Sử dụng thuốc chống đông máu 'truyền tai': Dễ gánh hậu quả nghiêm trọng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - AstraZeneca đã thừa nhận, tác dụng phụ của vắc-xin phòng Covid-19 là gây cục máu đông.

Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc chống đông máu.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc chống đông máu.

Không ít tài khoản trên mạng xã hội đã truyền tai nhau việc sử dụng thuốc chống đông máu. Song, việc tự ý dùng thuốc có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Không tự ý dùng thuốc

Sau khi AstraZeneca thừa nhận tác dụng phụ của vắc-xin Covid-19 là gây cục máu đông, ở nhiều hội nhóm trên mạng xã hội, người dân truyền tai nhau mua những loại thuốc chống đông máu để sử dụng.

Một tài khoản đăng tải: “Úc có viên uống phòng chống đông máu ngừa đột quỵ nhé. Mẹ mình vẫn uống thường xuyên. Ai đã tiêm mũi vắc-xin của AstraZeneca thì nên uống”.

Một tài khoản khác cũng chia sẻ: “Nhiều mẹ hoang mang loạn lên vụ đông máu sau tiêm. Thấy tin nhắn nhiều quá nhỉ. Em vẫn có ưu đãi hỗ trợ các mẹ đó. Bổ não nhập khẩu Pháp giúp giảm đau đầu, chóng mặt, mất ngủ; giảm nguy cơ hình thành và tan cục máu đông. Nguyên giá 420k (mua 2 tặng 1 số lượng có hạn)”.

Những loại thuốc, thực phẩm chức năng “chống cục máu đông” được quảng cáo rầm rộ trên các trang thương mại điện tử với giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.

Tuy nhiên, thực tế, việc tự ý sử dụng thuốc, hoặc dùng sai cách có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM từng tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 59 tuổi, cấp cứu do đột ngột liệt nửa người trái, méo miệng và không nói được.

Bệnh nhân có tiền căn rung nhĩ và tăng huyết áp, đang uống thuốc kháng đông để phòng ngừa đột quỵ. Thời gian cao điểm dịch, nhà trong khu vực giãn cách xã hội nên ông không đến tái khám tại bệnh viện theo lịch, mà tự mua thuốc uống tiếp theo toa cũ.

Chia sẻ về ca bệnh, TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học thần kinh, Trưởng Đơn vị đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, kết quả chụp cắt lớp sọ não và mạch máu não phát hiện người bệnh bị tắc động mạch não giữa bên phải.

Tuy nhiên, bệnh nhân đang dùng thuốc kháng đông và kết quả xét nghiệm máu cho thấy máu loãng hơn bình thường nên không thể xử trí bằng thuốc chích tiêu cục máu. Bệnh nhân được can thiệp nội mạch cấp cứu, nhanh chóng thông được mạch máu, hồi phục tốt.

Theo bác sĩ Thắng, việc người bệnh ngưng tái khám hoặc tự ý ngừng, thay đổi liều thuốc, là sai lầm rất nguy hiểm vì có thể làm giảm hiệu quả thuốc, hình thành huyết khối, dẫn đến đột quỵ.

Năm 2023, Khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực thuộc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận 2 người nhồi máu não vì tự ý dừng uống thuốc chống đông theo chỉ định của bác sĩ.

Theo BSCKI. Nguyễn Anh Minh, Đơn vị Cấp cứu - Điều trị tích cực, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, thuốc chống đông máu có tác dụng ngăn chặn sự hình thành huyết khối. Thuốc được chỉ định trong phòng ngừa và điều trị các bệnh lý như đột quỵ rung tâm nhĩ, huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc mạch phổi…

Tuy nhiên, các thuốc chống đông máu đều là những thuốc kê đơn. Người bệnh không được tự ý sử dụng mà phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa. Khi đã được bác sĩ điều trị kê đơn thuốc chống đông, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị. Không tự ý bỏ, dừng, tăng, hay giảm liều thuốc. Bởi, tự ý bỏ không uống thuốc có thể dẫn đến hiện tượng hình thành cục máu đông và gây tắc mạch toàn thân.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng thuốc chống đông, người bệnh cần lưu ý: Có nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc chống đông. Vì vậy, không tự động uống hoặc ngừng bất cứ loại thuốc nào khác khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Khi đi khám các bệnh lý khác, hay phải nhổ răng, mua thuốc, cần thông báo rõ cho bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ loại thuốc chống đông máu mình đang sử dụng.

Nếu có biểu hiện nói khó, chóng mặt, đột ngột mất ý thức, vận động, cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế có chuyên khoa đột quỵ để được xử trí kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Dấu hiệu dùng thuốc quá liều

ThS.BS Nguyễn Phương Anh, C9, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuốc chống đông máu làm chậm quá trình đông máu, khiến cục máu đông khó hình thành và ngăn ngừa cục máu đông hiện có phát triển.

Thuốc được sử dụng để ngăn ngừa đột quỵ ở những người có bệnh rung nhĩ, có van tim nhân tạo hoặc bệnh van tim. Thuốc cũng được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị cục máu đông ở các tĩnh mạch sâu bên trong cơ thể (huyết khối tĩnh mạch sâu), cũng như ngăn chặn các cục máu đông này di chuyển đến phổi (thuyên tắc phổi).

Hiện nay, có 2 loại thuốc chống đông máu, gồm: Thuốc kháng vitamin K; các thuốc chống đông thế hệ mới đường uống (NOAC). Nếu sử dụng thuốc chống đông kháng vitamin K, người bệnh cần đến gặp bác sĩ định kỳ để làm xét nghiệm PT-INR (xét nghiệm kiểm tra đông máu). Qua đó, nhằm chỉnh liều lượng thuốc giúp đạt hiệu quả tốt nhất.

Theo chuyên gia này, tác dụng phụ của thuốc chống đông máu là chảy máu. Do đó, người dùng có thể gặp một số vấn đề như chảy máu lâu cầm khi bị thương. Người bệnh cần báo bác sĩ ngay nếu có dấu hiệu quá liều thuốc, như: Tự nhiên có mảng bầm tím dưới da; chảy máu chân răng tự nhiên; đi ngoài phân đen, hoặc đi ngoài ra máu; đi tiểu đỏ hoặc màu nâu. Một số dấu hiệu khác cần lưu ý là: Ho hoặc nôn ra máu; mất máu nhiều khi có kinh nguyệt; đau đầu dữ dội

Khi dùng thuốc chống đông, mọi người cũng cần lưu ý chế độ ăn uống và sinh hoạt. Theo bác sĩ Phương Anh, đối với thuốc chống đông kháng vitamin K, chế độ ăn rau xanh nên ổn định, cân bằng giữa các bữa.

Bởi, các loại rau có lá xanh, rau họ đậu, rau họ cải (rau diếp, hành lá, rau dền, đậu nành, cải xoong, củ cải...) có chứa nhiều vitamin K sẽ làm giảm tác dụng của thuốc chống đông kháng vitamin K. Không nên uống trà xanh, rượu. Hoặc nếu uống thì cần hỏi ý kiến của bác sĩ.

Nên tập thể dục nhẹ nhàng, thường xuyên mỗi ngày ít nhất 30 phút như đi bộ, đạp xe, bơi... Không nên tập các môn thể dục có khả năng va đập sẽ tăng nguy cơ chảy máu.

Một lưu ý là, thuốc chống đông có tương tác với một số loại thuốc như aspirin, acetaminophen, thuốc chống nấm, thuốc chống rối loạn nhịp.... Những loại thuốc này có thể làm giảm hoặc tăng tác dụng của thuốc chống đông. Do vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bầu Đức dự đám cưới Hồng Duy tại Gia Lai.

Hồng Duy tái hợp Hoàng Anh Gia Lai?

GD&TĐ - Hồng Duy và loạt ngôi sao, cựu thành viên của Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG có cơ hội trở lại thi đấu cho đội bóng phố Núi ở mùa giải tới.