Thời gian qua, ứng dụng công nghệ thông tin, trình chiếu trong dạy học đã phổ biến. Từ việc sử dụng máy chiếu qua đầu hoặc máy chiếu hắt (over head projector) trước đây, đến máy chiếu (projector) và hiện nay là “phổ cập” smart tivi trong các lớp học. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả, người dạy cần cân nhắc nhiều yếu tố.
Lợi ích trong dạy học
Ở Hà Tĩnh, hiện tất cả trường, lớp học đều được phủ sóng Internet, đây là yếu tố thuận lợi để ứng dụng công nghệ thông tin và trình chiếu trong dạy học. Từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến nay hầu hết lớp thực hiện chương trình mới (lớp 1 đến lớp 4) đều có smart tivi để sử dụng trong dạy học.
Dạy học trực tuyến thời Covid đã chuyển từ thách thức thành cơ hội để giáo viên không những sử dụng mà còn sử dụng thành thạo, có kỹ năng tốt hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.
Thực tiễn cho thấy, sử dụng công nghệ thông tin và trình chiếu trong dạy học đã mang lại những hiệu quả thiết thực góp phần thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tính tích cực của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục cho nhà trường.
Mỗi phương tiện đều có ưu điểm và nhược điểm trong quá trình sử dụng để dạy học trên lớp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học trực tuyến thời kỳ dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhận thức, khắc phục được việc học sinh không thể đến trường mà vẫn tham gia học tập hiệu quả.
CNTT và thiết bị trình chiếu ra đời giúp việc học tập trở nên linh hoạt nhờ kết hợp nhiều khả năng của học sinh như nghe, nhìn, phân tích để tiếp thu bài học. Bài học được tóm gọn qua từng trang trình chiếu giúp học trò tiếp cận nhanh; giảm thời gian viết, vẽ trên bảng cho giáo viên, giảm bụi phấn trong lớp học. Tiết học thu hút học sinh với những tài liệu, đoạn phim mà giáo viên tìm kiếm trên mạng thông qua máy tính, điện thoại của mình. Nhờ đó, môi trường học tập phong phú hơn.
Hiện nay, sách mềm của các nhà xuất bản đã hỗ trợ giáo viên toàn bộ nội dung bài học cũng như các hình ảnh, clip minh họa kèm theo giúp giáo viên giảm được nhiều thời gian tìm kiếm và tạo slide trình chiếu. Bên cạnh đó, giáo viên sử dụng các phần mềm hỗ trợ trong dạy học, quản lý học sinh như plickers (kiểm tra kết quả học tập), phần mềm classdojo (quản lý học sinh), các nền tảng kahoot (câu hỏi, trò chơi trắc nghiệm)… Các trò chơi, hình thức khởi động phong phú được trình chiếu với những hình ảnh và âm thanh sống động, vui nhộn giúp học sinh thư giãn sau mỗi tiết học, hoặc có tâm thế thoải mái để bước vào tiết học mới…
Học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Ngô Đức Kế (Can Lộc, Hà Tĩnh) trong giờ học. Ảnh: TG |
Tác hại của việc lạm dụng trình chiếu
Hiện nay, tất cả môn học thuộc các bộ sách của nhà xuất bản được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều có bản điện tử. Bản mềm này giúp giáo viên kết nối smart tivi thuận lợi trong triển khai dạy học. Tuy nhiên, việc lạm dụng trình chiếu đã và sẽ gây một số ảnh hướng xấu đến mục tiêu dạy học.
Do màn hình không đủ lớn, khoảng cách từ chỗ ngồi học đến mỗi học sinh không đều nhau (em cuối góc lớp, em đầu lớp), màu sắc chữ, màu nền trang sách khác nhau, mức độ âm thanh không phù hợp đã ảnh hướng đến các giác quan của học trò. Mắt sẽ hoạt động quá tải và bị căng thẳng, xem trình chiếu quá nhiều làm học sinh có nguy cơ mắc “Hội chứng mắt lười”. Khi gặp tình trạng này, mắt trẻ bị mờ hoặc giảm thị lực mà rất khó thể điều chỉnh được bằng biện pháp đeo kính hay giải pháp khác. Mức độ nghe của học sinh sẽ ảnh hưởng do âm lượng không ổn định từ các lần trình chiếu…
Quá trình giáo viên thường xuyên thao tác trên máy, tập trung cho trình chiếu dẫn đến ít có thời gian tương tác với học sinh. Một số trường hợp giáo viên sẽ mất tính chủ động trong dạy học mà phụ thuộc hoàn toàn vào máy. Đặc biệt một số tiết dạy, giáo viên mất phương hướng, lúng túng khi hoạt động trình chiếu bị trục trặc, hoạt động dạy học bị đình trệ, làm học sinh giảm hứng thú học tập.
Học sinh ít được tương tác với nhau, với giáo viên hơn nên khó bộc lộ được năng lực của mình. Bên cạnh đó, việc giáo viên thường xuyên sử dụng một số phần mềm hỗ trợ tổ chức lớp học, dạy học nhưng theo cách cứng nhắc, quen thuộc cũng ảnh hưởng lớn đến mục tiêu bài dạy.
Ngoài ra, thường xuyên dùng phần mềm Classdojo để chọn nhóm ngẫu nhiên không đáp ứng được mục tiêu của các lần sinh hoạt nhóm. Sử dụng nhiều phần mềm kiểm tra kết quả trắc nghiệm plickers sẽ không nắm chính xác kết quả của toàn lớp khi không thể chụp được cả lớp 1 lần cho nên những em sau sẽ điều chỉnh kết quả theo em trước.
Việc thường xuyên trình chiếu sẽ hình thành ở học sinh thói quen lười/không đọc yêu cầu, hướng dẫn, quan sát trong sách; không tìm kiếm thông tin thông qua tài liệu mà chờ nhìn, nghe từ trình chiếu; không có thói quen rèn luyện phương pháp tự học, tự nghiên cứu, làm việc với tài liệu từ đó mất dần tính chủ động, tích cực, sáng tạo ở học sinh. Thời gian trình chiếu nhiều nên học sinh ít được tương tác với nhau, với giáo viên, chỉ xem, nghe, ít tư duy cho nên không hiểu sâu được vấn đề bài học dẫn đến chóng quên và hạn chế về sử dụng ngôn ngữ giao tiếp.
Với sự hỗ trợ của máy chiếu kết nối với máy tính xách tay, giảng viên có thể khai thác sâu nội dung của bài trong một tiết học. Ảnh: ITN |
Làm gì để tăng hiệu quả?
Sử dụng hợp lý việc trình chiếu sẽ mang lại kết quả tốt trong giảng dạy. Vậy, sử dụng thế nào thì hợp lý là một câu hỏi cần được giải đáp thỏa đáng!
Phải khẳng định giáo án điện tử, sách mềm, CNTT và trình chiếu là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho giáo viên đổi mới tổ chức dạy học, góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh tiếp cận giá trị của nền công nghiệp 4.0 mang lại. Để ứng dụng CNTT, trình chiếu hiệu quả, giáo viên cần sử dụng giải pháp thích hợp, điều chỉnh nội dung, hoạt động trong quá trình dạy học, tránh việc lạm dụng trình chiếu.
Giáo viên cần nắm kỹ, hiểu rõ yêu cầu cần đạt của bài dạy theo quy định chương trình; nội dung điều chỉnh theo kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục được nhà trường phê duyệt; chủ động nắm rõ mức độ nhận thức, tính cách… của từng em trong lớp; cần thiết bị dạy học khác và đồ dùng học tập mà học sinh có. Rà soát thông tin nội dung, ngữ liệu, các clip kèm theo trong bài học (từ sách mềm) từ đó chọn nội dung, ngữ liệu để trình chiếu. Những nội dung, ngữ liệu, hình ảnh chọn để chiếu là tiêu biểu, thiết thực, thật sự hỗ trợ đắc lực, đem lại hiệu quả cho bài giảng và học tập của học sinh.
Luôn có ý thức, đắn đo về việc sử dụng sách mềm, clip cũng như nội dung bản thân xây dựng để hạn chế tối đa việc trình chiếu. Chú trọng đánh giá thường xuyên đối với học sinh, khuyến khích, gợi mở, tạo điều kiện để trò trao đổi, thảo luận với nhau về nội dung học tập; hướng dẫn, khích lệ học sinh đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ một cách thân thiện, cởi mở; quan sát kỹ để phát hiện và thường xuyên trực tiếp hỗ trợ cho học sinh/nhóm học sinh trong thực hiện nhiệm vụ học tập…
Tạo điều kiện cho học sinh làm việc bằng tay trong học tập, giúp các em hình thành kiến thức qua việc tự hoạt động của bản thân và hỗ trợ của bạn bè, giáo viên. Tận dụng tối đa việc tổ chức cho học sinh quan sát, làm việc trên vật thật, mẫu vật, nhất là các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lý; giảm việc trình chiếu các bài tập, nội dung đã có trong sách giáo khoa, tài liệu mà các em có thể nghiên cứu, thảo luận được…
Tổ chức các hoạt động nhóm phù hợp nội dung đơn vị kiến thức của bài học để học sinh thảo luận, trao đổi, tranh biện. Tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài lớp học giúp học sinh nắm bắt, tiếp cận kiến thức tự nhiên, sáng tạo. Nghiên cứu, rà soát nội dung để tăng cường việc tổ chức học sinh đọc yêu cầu, nội dung hướng dẫn có trong sách, tài liệu học tập; giảm bớt việc trình chiếu nội dung đã có trong tài liệu.
Việc nghiên cứu nắm chắc yêu cầu cần đạt của bài học, đối tượng học còn giúp giáo viên làm chủ quá trình tổ chức hoạt động dạy học, không phụ thuộc vào trình chiếu. Chú trọng hướng dẫn, tạo cho học sinh có thói quen, phương pháp tự học, xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân; thói quen tự đánh giá kết quả và tranh biện về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của bạn.
Để giảm ảnh hướng đến thị giác, thính giác của học sinh, giáo viên chú ý điều chỉnh màu sắc, cở chữ, màu nền, âm thanh phù hợp, đảm bảo học sinh nhìn rõ, sáng, không bị nhòe, mờ hình; không bị chóe âm thanh gây khó chịu, ảnh hưởng thính giác học sinh trong lớp và các lớp học xung quanh…
Thuốc dùng để trị bệnh nhưng lạm dụng quá, không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ làm cho bệnh nặng thêm, hoặc có thể phát sinh bệnh mới. Trong dạy học cũng thế, việc lạm dụng các phần mềm, trình chiếu quá mức cũng cản trở mục tiêu dạy phát huy năng lực, phẩm chất người học, giảm hiệu quả dạy học và làm cho học sinh có nguy cơ mắc bệnh học đường.