Ca tử vong đầu tiên do Covid-19 sau 6 tháng vừa xảy ra ở Trung Quốc khiến người ta lo ngại rằng việc mở cửa trở lại của nước này sẽ rất gập ghềnh, ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp và người dân.
Sau gần nửa năm không ghi nhận ca tử vong nào, hôm 20/11, một cụ ông 87 tuổi với nhiều bệnh nền sống tại thủ đô Bắc Kinh đã qua đời vì Covid-19. Trong tuần qua, số ca nhiễm đã tăng vọt ở nước này với 24 - 25 nghìn ca mỗi ngày, khiến người ta lo ngại rằng các chính sách khắt khe phòng chống Covid-19 của chính quyền Trung Quốc còn lâu mới được nới lỏng.
Tại thủ đô Bắc Kinh, hầu hết các trung tâm mua sắm, nhà hàng và công viên vẫn đang đóng cửa. Ở quận Triều Dương, 3,5 triệu người dân được khuyến cáo không di chuyển sang các quận khác nếu không thực sự cần. Nhiều quận đóng cửa các nhà hàng, chỉ cho bán mang về. Học sinh từ mẫu giáo đến cấp 3 học online trở lại.
Tại thành phố Thành Đô, cơ quan y tế quyết định xét nghiệm diện rộng cho người dân trong 5 ngày, bắt đầu từ 23/11, nhằm phát hiện người mắc Covid sớm nhất có thể và cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Tại Thượng Hải, ngày 23/11, chính quyền thành phố hủy một hội nghị lớn của ngành ô tô do dịch diễn biến phức tạp, đồng thời khuyến cáo người dân không tới các địa điểm công cộng như nhà hàng, khu mua sắm trong 5 ngày.
Trung Quốc mới đây đã công bố các biện pháp nới lỏng các hạn chế do Covid-19 đem lại, hy vọng rằng họ sẽ sẵn sàng mở cửa trở lại trong vòng 6 - 9 tháng tới. Nhưng giờ đây với làn sóng Covid-19 mới, biến chủng Omicron mới dễ lây nhiễm và khó phát hiện, quá trình mở cửa trở lại có thể vẫn sẽ gập ghềnh.
Các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc đã gây sức ép nặng nề lên nền kinh tế, ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp, nhất là các công ty nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc cũng như việc làm của người dân.
Hiện nay, gần 20% GDP Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát Covid-19, gần đến mức 21,2% hồi tháng 4/2022 khi Thượng Hải - một trung tâm kinh tế tài chính của thế giới bị phong tỏa chặt chẽ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 23/11 đã khuyến cáo Trung Quốc “điều chỉnh lại” chiến lược zero-Covid để đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đi đúng hướng vì nước này cần một sự phục hồi vững chắc trong nước vào năm tới để bù đắp môi trường bên ngoài đang xấu đi.
Bà Gita Gopinath, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, cũng cho rằng, Trung Quốc nên xem xét cắt giảm lãi suất và hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, dựa vào cải cách thị trường để nâng cao năng suất và tăng trưởng trung và dài hạn.
Đại dịch Coronavirus, thị trường bất động sản sụt giảm và nhu cầu bên ngoài đã được IMF xác định là những rủi ro trước mắt nhất đối với Trung Quốc. Về lâu dài, căng thẳng địa chính trị gia tăng, có thể dẫn đến sự tách rời tài chính với phương Tây, và những hạn chế về thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài và trao đổi công nghệ cũng là những mối đe dọa.
Tuy nhiên, không giống như hầu hết các quốc gia khác, Trung Quốc không có vấn đề lạm phát, trái ngược hẳn với các nền kinh tế lớn của phương Tây bị ám ảnh bởi lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm.
Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 0,4% trong quý thứ hai và IMF đã dự báo tăng trưởng 3,2% trong cả năm. Sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có tác động rộng hơn do nó chiếm khoảng một phần ba tăng trưởng toàn cầu.
Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào hội nghị công tác kinh tế trung tâm vào tháng 12, trong đó lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc sẽ thảo luận về mục tiêu tăng trưởng năm 2023, cũng như các chính sách kinh tế và Coronavirus.
Nếu Trung Quốc tái kết nối với thế giới vào năm 2023, nền kinh tế nước này sẽ phục hồi sau khi giảm tốc mạnh nhất trong nhiều thập kỷ và nguy cơ suy thoái kinh tế của toàn cầu có thể cũng sẽ giảm bớt.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp phục vụ khách hàng trực tiếp, lo ngại rằng họ có thể không tồn tại được cho đến khi đó.