Hiện thực hóa chủ trương “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”

GD&TĐ - Trước những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận những nỗ lực vượt khó của ngành Giáo dục.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) trong ngày hội STEM. Ảnh minh họa: TG
Học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) trong ngày hội STEM. Ảnh minh họa: TG

Đại biểu Quốc hội đồng thời đề nghị: Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đầu tư cho giáo dục, đào tạo theo tinh thần “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Giáo dục đã nỗ lực vượt khó

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế, thời gian qua, giáo dục, đào tạo gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch Covid-19, nhất là trong đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch này. Tuy nhiên, ngành Giáo dục đã cơ bản thích ứng, chủ động chuyển đổi sang phương thức dạy – học trực tuyến. “Ở một số vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp khó khăn do điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất. Ngoài ra, nhiều gia đình còn khó khăn nên thiếu thiết bị học trực tuyến cho con em” – đại biểu Nguyễn Thị Sửu trao đổi.

Cho rằng, Chương trình “Máy tính cho em” do Bộ GD&ĐT phát động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đại biểu đoàn Thừa Thiên - Huế hy vọng, từ chương trình này sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu thiết bị học trực tuyến của học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài thiết bị học tập, cần đầu tư về hạ tầng cơ sở, thiết bị đường truyền, phủ sóng ở những vùng lõm, để thầy – trò yên tâm dạy – học trực tuyến.

Trước những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) ghi nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục nói chung và đội ngũ thầy, cô giáo nói riêng. Toàn ngành đã nhanh chóng chuyển đổi sang phương thức dạy – học trực tuyến, đồng thời linh hoạt kết hợp giữa hình thức dạy – học trực tiếp kết hợp với trực tuyến, dạy học trên truyền hình…

“Tôi cho rằng, đây là một trong những điểm sáng nhất của ngành Giáo dục trong thời gian qua, giúp việc học tập của học sinh không bị đứt gãy, bảo đảm không em nào bị bỏ lại phía sau” – đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh, đồng thời trao đổi: Đây cũng là cơ hội để ngành Giáo dục tiến công vào công cuộc chuyển đổi số.

Nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn coi Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đại biểu đoàn Quảng Trị khẳng định: Chủ trương này đã có từ lâu và tiếp tục được nhắc lại tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Theo đại biểu, giáo dục là lĩnh vực cần được quan tâm và phải được quan tâm đúng mức. Bởi, đây là cái nôi để đào tạo ra nguồn nhân lực cho đất nước, nhân tài cho xã hội. Nếu ngành Giáo dục không được ưu tiên, quan tâm, không được dành nguồn ngân sách thích đáng, thì khó có thể đưa ngành Giáo dục đi lên và hội nhập quốc tế.

Một lớp học của Trường Tiểu học Nậm Cắn I (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh minh họa: TG
Một lớp học của Trường Tiểu học Nậm Cắn I (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh minh họa: TG

Giáo dục cần được đầu tư toàn diện hơn nữa

Tại nhiều kỳ họp của Quốc hội khóa XIV, lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã được đề cập. Nữ đại biểu đoàn Quảng Trị cũng có nhiều phát biểu tham luận, ý kiến đóng góp về việc phát triển sự nghiệp giáo dục của nước nhà, nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

“Tại kỳ họp này, tôi tiếp tục có ý kiến về việc này. Chúng ta đã dành những ưu tiên gì cho giáo dục, đào tạo. Nhất là hiện nay ngành Giáo dục đang và sẽ triển khai, thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới” – đại biểu Hồ Thị Minh đặt vấn đề, đồng thời hy vọng, giáo dục sẽ được quan tâm, tạo điều kiện và đầu tư thích đáng, để Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt được hiệu quả như mong muốn và sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đạt mục tiêu đề ra.

Khẳng định, giáo dục, đào tạo là lĩnh vực căn cơ, quan trọng nhất, đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhấn mạnh: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Đảng đã có Nghị quyết chuyên đề về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. “Tuy nhiên, tôi mong muốn, giáo dục cần được đầu tư toàn diện hơn nữa, từ kinh phí, vật lực, nhân lực cho đến hạ tầng cơ sở. Chẳng hạn như, cần có quy hoạch đất dành cho giáo dục” – đại biểu Nguyễn Thị Sửu viện dẫn.

Với hơn 11 năm đứng trên bục giảng, thầy Trần Công Văn – giáo viên Trường THCS Hàm Nghi (TP Huế, Thừa Thiên – Huế) - mong muốn, giáo dục và đào tạo ngày càng được quan tâm, đầu tư, nhất là cơ chế chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo. Bởi đây là lực lượng nòng cốt để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

“Quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục là việc làm cần thiết và được ưu tiên hàng đầu. Khi đó, chúng ta sẽ có điều kiện để xây dựng đội ngũ nhà giáo có tâm - tầm - tài và tâm huyết, trách nhiệm, tận hiến với nghề. Đặc biệt, cần có chính sách đặc thù về “đầu vào”, “đầu ra” cho sinh viên sư phạm; để giáo sinh ra trường có việc làm. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo cũng quan trọng. Cần khơi gợi cảm hứng trong dạy - học cho thầy, cô giáo, nhất là hiện nay toàn ngành đang thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới” - thầy Văn trao đổi.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đầu tư nguồn nhân lực cho giáo dục, đào tạo là quan trọng nhất. Làm sao để có thể tạo động lực và truyền cảm hứng cho giáo viên, để các thầy, cô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, rộng hơn là thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của nước nhà.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ