Sứ mệnh thất bại, tàu vũ trụ của Boeing hạ cánh xuống New Mexico

GD&TĐ - Tàu vũ trụ không người lái Starliner mới của Boeing đã trở lại Trái đất và hạ cánh xuống sa mạc New Mexico ở Hoa Kỳ sớm 6 ngày so với lịch trình sau khi sự cố đồng hồ đã không cho phép nó đến điểm hẹn với Trạm Vũ trụ quốc tế.

Tàu Starliner của Boeing phải quay lại ngay sau khi tách khỏi tên lửa đẩy.
Tàu Starliner của Boeing phải quay lại ngay sau khi tách khỏi tên lửa đẩy.

Hình ảnh do NASA phát sóng cho thấy tàu vũ trụ tiếp đất an toàn trong bóng tối sau khi hạ cánh chậm nhờ vào ba chiếc dù lớn.

Starliner được phóng lên từ Cape Canaveral ở Florida, nhưng ngay sau khi tách khỏi tên lửa phóng Atlas V, các máy đẩy của nó đã không kích hoạt theo kế hoạch, ngăn không cho nó đạt được quỹ đạo đủ cao để kết nối với với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Quỹ đạo của trạm vũ trụ nằm ở độ cao khoảng 400 km (250 dặm) trên mực nước biển.

Chuyến bay - chỉ mang theo một hình nộm – là buổi chạy thử cuối cùng trước khi 1 chuyến bay chính thức với phi hành đoàn được thực thi.

Sau khi tính toán rằng tàu đã đốt quá nhiều nhiên liệu chỉ trong vài phút, Boeing và NASA đã buộc phải hướng dẫn tàu Starlinerquay trở lại Trái đất mà không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch.

Jim Chilton, Phó Chủ tịch cấp cao của bộ phận không gian và phóng của Boeing nói với các phóng viên rằng “chúng tôi đã khởi động đồng hồ không đúng lúc”.

Thất bại của Starliner là thất bại nghiêm trọng mới nhất đối với Boeing, hiện vẫn đang quay cuồng sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng của chiếc máy bay 737 Max của hãng. Các vụ tai nạn, xảy ra vào tháng 10/2018 tại Indonesia và vào tháng 3/2019 tại Ethiopia, đã cướp đi tổng cộng 346 sinh mạng.

Quản trị viên của NASA Jim Bridenstine khẳng định rằng sứ mệnh không gian lần này không phải là một thất bại hoàn toàn. “Nhóm NASA và nhóm Boeing đã cùng nhau làm việc để hoàn thành càng nhiều mục tiêu thử nghiệm càng tốt”, ông phát biểu trước thời điểm Starliner hạ cánh.

Starliner đã có thể thiết lập một liên kết liên lạc với ISS, và thử nghiệm trong không gian cơ chế lắp ghép của nó cũng như các tấm pin mặt trời, pin, bộ đẩy và hệ thống điều chỉnh nhiệt.

Starliner quay trở lại bầu khí quyển với vận tốc nhanh gấp 25 lần tốc độ âm thanh, với tấm khiên nhiệt chống lại sức nóng dữ dội được tạo ra bởi ma sát với bầu khí quyển. Trong một cuộc thử nghiệm vào tháng 11, chỉ có hai trong số ba chiếc dù được mở, mặc dù chúng đã chứng minh là đủ cho cuộc đổ bộ.

“Quá trình phóng, hạ và tiếp đất không dành cho người yếu tim”, Chilton nói trước đó.

NASA sẽ phải quyết định xem có nên thực hiện một chuyến bay thử nghiệm khác hay tin tưởng rằng phương tiện này đã đủ an toàn để mang theo các phi hành gia.

Chuyến bay phi hành đoàn đầu tiên của Starliner đã được lên kế hoạch sẽ diễn ra vào đầu năm 2020 - một sự phát triển được mong đợi kể từ khi NASA gửi tàu con thoi cuối cùng vào năm 2011.

Một con tàu khác, Crew Dragon, đang được phát triển bởi Tập đoàn SpaceX cho NASA. Dự kiến nó cũng sẽ sẵn sàng để ra mắt vào năm tới.

NASA đã cam kết trả 8 tỷ đô la cho Boeing và SpaceX, đổi lại sẽ được cung cấp sáu chuyến đi mang theo bốn phi hành gia mỗi chuyến tính từ nay đến năm 2024.

Theo Foxnews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.