Máy bay Doomsday của Mỹ bị “hạ gục” bởi… một chú chim

GD&TĐ - Một chiếc máy bay Doomsday (Ngày tận thế) của Hải quân Hoa Kỳ, được thiết kế có khả năng chịu được một cuộc tấn công hạt nhân, bất ngờ bị “đánh bại” bởi… một chú chim.

Cận cảnh về bộ cảm biến ESM wingtip, một trong các biện pháp hỗ trợ điện tử, trên máy bay Mercury E-6A của Hải quân Hoa Kỳ. Để tạo ra E-6B, Boeing đã sửa đổi E-6A, bổ sung nhiều thiết bị chuyên dụng khác nhau
Cận cảnh về bộ cảm biến ESM wingtip, một trong các biện pháp hỗ trợ điện tử, trên máy bay Mercury E-6A của Hải quân Hoa Kỳ. Để tạo ra E-6B, Boeing đã sửa đổi E-6A, bổ sung nhiều thiết bị chuyên dụng khác nhau

Vụ chim tấn công này đã phá hủy một trong bốn động cơ của máy bay và Hải quân Hoa Kỳ tuyên bố đây là “tai nạn loại A”, nghĩa là sự kiện này đã gây ra thiệt hại là hơn 2 triệu đô la, theo Navy Times đưa tin.

Vào ngày 2/10, trong một chuyến bay thử nghiệm tại căn cứ Hải quân Patuxent ở Maryland, máy bay E-6B Mercury đã đâm vào một con chim chưa được xác định, theo Tim Boulay, phát ngôn viên của Phòng máy bay của Trung tâm tác chiến Không quân Hải quân nói với Military.com: Không có thương tích nào được báo cáo và máy bay đã hạ cánh an toàn trên đường băng tại trạm không quân.

Hiện tại, máy bay đã hoạt động trở lại. “Động cơ đã được thay thế, và máy bay đã được đưa trở lại hoạt động”, ông Tim Boulay cho biết thêm.

Trước đó, vào tháng 2, một chiếc Mercury E-6B đã gặp sự cố khi đang được kéo ra khỏi một nhà chứa máy bay tại căn cứ không quân Tinker ở Oklahoma, Military.com đưa tin.

E-6B Mercury được chế tạo dựa trên nền tảng máy bay thương mại Boeing 707-320. Boeing E-6B Mercury hay E-6B Mercury là mẫu máy bay chỉ huy và kiểm soát trên không của quân đội Mỹ được thiết kế dành riêng cho một cuộc chiến tranh hạt nhân có quy mô toàn cầu, chính vì lý do này mà nó còn được mệnh danh là sứ giả “Ngày tận thế”.

Máy bay sử dụng các hệ thống liên lạc tần số thấp cho phép những người chỉ huy liên lạc với lực lượng tên lửa hạt nhân của Hải quân Hoa Kỳ trên các tàu ngầm tên lửa đạn đạo trên biển. E-6B Mercury cũng được trang bị hệ thống kiểm soát phóng trên không, có nghĩa là nó có thể phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên đất liền, Military.com đưa tin.

Các vụ va chạm giữa máy bay chiến đấu và chim trời vốn không phải là điều hiếm gặp.

Thống kê từ Cơ quan Đối tác Phòng thủ trên chuyến bay (DoD PIF) thuộc chính phủ Mỹ cho hay vào mỗi năm, có khoảng 3.000 vụ va chạm với động vật hoang dã xảy ra đối với máy bay quân dụng, và hơn 2.500 vụ đối với máy bay dân dụng.

Các chương trình phòng ngừa khác nhau, bao gồm chương trình Bird/Wildlife Aircraft Strike Hazard, đã được đưa ra trong nỗ lực giảm thiểu các vụ tai nạn này.

“Thay đổi môi trường sống và dọa cho chim bay khỏi đường băng là một phần không thể thiếu trong kế hoạch, nhưng hiểu được hành vi và chuyển động của chim liên quan đến môi trường sân bay và các tuyến huấn luyện quân sự của phi công và phi hành đoàn cũng là một yếu tố quan trọng trong việc giảm thiểu tần suất tai nạn” – đại diện DoD PIF phát biểu.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ