Sự nghiệp báo chí của Bác luôn gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người

Sự nghiệp báo chí của Bác luôn gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người

(GD&TĐ) - Chủ tịch Hồ Chính Minh (1890 - 1969), lãnh tụ tối cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đã được Tổ chức văn hoá, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (Unesco) tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới. Người cũng là nhà báo cách mạng. Sự nghiệp báo chí của Bác Hồ gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng vĩ đại của Người.

Sự nghiệp báo chí của Bác luôn gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người ảnh 1
 
Trước cảnh đất nước bị thực dân Pháp thống trị, năm 1911, Người đã từ bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước. Người sang Pháp rồi qua nhiều nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi rồi lại trở lại Pháp với tên gọi là Nguyễn Tất Thành. 
Ngày 18/6/1919, Nguyễn Tất Thành ký tên là Nguyễn Ái Quốc gửi "Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam" tới Hội nghị hoà bình ở Véc Xây và đăng trên tờ báo Nhân Đạo (L’Humanite), cơ quân ngôn luận của Đảng xã hội Pháp. Người còn viết các bài báo tố cáo chế độ thực dân đăng trên các tờ L’Humanite (Nhân Đạo), Jaural du Peuple (Tạp chí Nhân Dân), L Vie Ouvriere (Đời sống thợ thuyền), Le Populaire de Paris (Dân chúng Pa-ri), Inprekorr của Quốc tế cộng sản.
Năm 1921, Người tổ chức ra "Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa" và sáng lập ra tờ báo "Người cùng khổ" (Le Paria). Trong những bài viết của mình Bác đã lên án cái gọi là "Nền văn minh" của chủ nghĩa đế quốc nói chung và của chủ nghĩa đế quốc Pháp nói riêng.
Năm 1922, nhân dịp ông vua bù nhìn Khải Định sang Pháp dự triển lãm thuộc địa ở Mác -xây, Bác đã viết và cho công diễn vở kịch "Con rồng tre" (L Dragon de Bamnbou) và nhiều bài báo vạch ra mặt bọn vua quan phong kiến bù nhìn làm tay sai cho bọn đế quốc thống trị.
Từ giữa năm 1923, Bác Hồ hoạt động ở Liên Xô, Người đã trình bày một số vấn đề chiến lược và sách lược cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Những bài phát biểu đó đăng trên các tạp chí Thư tín quốc tế (La Conrespondance intermationnale) của quốc tế Cộng sản, tạp chí Quốc tế nông dân, tạp chí Quốc tế phụ nữ. Người còn viết một số bài đăng trên báo Sự thật, cơ quan trung ương của Đảng cộng sản Liên Xô.
Năm 1924, Bác Hồ viết bài "Hành hình kiểu Lin-sơ", một hiện tượng hiếm có của nền "văn minh Mỹ" (viết bằng tiếng Đức) đăng trên báo Diễn đàn thế giới, cơ quan trung ương của Đảng cộng sản Đức.
Năm 1923, 1924, trong khi hoạt động ở Liên Xô Bác Hồ tiếp tục gửi bài đăng trên các báo ở Pháp: Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống công nhân, nói về phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân các nước thuộc địa.
Trên cơ sở một số bài viết trong khoảng thời gian từ 1921 đến 1925, Bác Hồ đã hoàn thành tác phẩm lớn "Bản án chế độ thực dân Pháp", được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Pháp tại Thư quán Lao Động Pa-ri năm 1925.
Năm 1924, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người sáng lập "Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở á Đông". Cuối năm 1924 đầu năm 1925, Bác bắt liên lạc với phong trào cách mạng trong nước, mở trường huấn luyện chính trị để đào tạo cán bộ và sáng lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, một tổ chức tiền thân của Đảng. Ngày 21/6/1925, Bác sáng lập và cho xuất bản số đầu tiên của báo Thanh niên, cơ quan trung ương của Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Tháng 7/1928, Bác Hồ xuất hiện ở Bản Đông miền Trung Thái Lan. Đầu tháng 8/1928, Người đến Uđôn lấy tên là Chín, mọi người thường gọi là Thầu Chín. Tại đây, Người đề nghị đổi tên báo Đồng Thanh - tờ báo của Hội Thân ái xuất bản từ năm 1927 , thành báo Thân ái.
Ngày 28/1/1941, Người trở về nước cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng. Tháng 8/1941, Bác Hồ sáng lập tờ Việt Nam độc lập gọi tắt là Việt Lập để tuyên truyền, cổ động và tổ chức nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn vào các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh.
Năm 1945, trong không khí chiến thắng của cách mạng tháng Tám, Bác đã viết và đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ngày2/9/1945. Sau cách mạng tháng Tám, Bác cùng trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến anh dũng và trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954). Dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành thì giờ lãnh đạo báo chí Việt Nam và viết nhiều bài báo cho các báo trong nước và một số báo nước ngoài. 
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1946 đến năm 1954, Bác đã viết 135 bài cho báo Cứu quốc cơ quan tuyên truyền cổ động của Tổng bộ Việt Minh. Từ năm 1947 đến năm 1950, Bác đã viết 24 bài cho báo Sự thật, cơ quan trung ương của Đảng và một số bài cho tạp chí Sinh hoạt nội bộ của Đảng.
Từ năm 1951 đến năm 1969, Bác đã viết cho báo Nhân dân 1205 bài với 23 bút danh khác nhau.
Từ năm 1951 đến năm 1955, Bác đã viết cho báo Vì một nền hoà bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân, cơ quan thông tin của các Đảng cộng sản công nhân thế giới, một số bài như: "Bọn đế quốc cướp nước không bao giờ có thể nô dịch dân tộc Việt Nam anh hùng" (số tháng 1/1952), bài "Quốc khánh lần thứ mười của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà" (số tháng 9/1955). 
Năm 1960, Bác đã viết bài "Ba mươi năm hoạt động của Đảng" đăng trên tạp chí Những vấn đề hoàn bình và chủ nghĩa xã hội, số 2 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng.
Thời kỳ này, Bác còn viết nhiều bài cho các báo xuất bản ở Liên Xô. Báo Sự thật đã đăng những bài như: "Lê nin và công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức (số ra ngày 18/4/1955), "Củng cố và phát triển sự thống nhất tư tưởng của các Đảng Mac-xít-Lê-nin-nít" (số ra ngày 3/8/1956), "Lê - nin, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam" (Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 92 ngày thành sinh Lê-nin tháng 2/1952) "Cách mạng tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc" (nhân dịp kỷ niệm lần thứ 58 Cách mạng tháng Mười Nga năm 1957).
Bác Hồ với các nhà báo (Ảnh: TL)
Bác Hồ với các nhà báo (Ảnh: TL)
Để giúp cho cán bộ quản lý và những người làm báo thấm nhuần những quan điểm cơ bản về công tác báo chí cách mạng, Bác đã nêu câu hỏi: Viết cho ai xem?; Viết để làm gì?; Viết như thế nào?.
Viết cho ai xem? Bác đã trả lời rõ ràng và dứt khoát: viết cho đại đa số công nông binh xem. Tính chất quần chúng là đặc tính nổi bật, là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của báo chí cách mạng.
Viết để làm gì? Câu hỏi này nêu lên mục đích của báo chí cách mạng, cũng là một quan điểm cơ bản của cán bộ làm báo. Bác Hồ còn dặn: "đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hoà bình thế giới". Bác cũng nói "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ".
Trả lời câu hỏi: Viết để làm gì? Bác nói: Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng… Trong vấn đề này, cũng phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù, viết mới đúng.
Viết như thế nào? Bác Hồ căn dặn:
- "Trước hết là cần phải tránh cái lối viết "rau muống", nghĩa là lằng nhằng "trường giang đại hải" làm cho người xem như là "chắt chắt vào rừng xanh"… Phải viết cho đúng trình độ người xem, viết rõ ràng, gọn gàng.
- Chớ ham dùng chữ - các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia… Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng. Những chữ mà tiếng ta có, thì phải dùng tiếng ta.
- Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu có đuôi.
Phải học cách nói tiếng của quần chúng. Có nhà thơ nào nói: "Tóc cười, tay hát" thì thật là "hoang vu"!. Có nhà văn nói: "Cặp mắt ông già dĩnh ngộ", thì thật là "ngộ nghĩnh".
Viết phải thiết thực "nói có sách, mách có chứng" tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?
Sự nghiệp báo chí cách mạng của Bác Hồ gắn liền và phục vụ cho hoạt động cách mạng của Người. Trong cuộc đời 50 năm làm báo cách mạng của Bác, trong mọi thời kỳ, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thể loại báo chí và đề tài báo chí, Bác Hồ luôn luôn là một nhà báo tâm huyết và đầy bản lĩnh. Bác là lá cờ, là ngọn đuốc soi đường cho nền báo chí cách mạng của nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng vĩ đại.
Tìm hiểu và học tập sự nghiệp báo chí cách mạng của Bác Hồ, chúng ta càng kính yêu, càng biết ơn Bác và nguyện mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Người đã vạch ra.
Sự nghiệp làm báo của Bác Hồ bền bỉ, liên tục trong suốt 50 năm, kể từ bài báo đầu tiên: "Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam" gửi Hội nghị Véc - xây và in trên báo Nhân đạo (L’Humanite) ngày 18/6/1919 ký tên Nguyễn Ái Quốc đến bài báo cuối cùng: "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng" đăng trên báo Nhân Dân số ngày 1/6/1969, với bút danh T.L. Sự nghiệp báo chí của Bác đã luôn gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Người.
                       Đặng Trần Tụy
             (Hội viên Hội Văn Nghệ Dân gian Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ