thành niên với các động tác vung tay, vung chân, lắc người, nhào lộn mà trọn bài phải rất tốn sức.
Tuy nhẹ nhàng chỉ là bật người lên từ mặt đất như điệu Adumu của người Masai, song mỗi chàng trai phải bật nhảy rất cao, lần sau cao hơn lần trước, và thường biểu diễn thật lâu để thể hiện ý chí kiên cường, tự do và hoài bão. Điệu nhảy lâu cũng giúp gây được sự chú ý của các cô gái.
Vũ điệu phức tạp hơn một chút thuộc về nữ nhi của người Senufo, điệu Ngoron lại bao gồm các động tác uốn éo, rung lắc, bật nhảy… trong khi trên đầu còn đội một quả bầu khô và lưng mang một vật bằng rơm biểu tượng cho sự sinh sản, phì nhiêu. Trẻ em Senufo phải tập đến 6 tháng mới thuần thục vũ điệu này.
Yabara của các bộ tộc ở Tây Phi là điệu múa tưng bừng nhất và thường không có giới hạn về sự trình diễn cũng như biểu cảm. Mọi người đều nhảy múa trên mặt đất, song có khi còn bay lộn, tung hứng trên cao nhằm khoe tài năng, vẻ đẹp. Các vũ nữ liên tục ném một cái trống lên không ở nhiều độ cao tạo nhịp, và người này tung thì kẻ kia hứng.
Vũ tình yêu thường thấy tại nhiều đám cưới, tiệc sinh nhật nhằm mô phỏng các động tác yêu đương, tán tỉnh của các con vật và sự giao duyên của người. Điệu Nmane của các phù dâu Ghana là như thế và luôn diễn ra trong ngày đón dâu với ý nghĩa chúc phúc cho cả dâu rể.
Vũ nghi lễ gồm có vũ nhập thần và triệu hồn cũng là một điệu múa dân gian nổi tiếng của châu Phi. Nội dung là để cầu mong mưa thuận gió hòa, con cái ngoan ngoãn, trị bệnh, tưởng nhớ, tri ân các vị tổ tiên, thần linh và ca ngợi các thế lực siêu nhiên.
Một trong các điệu múa nghi lễ độc đáo ấy là điệu Mbira, tên một loại đàn của người Shona ở Zimbabwe, và có nghĩa là tiếng nói tổ tông.
Trong tiếng đàn da diết, người ta sẽ múa gọi các linh hồn cha anh midzimu, tộc trưởng mhondoro cùng các vệ thần thức dậy phù hộ làng xóm. Không chỉ cầu xin thần thánh, múa nghi lễ còn chứa nhiều nội dung về vòng đời của một người từ lúc sơ sinh tới khi nhắm mắt và được kỷ niệm bởi sự nhảy múa - cầu cúng.
Ra đời sớm nhất thế giới và lan khắp Âu, Mỹ, vũ điệu châu Phi đã góp phần rất lớn đối với nghệ thuật múa của nhân loại và tới giờ vẫn được xem là những sinh hoạt văn hóa phong phú, hấp dẫn nhất hành tinh.