Các đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo các bộ, ngành và các tổ chức thành viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Báo cáo tổng kết cho thấy, trong thời gian qua, Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp công tác; các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Các nội dung phối hợp được triển khai toàn diện, thiết thực và hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết trong đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, tạo đồng thuận xã hội, góp phần củng cố, mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai bên ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực trong việc phát huy dân chủ, tham gia góp ý xây dựng pháp luật, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương quan tâm lắng nghe, tiếp thu và chỉ đạo xử lý, giải quyết các ý kiến của Mặt trận phản ánh về tình hình nhân dân một cách thấu đáo, có trách nhiệm.
Giai đoạn 2016-2020, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp tập hợp được 34.125 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới các kỳ họp Quốc hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Hai bên cũng đã phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc, chức việc tôn giáo và Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài; giám sát thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa, quy mô lớn kịp thời động viên, cổ vũ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo và người Việt Nam ở nước ngoài tích cực xây dựng, bảo vệ đất nước.
Những năm qua, MTTQ các cấp đã tổ chức thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua do Chính phủ và các bộ, ngành phát động gắn với triển khai cuộc vận động, các phong trào, chương trình mục tiêu quốc gia như phong trào “Đoàn kết sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”. MTTQ các cấp đã vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp; thường xuyên chăm lo hỗ trợ người nghèo, các gia đình chính sách, người có công, với quyết tâm "không để ai bị bỏ lại phía sau"…
Trong 5 năm (2016-2020), Ủy ban MTTQ Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội được 27.046 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, sự trợ giúp của cộng đồng, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã vận động giúp đỡ xây mới, sửa chữa 198.523 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo.
Trong triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hơn 10 năm qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh, thành phố đã phối hợp tổ chức đưa hơn 4.000 đợt bán hàng về nông thôn với sự tham gia của hơn 100.000 lượt doanh nghiệp/hơn 78.000 gian hàng, tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với hàng Việt; tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá nhân dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn, các phiên chợ Việt làm cho cuộc vận động ngày càng hiệu quả.
Từ năm 2016 đến năm 2021, thông qua 6 thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp xử lý 65 nội dung với 58 kiến nghị của MTTQ Việt Nam. Đến nay, các bên đã phối hợp thực hiện được 48/58 kiến nghị; đang tiếp tục phối hợp thực hiện 10/58 kiến nghị.
Đáng chú ý, Chính phủ và MTTQ Việt Nam đã phát huy vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp cao nhất để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần vào thành công trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phòng, chống dịch COVID-19, hai bên đã phối hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng tuyến đầu tiếp tục vào cuộc; quy tụ được sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước với mọi nguồn lực, để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, chăm lo, ổn định đời sống người dân, người lao động.
Từ ngày 1/5/2021 đến nay, số kinh phí và hiện vật ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương cùng các tổ chức thành viên và qua Quỹ vaccine phòng COVID-19 lên tới trên 18.246 tỷ đồng. Trong đó, số tiền được tiếp nhận qua hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 9.554 tỷ đồng, qua Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 8.692 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục phối hợp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và vận động toàn dân phát triển sản xuất, kinh doanh, khắc phục tác động của đại dịch; củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Chính phủ; các phong trào thi đua, cuộc vận động của MTTQ; phối hợp thực hiện công tác xây dựng pháp luật, chương trình giám sát, phản biện xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021 -2026.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận làm rõ các nội dung phối hợp giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhất là trước các vấn đề “nóng” hiện nay.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, sự chỉ đạo của Chủ tịch nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là kiềng ba chân vững chắc. Thời gian qua, Thủ tướng đã bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình; lắng nghe ý kiến của dân; tham khảo ý kiến của chuyên gia; chú ý ý kiến của Mặt trận... và đã chủ động đưa ra những quyết sách hợp thực tế, mang lại hiệu quả cao.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng đến nay chúng ta đã và đang kiểm soát tốt dịch COVID-19. Quá trình phòng, chống dịch cho thấy hiệu quả phối hợp hành động của Chính phủ và của MTTQ Việt Nam, trong đó có sự chỉ đạo rất tập trung, quyết liệt của đồng chí Thủ tướng Chính phủ và việc phát huy vai trò của MTTQ cùng các đoàn thể chính trị xã hội. Đặc biệt, tư tưởng coi nhân dân là trung tâm phục vụ và là chủ thể thực hiện đã được khẳng định trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong các sự kiện chính trị của đất nước, dân tộc và công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, những thành tựu mà đất nước đạt được 5 năm qua là công sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của MTTQ Việt Nam, sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và Mặt trận các cấp. Kết quả trong nhiều nhiệm kỳ qua và hiện nay cho thấy, sự phối hợp giữa Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đòi hỏi khách quan, phù hợp với lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá rất cao và cảm ơn sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Chính phủ thời gian qua, đặc biệt là trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 suốt gần 2 năm qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu lớn đó, chúng ta cần tiếp tục kế thừa các thành tựu đã đạt được trong những năm qua, phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc để đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ xác định phương châm hành động cho nhiệm kỳ 2021-2026 là xây dựng Chính phủ “đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ”.
Chính phủ trân trọng đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Dân vận Trung ương cùng sát cánh với Chính phủ, chung sức, đồng lòng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Trước mắt là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch thành công, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và an dân, an ninh trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ; tạo đồng thuận xã hội, sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng đề nghị MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Chính phủ trong nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo mọi điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia có hiệu quả vào việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phương thức vận động, tập hợp nhân dân.
MTTQ Việt Nam làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội; phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa với Chính phủ trong việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội để phát huy vai trò giám sát của nhân dân; tham gia kiểm soát quyền lực, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở ngay tại mỗi địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn MTTQ Việt Nam tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; kịp thời cập nhật thông tin từ các nguồn chính thống, đồng thời phản bác các tin giả, xấu độc, nhất là về tình hình và công tác phòng, chống dịch COVID-19; chú trọng tuyên truyền, cổ vũ những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, vượt khó vươn lên.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ban Dân vận Trung ương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng các nội dung của công tác dân vận chính quyền, tạo không gian rộng mở để người dân tham gia quyết định chính sách và thực hiện chính sách; đồng thời quan tâm đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục phát huy những mô hình, cách làm hay, những mô hình "Dân vận khéo", tạo sức lan tỏa, nhất là trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 hiện nay.
Về 19 đề xuất, kiến nghị của MTTQ Việt Nam, Thủ tướng cho biết có 11/19 kiến nghị thuộc thẩm quyền, trách nhiệm xử lý của các bộ, ngành và đang được triển khai. Thủ tướng đã giao các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định hiện hành khẩn trương xử lý và có văn bản trả lời Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trước ngày 30/10/2021; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.