Sự cố khiến 4 người tử vong tại Công ty Miwon: Trách nhiệm của người sử dụng lao động?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sự cố xảy ra tại Công ty TNHH Miwon Việt Nam khiến 4 người tử vong và 1 người khác bị thương. Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn? 

Chính quyền tỉnh Phú Thọ hỗ trợ thân nhân các nạn nhân gặp nạn.
Chính quyền tỉnh Phú Thọ hỗ trợ thân nhân các nạn nhân gặp nạn.

Trước đó, khoảng 18h ngày 18/7, Công ty TNHH Miwon Việt Nam có thuê một đơn vị môi trường độc lập ở Hà Nội đến vệ sinh hố gas vi sinh của công ty.

Trong quá trình vệ sinh, 2 công nhân của công ty môi trường này bị ngạt khí và đã hô hoán cứu trợ. Nghe thấy tiếng hô hoán dưới hố gas, 3 lao động thuộc bộ phận lò hơi của Công ty TNHH Miwon Việt Nam đang làm việc gần đó đã đến và nhảy xuống ứng cứu. Tuy nhiên, cả 5 người đều bị ngạt khí, ngất đi.

Lực lượng chức năng tiến hành cứu hộ các nạn nhân.

Lực lượng chức năng tiến hành cứu hộ các nạn nhân.

Ngay sau đó, Công ty TNHH Miwon Việt Nam điện báo cho lực lượng chức năng để ứng cứu. Tuy nhiên, 3 người được xác định tử vong trước khi đưa vào bệnh viện, 1 người tử vong tại bệnh viện. Một người đang được cấp cứu, hiện đã qua cơn nguy kịch.

Danh tính các nạn nhân tử vong gồm: Vũ Sao Huỳnh (SN 1984, trú tại phường Dữu Lâu); Lê Hùng Vinh (SN 1980, trú tại phường Thọ Sơn, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ); Trần Văn Thắm (SN 1963, trú tại phường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội); Dương Văn Sau (SN 1984, trú tại thị xã Kinh Môn, Hải Dương).

Nạn nhân bị thương sau vụ việc được xác định là anh Nguyễn Trung Kiên (SN 1987, trú tại xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).

Sau sự cố, anh Kiên được nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Quá trình điều trị, sức khỏe của anh Nguyễn Trung Kiên đã có nhiều tiến triển.

Đây là sự cố rất nghiêm trọng. Sau sự việc, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn lao động.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng Luật sư Trung Hòa – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, bảo vệ người lao động là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của pháp luật trong lĩnh vực lao động.

Trong các quy định của pháp luật lao động, nội dung của nguyên tắc “bảo vệ người lao động” không chỉ bao hàm việc bảo vệ sức lao động, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, mà còn được thể hiện trên nhiều phương diện: nghề nghiệp, thu nhập, tính mạng, danh dự, nhân phẩm... Trong đó vấn đề an toàn lao động luôn là một vấn đề cần được quan tâm hơn hết bởi khi người lao động thực hiện công việc của mình theo hợp đồng lao động sẽ không tránh khỏi những rủi ro dẫn đến tai nạn trong quá trình lao động.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Người lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 đã có quy định rất chi tiết về tai nạn lao động. Theo khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Chính quyền tỉnh Phú Thọ hỗ trợ thân nhân các nạn nhân gặp nạn.

Chính quyền tỉnh Phú Thọ hỗ trợ thân nhân các nạn nhân gặp nạn.

Căn cứ theo Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, khi xảy ra tai nạn lao động thì Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm đối với Người lao động như kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động; Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra;

Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật; Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc; Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.

Trong trường hợp, Người lao động tử vong do tai nạn lao động thì Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm cụ thể như sau:

Thứ nhất, căn cứ theo Điểm b Khoản 4 và Khoản 7 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, Người sử dụng lao động phải thực hiện bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động được thực hiện trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người.

Thứ hai, căn cứ theo Điều 34 và Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 thì trường hợp người lao động chết thì hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động sẽ đương nhiên chấm dứt.

Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên đó là tiền lương mà người lao động chưa nhận và hoàn trả lại sổ bảo hiểm xã hội cùng những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ của người lao động trong thời hạn 14 ngày làm việc, không quá 30 ngày.

Trường hợp này người sử dụng lao động có thể thanh toán tiền lương và hoàn trả lại sổ bảo hiểm xã hội cùng những giấy tờ khác cho người lao động thông qua người đại diện của những người thừa kế khi có văn bản ủy quyền giữa các người ở hàng thừa kế thứ nhất này.

Thứ ba, căn cứ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Người lao động chết thì người thân của họ được hưởng các khoản trợ cấp bao gồm:

Trợ cấp mai táng: Đáp ứng điều kiện tại điểm a khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì được trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.

Luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng Luật sư Trung Hòa – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng Luật sư Trung Hòa – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Trợ cấp tuất hằng tháng: Nếu đáp ứng một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở theo Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Trợ cấp tuất một lần: Nếu thuộc một trong các điều kiện quy định khoản 1 Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức trợ cấp tuất một lần theo Điều 70 luật này.

Đối với Trợ cấp tuất hằng tháng và trợ cấp tuất một lần, thân nhân chỉ sẽ chỉ được hưởng 1 trong 2 loại trợ cấp trên tùy thuộc vào điều kiện đáp ứng của từng loại trợ cấp.

Trợ cấp thôi việc: Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 với điều kiện người lao động đã làm việc từ 12 tháng trở lên.

Như vậy, phía người sử dụng lao động sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản như trên cho Người lao động bị tai nạn lao động đang phải cấp cứu và thân nhân của những người lao động bị tai nạn lao động chết theo quy định của pháp luật.

Khởi tố vụ án Vi phạm quy định về an toàn lao động trong trường hợp nào?

Cũng liên quan đến vụ việc, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc để xem xét trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật.

"Cơ quan điều tra sẽ làm rõ quy trình sản xuất, các loại máy móc thiết bị sử dụng và các yếu tố đảm bảo an toàn được thực hiện như thế nào. Làm rõ những công nhân quản lý vận hành hệ thống máy móc này có được đào tạo, huấn luyện đảm bảo an toàn kĩ thuật hay không? Với những vị trí đòi hỏi chuyên môn, được tập huấn về an toàn lao động thì có tuân thủ quy định về an toàn lao động hay không?

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến hậu quả 4 người tử vong và 1người bị thương thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về an toàn lao động theo quy định tại Điều 195 bộ luật hình sự", Luật sư Cường nói.

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

Theo luật sư Cường, trường hợp kết quả xác minh cho thấy vụ tai nạn xảy ra là ngoài ý muốn, doanh nghiệp này tuân thủ đầy đủ quy định về đảm bảo an toàn lao động, hệ thống máy móc được lắp đặt, vận hành, quản lý sử dụng đúng quy trình, quy định, các công nhân vận hành có chuyên môn phù hợp, được tập huấn đầy đủ về an toàn lao động, có được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động thì trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra.

Luật sư Cường cũng cho hay, ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ những công nhân này có hợp đồng lao động hay không, thực hiện nhiệm vụ, công việc có phù hợp với chuyên môn, trình độ nghiệp vụ và có được trang bị bảo hộ lao động theo quy định hay không? Trong trường hợp có vi phạm dẫn đến tai nạn xảy ra thì người quản lý, doanh nghiệp sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

"Trước tiên, doanh nghiệp này có trách nhiệm hỗ trợ cho gia đình các công nhân gặp nạn chi phí mai táng và hỗ trợ chi phí cứu chữa cho công nhân đang cấp cứu trong bệnh viện, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để xác định nguyên nhân vụ tai nạn, làm căn cứ giải quyết theo quy định pháp luật.

Căn cứ vào kết quả xác minh của cơ quan điều tra thì vấn đề trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật. Song song với việc xác định nguyên nhân sự cố thì doanh nghiệp này cũng phải cần xem xét lại quy trình làm việc, các yếu tố đảm bảo an toàn cho người lao động để tránh những hậu quả đáng tiếc tương tự có thể xảy ra", Luật sư Cường chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ