Sự thật sau tờ hóa đơn viện phí được thanh toán bằng ly sữa

Câu chuyện về tờ hóa đơn bác sĩ Mỹ nổi tiếng thế kỷ 19 Howard Kelly ghi "Đã thanh toán bằng một ly sữa", thật ra chỉ đúng một nửa. 

Sự thật sau tờ hóa đơn viện phí được thanh toán bằng ly sữa

Một ngày nọ, có chàng trai nghèo gõ cửa hết nhà này đến nhà nọ để bán hàng, kiếm tiền trang trải học phí. Đúng lúc đói bụng mà trong túi chỉ còn duy nhất một xu, anh quyết định tới ngôi nhà tiếp theo để hỏi xin một bữa ăn. 

Tới nơi, chàng trai nọ không dám mở lời khi thấy một thiếu nữ xinh đẹp ra mở cửa. Thay vì bữa ăn, anh hỏi xin cốc nước. 

Biết người kia đói bụng, thiếu nữ nhanh chóng đem tới một ly sữa. Chàng trai vui sướng cầm lấy, chậm rãi uống hết rồi hỏi: "Tôi nợ cô bao nhiêu?".

"Anh không nợ tôi gì cả", thiếu nữ đáp. "Mẹ đã dạy chúng tôi rằng lòng tốt không cần đền đáp".

"Vậy, tôi xin cảm ơn cô từ đáy lòng", chàng trai nói. 

Rời khỏi ngôi nhà của thiếu nữ, chàng trai tên Howard Kelly không chỉ khỏe hơn về mặt thể chất mà còn có thêm niềm tin vào cuộc sống, tự nhủ sẽ không bao giờ bỏ cuộc. 

Nhiều năm trôi qua, thiếu nữ ngày nào giờ đã luống tuổi và đổ bệnh. Các bác sĩ địa phương không thể làm gì khác nên gửi bà đến bệnh viện thành phố.

Được mời đến hội chẩn, bác sĩ Howard Kelly bất ngờ khi nghe tên thị trấn nơi người phụ nữ kia sinh sống. Ông lập tức đứng dậy, đi thẳng đến phòng bệnh. 

Trong chiếc áo blouse trắng, bác sĩ Kelly nhận ra ngay thiếu nữ năm nào nay đã luống tuổi. Ông quay về phòng hội chẩn, quyết tâm dốc sức cứu sống bệnh nhân. 

Một thời gian trôi qua, người phụ nữ kia khỏi bệnh. Đến lúc bà chuẩn bị xuất viện, bác sĩ Kelly yêu cầu phòng hành chính gửi hóa đơn viện phí cho ông. Bác sĩ nhìn tờ giấy, viết vài dòng rồi mới gửi đi. 

Cầm hóa đơn, người phụ nữ không dám mở ra bởi biết rằng bà sẽ dành cả phần đời còn lại để trả nợ. Thế nhưng, đến lúc nhìn xuống, bà vỡ òa vì lời nhắn của bác sĩ Kelly:

"Đã được thanh toán đầy đủ bằng một ly sữa.

Ký tên: Bác sĩ Howard Kelly".

Theo Snopes, câu chuyện trên ở Mỹ được phổ biến từ những năm 2000. Nó xuất hiện trong hàng loạt cuốn sách truyền cảm hứng và được rất nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, dù bắt nguồn từ một sự kiện có thật, câu chuyện ngoài đời không hoàn toàn diễn ra như thế. 

Trên thực tế, bác sĩ Howard Kelly (1858-1943) là một thầy thuốc nổi tiếng. Ông nằm trong nhóm bốn bác sĩ thành lập Johns Hopkins, đại học nghiên cứu y khoa đầu tiên ở Mỹ và cũng là cơ sở y tế hàng đầu thế giới.

Chân dung bác sĩ Howard Kelly. Ảnh: Johns Hopkins Medicine.

Chân dung bác sĩ Howard Kelly.

Theo Audrey Davis, người viết tiểu sử bác sĩ Kelly, một số chi tiết của câu chuyện ly sữa đã được thay đổi. Bác sĩ Kelly chưa bao giờ nghèo đến mức phải đi bán hàng dạo và xin ăn bởi gia đình ông rất khá giả. Ngoài chi phí học tập và sinh hoạt, bác sĩ Kelly được bố mẹ cho 5 USD mỗi tháng, số tiền không hề nhỏ lúc bấy giờ. Dịp sinh nhật 21 tuổi, ông còn nhận tới 100 USD từ bố và vài người dì. 

Năm 22 tuổi, bác sĩ Kelly mới có công việc đầu tiên. Trong một năm ở Colorado Springs, ông mua một con ngựa với giá 40 USD và nhận giao thư một tuần. 

Thời điểm xảy ra câu chuyện ly sữa, bác sĩ Kelly không hề gặp khó khăn mà đang trên đường đi dã ngoại để nghiên cứu đời sống thiên nhiên. Khi đi ngang qua một trang trại, ông thấy khát nên hỏi xin một cốc nước và được cho một ly sữa. 

Tiểu sử bác sĩ Kelly của Davis cũng không nhắc đến việc người phụ nữ cho sữa năm xưa bị ốm nặng. Ngoại trừ việc bác sĩ Kelly đã ghi lên tấm hóa đơn thì ca bệnh này không có gì khác đáng chú ý. 

Tóm lại, bác sĩ Kelly không hề nghèo khổ còn thiếu nữ năm xưa cũng chẳng mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, lòng tốt của bác sĩ Kelly vẫn đáng được ghi nhận. Dù tính phí rất cao đối với những bệnh nhân có thể chi trả, ông sẵn sàng điều trị miễn phí nếu gặp người nghèo. Người ta ước tính bác sĩ Kelly chữa trị không công cho 75% bệnh nhân. Hơn thế, suốt nhiều năm, ông còn lấy tiền túi trả lương để y tá đến thăm nom người bệnh.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.