Hệ lụy khi tự ý cho trẻ dùng thuốc ho

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh thường cho con uống thuốc ngay khi phát hiện con bị ho.

Sử dụng thuốc kháng sinh không phải là giải pháp ưu tiên khi trẻ bị ho do nhiễm virus. Ảnh minh họa: INT
Sử dụng thuốc kháng sinh không phải là giải pháp ưu tiên khi trẻ bị ho do nhiễm virus. Ảnh minh họa: INT

Trong khi đó, việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ sau khi xác định nguyên nhân gây ho.

Phản xạ có lợi của cơ thể

Thời điểm chuyển mùa, do hệ thống miễn dịch cơ thể còn yếu nên trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, sổ mũi, viêm xoang cấp... Tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), số bệnh nhi đến khám gia tăng trong những ngày gần đây.

Trẻ nhập viện chủ yếu do gặp các vấn đề sốt virus, nhiễm khuẩn đường hô hấp… Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Khám bệnh những ngày gần đây tiếp nhận trung bình khoảng gần 300 lượt khám/ngày liên quan đến các bệnh đường hô hấp.

Song, khi thấy con ốm, sốt, nhiều cha mẹ có thói quen tự mua thuốc điều trị theo kinh nghiệm của bản thân hoặc nghe lời mách bảo của người xung quanh. Thậm chí, không ít trường hợp tự cho trẻ dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc... Nhiều trường hợp còn tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc, sử dụng lại đơn thuốc cũ, lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác dùng, thậm chí còn lấy thuốc của người lớn rồi phân liều cho trẻ uống…

Đặc biệt, nhiều phụ huynh cho rằng, ho là một triệu chứng thường gặp ở trẻ và có thể tự điều trị dễ dàng tại nhà. Đó cũng là lý do không ít cha mẹ tự đi mua thuốc về chữa ho cho con. Song, thực tế, theo các chuyên gia, việc tự ý cho con sử dụng thuốc trị ho là điều không nên làm.

Bác sĩ CK1 Trần Nguyên Khôi - Phó khoa Nội 3 Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, thời tiết thất thường như hiện nay khiến các bệnh lý viêm đường hô hấp ở trẻ em dễ dàng tăng cao. Biểu hiện ban đầu thường gặp nhất là trẻ có triệu chứng ho.

Tuy nhiên, đây là phản xạ có lợi vì làm sạch đường thở, làm long đờm nhầy ra khỏi niêm mạc của trẻ. Ho cũng là triệu chứng của nhiều nguyên nhân gồm: Hô hấp; tim mạch (suy tim trái); tiêu hóa (do trào ngược dạ dày thực quản); tác dụng phụ của thuốc; tâm lý…

Về phân loại có ho khan và ho có đờm. Trong đó, ho khan là ho không có đờm do viêm mũi họng, viêm amidan, viêm tai giữa, nhiễm siêu vi hay trẻ hít phải tác nhân gây kích ứng (khói thuốc lá, phấn hoa, mùi khó chịu…).

Ho có đờm là khi ho có tiết nhiều đờm đặc hoặc loãng do viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi, hen suyễn. Về mức độ ho, nếu trẻ ho dưới 3 tuần được xem là ho cấp tính. Từ 3 - 8 tuần là ho bán cấp tính. Trên 8 tuần trở lên là ho mãn tính.

Hiện thuốc để điều trị ho chia thành 3 loại: Antitussive (chống ho); Protussive (hỗ trợ ho) và Thuốc ho thảo dược. Dựa vào đặc tính của từng loại thuốc và tình trạng bệnh của trẻ, bác sĩ sẽ có phương hướng chỉ định.

“Để tránh các hệ lụy không mong muốn, phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ nếu chưa có sự cho phép của y bác sĩ. Phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp”, bác sĩ Khôi khuyến cáo.

Hậu quả khi sử dụng kháng sinh không cần thiết

Việc điều trị ho ở trẻ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ho. Nếu bệnh đơn thuần như viêm đường hô hấp, viêm phổi… thì các bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh và điều trị hỗ trợ. Để phòng ho cho trẻ, cha mẹ cần giữ ấm cho con, tránh để bị lạnh, bị ẩm đột ngột kéo dài. Giữ vệ sinh sạch sẽ trong việc ăn, ở, tạo môi trường trong lành, tránh ô nhiễm… Nên tránh xa những người bị cảm cúm hay viêm mũi cấp tính.

Đồng quan điểm, bác sĩ CKI Vũ Thanh Tuấn – Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, nhiều phụ huynh thường cho con uống thuốc ngay khi phát hiện con bị ho. Song thực tế, mọi người không nên lạm dụng thuốc, sử dụng bừa bãi.

Trong trường hợp trẻ bị ho do cảm lạnh hoặc viêm họng, mà không có dấu hiệu bệnh nặng hay nguy hiểm như sốt cao, rét run, đau ngực, khó thở, ho khạc ra máu, trẻ ho khạc đờm đặc màu xanh, vàng, nâu... cha mẹ nên tập trung giữ ấm cho con. Đồng thời, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và cho trẻ uống nhiều nước, như nước cam, chanh.

“Sau khoảng 1 tuần chăm sóc, nếu tình trạng ho không giảm, cha mẹ nên cho con đi thăm khám và dùng thuốc giảm ho cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Tuấn chia sẻ. Cũng theo chuyên gia này, ho có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Do đó, cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng ho chứ không nên sử dụng thuốc giảm ho một cách bừa bãi. Tốt nhất là phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn và kê đơn thuốc phù hợp.

Khi cho trẻ dùng thuốc, cha mẹ lưu ý tuân thủ theo đúng liều lượng và thời gian sử dụng mà bác sĩ đã kê. Phụ huynh cũng không tự ý cho trẻ sử dụng 2 loại thuốc cùng lúc. Bác sĩ Tuấn lý giải, trong mỗi loại thuốc đều có rất nhiều thành phần. Vì vậy, việc uống nhiều loại thuốc cùng lúc có thể dẫn tới một hoạt chất thành phần nào đó bị vượt quá liều lượng, gây ra những tác dụng phụ không đáng có.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị ho ở trẻ chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ sau khi xác định nguyên nhân gây ho là do vi khuẩn như viêm họng, viêm phổi, viêm mũi…

Sử dụng thuốc kháng sinh không phải là giải pháp ưu tiên khi trẻ bị ho do nhiễm virus. Bởi, kháng sinh không có tác dụng điều trị với virus. Ví dụ, trẻ bị cảm lạnh hay cảm cúm do virus rhinovirus, influenza, virus hợp bào hô hấp (RSV)… thì việc sử dụng kháng sinh không giúp làm giảm ho cho trẻ.

Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết sẽ gây ra nhiều vấn đề khác cho sức khỏe của trẻ. Trong đó, vi khuẩn có thể trở nên kháng kháng sinh. Điều đó khiến việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trong tương lai trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng…

Lạm dụng kháng sinh còn gây rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột. Một số trẻ có nguy cơ bị dị ứng thuốc kháng sinh có thể gây sốc phản vệ rất nguy hiểm. Đây là tình huống khẩn cấp. Trong trường hợp này, cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất để tiếp nhận cấp cứu và điều trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ