Sứ mệnh to lớn

GD&TĐ - Giáo dục là phương tiện để giúp chúng ta trở thành người có văn hóa, bảo đảm cho sự trường tồn của một dân tộc, một quốc gia.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính vì thế mà giáo dục mang một sứ mệnh to lớn “là quốc sách hàng đầu”. Quan điểm chấn hưng văn hóa cần phải bắt đầu từ giáo dục mang tính toàn diện, sâu sắc.

Nền tảng tinh thần vững chắc

Xây dựng một nền văn hóa “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” là quan điểm chủ đạo và xuyên suốt của Đảng ta. Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, trong đó con người được nhìn nhận là trung tâm trong chiến lược phát triển bền vững.

Trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được vẫn còn những biểu hiện lệch lạc, lai căng và xuống cấp về văn hóa trong đạo đức, văn hóa ứng xử… chính những điều này kéo theo nhiều hệ lụy trong sự phát triển của xã hội.

Chấn hưng văn hóa là trách nhiệm của các cấp, ngành, của toàn thể nhân dân. Trong đó, vai trò quan trọng và cần bắt đầu từ các nhà trường. Bởi trước khi có ý thức tự giáo dục thì con người cần được giáo dục. Giáo dục trong nhà trường là quá trình xuyên suốt qua các cấp học để giúp con người phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực; hình thành thế giới quan đúng đắn, nhân sinh quan tích cực.

Để bảo đảm phát triển bền vững, Đảng, Nhà nước ta đã không ngừng đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu.

Chương trình GDPT 2018 nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Chương trình được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện cho học sinh.

Tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Cụ thể hóa các mục tiêu giáo dục

Giáo dục gồm một hệ thống các bậc học, ở mỗi bậc học có một mục tiêu riêng. Mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 bậc tiểu học là giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt, có các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học lên các bậc học tiếp theo.

Trường Tiểu học Núi Đèo (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đã cụ thể hóa từng việc so với những mục tiêu đã đề ra.

Trước hết, nhà trường đã phát huy được sức mạnh đoàn kết của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và huy động sức mạnh trong nhân dân cũng như tranh thủ sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo để hoàn thiện cơ sở vật chất nhà trường, đáp ứng các yêu cầu dạy học theo chương trình mới, bảo đảm cho các em học sinh được học tập, vui chơi trong một môi trường khang trang, hiện đại, rộng rãi, vệ sinh và thoáng mát tạo nên những dấu ấn riêng trong lòng phụ huynh và học sinh.

Nhà trường quan tâm đến phát triển đội ngũ thông qua việc tuyển dụng, cử đi học, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn tay nghề, hội thảo, hội thi, diễn đàn… qua đó tạo nên lớp thầy cô giáo có đủ trình độ, tay nghề, phẩm chất đạo đức và tình yêu nghề nghiệp để truyền cảm hứng cho các thế hệ học sinh. Nhà trường xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học, xây dựng trường học hạnh phúc, cơ quan văn hóa.

Đối với học sinh, nhà trường bảo đảm dạy chuẩn kiến thức kĩ năng theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên áp dụng – vận dụng linh hoạt và sáng tạo các phương pháp dạy học mới, sử dụng có hiệu quả các phương tiện, thiết bị dạy học.

Nhà trường đã triển khai chương trình giáo dục một cách cụ thể về kiến thức, đạo đức, lối sống… xây dựng giá trị đặc trưng của văn hóa truyền thống địa phương. Trên cơ sở đó, giáo dục cho học sinh giữ gìn phát triển những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Có những kiến thức phù hợp với môi trường phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế.

Trường Tiểu học Núi Đèo chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua các bài học, các chuyên đề và các hoạt động hàng ngày để giáo dục tình đoàn kết, giúp đỡ bạn bè; vâng lời thầy cô, cha mẹ, người lớn tuổi; chăm lao động, biết chia sẻ công việc vừa sức của mình; nói lời hay làm việc tốt; mạnh dạn tự tin, bày tỏ những suy nghĩ và việc làm với người xung quanh…

Hàng ngày, học sinh được tham gia những công việc như: Làm một phút môi trường (học sinh sẽ thu gom giấy rác vào đầu giờ buổi sáng), chăm sóc bồn hoa cây cảnh, biết tự phục vụ những bữa ăn bán trú tại trường… giúp học sinh có thói quen tích cực làm việc và giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường sạch đẹp; Phong trào “nói lời hay, làm việc tốt”, “đôi bạn cùng tiến”, “đọc và làm theo báo đội”, học sinh biết bày tỏ nguyện vọng của mình qua “hòm thư điều em muốn nói”.

Thông qua các hoạt động này giúp các em rèn các kỹ năng sống, vận dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Giáo viên chủ nhiệm trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập và rèn luyện của học sinh hàng ngày thông qua phần mềm quản lí học sinh, có các thông báo kịp thời để phụ huynh nắm bắt được tình hình của con em mình.

Thông qua các chuyên đề nhà trường phối kết hợp để phụ huynh cùng tham gia để hiểu và gắn kết giữa nhà trường với phụ huynh và các con. Cụ thể như chuyên đề: Ngày hội cha mẹ học sinh “Cùng con trưởng thành”, “Tự hào về nghề nghiệp của bố, mẹ”... bên cạnh đó, các em được phát triển về năng lực, phẩm chất thông qua các hoạt động của trường, lớp học, qua đó các em có kiến thức tham gia các kỳ giao lưu do các cấp tổ chức.

Từ những việc làm nhỏ nhất nhà trường đã và đang tạo nên môi trường văn hóa mà ở đó giá trị tạo nên là những thế hệ học sinh tích cực, tự tin, năng động, có kiến thức, có ý thức, đạo đức, có tổ chức kỷ luật, sống yêu thương, chia sẻ, tự hào về quê hương đất nước. Nhà trường tin tưởng sẽ đào tạo ra những thế hệ học trò góp phần giữ gìn, xây dựng và phát triển nền văn hóa nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.