Nghiên cứu mới đã được đăng trên tạp chí Frontiers in Environmental Science.
Với hành động quyết liệt cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức mục tiêu của Thỏa thuận Paris là 1,5 độ C, các nhà khoa học cảnh báo rằng, những hiện tượng cực đoan gần đây ở Nam Cực có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Nghiên cứu xem xét bằng chứng về các sự kiện cực đoan ở Nam Cực và Nam Đại Dương. Những sự kiện này bao gồm thời tiết, băng biển, nhiệt độ đại dương, hệ thống sông băng và thềm băng, cũng như đa dạng sinh học trên đất liền và biển.
Báo cáo kết luận rằng, môi trường mong manh của Nam Cực có thể phải chịu áp lực và thiệt hại đáng kể trong những năm và thập kỷ tới. Trong bối cảnh này, các nhà khoa học kêu gọi hành động chính sách khẩn cấp để bảo vệ Nam Cực.
“Sự thay đổi ở Nam Cực có ý nghĩa toàn cầu. Giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức 0 là hy vọng tốt nhất của chúng tôi để bảo tồn Nam Cực”, tác giả chính của nghiên cứu - Giáo sư Martin Siegert tại Trường Đại học Exeter (Anh) cho biết.
Theo Giáo sư Siegert, những thay đổi nhanh chóng đang diễn ra ở Nam Cực có thể khiến nhiều quốc gia vi phạm hiệp ước quốc tế. “Các bên ký kết Hiệp ước Nam Cực (bao gồm Anh, Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc) cam kết bảo vệ môi trường của nơi xa xôi và mong manh này.
Các quốc gia phải hiểu rằng, bằng cách tiếp tục khám phá, khai thác và đốt nhiên liệu hóa thạch ở bất cứ đâu trên thế giới, môi trường của Nam Cực sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn theo những cách không phù hợp với cam kết của họ”, ông nhấn mạnh.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét khả năng dễ bị tổn thương của Nam Cực trước một loạt sự kiện cực đoan. Qua đó, nhằm hiểu nguyên nhân và những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai sau một loạt sự kiện cực đoan gần đây.
Các sự kiện cực đoan cũng có thể ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Ví dụ, nhiệt độ cao có liên quan đến số lượng loài nhuyễn thể thấp hơn. Từ đó, dẫn đến thất bại trong việc sinh sản của những kẻ săn mồi phụ thuộc vào loài nhuyễn thể. Bằng chứng là có nhiều hải cẩu con chết trên bãi biển.
Đồng tác giả nghiên cứu - Giáo sư Anna Hogg thuộc Trường Đại học Leeds (Anh), cho biết: “Kết quả của chúng tôi cho thấy, các sự kiện cực đoan được biết là có tác động đến toàn cầu thông qua lượng mưa lớn và lũ lụt, sóng nhiệt và cháy rừng, chẳng hạn như những gì đã thấy ở châu Âu vào mùa hè này. Chúng đồng thời tác động đến các vùng cực xa xôi”.
Cụ thể, các sông băng, băng biển và hệ sinh thái tự nhiên ở Nam Cực đều bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cực đoan. Sự rút lui của băng biển Nam Cực sẽ khiến các khu vực mới có thể tiếp cận được bằng tàu. Các nhà nghiên cứu cho biết, sẽ cần phải quản lý cẩn thận để bảo vệ những địa điểm dễ bị tổn thương.