Qua công tác giám sát phát hiện đang xảy ra sự cố trên tuyến cáp quang biển AAG từ TPHCM đi quốc tế, hiện VNPT đang phối hợp với đối tác quốc tế để xác định nguyên nhân. Tuy nhiên để đảm bảo thông tin liên lạc tai APEC, VNPT đã triển khai ngay các phương án dự phòng để đảm bảo tối đa chất lượng dịch vụ phục vụ hội nghị APEC 2017 và khách hàng.
Các tuyến cáp quang biển còn nằm ở khu vực đứt gãy của thềm lục địa, nên những biến động dưới đáy đại dương đều có thể tác động gây hỏng, đứt cáp.
Về nguyên nhân gây ra sự cố về cáp biển AAG, đại diện VNPT cho biết, hầu hết các tuyến cáp quang biển đều có vị trí cập bờ tại những điểm được coi là trung tâm hàng hải quốc tế và khu vực, như Hồng Kông (Trung Quốc) hay Singapore - nơi có lượng lớn tàu thuyền qua lại, chịu rủi ro lớn khi các tàu trọng tải lớn nhổ neo, cập bến, có thể bị đứt bất cứ lúc nào.
Một số tuyến có điểm cập bờ tại Việt Nam cũng hay bị sự cố. Nguyên nhân do thềm lục địa của Việt Nam nông, nên khi tàu thuyền nhổ neo dễ gây ảnh hưởng đến cáp quang biển.
Hơn nữa, các tuyến cáp quang biển còn nằm ở khu vực đứt gãy của thềm lục địa, nên những biến động dưới đáy đại dương đều có thể tác động gây hỏng, đứt cáp.
Theo đại diện VNPT, đầu tư cho tuyến cáp quang biển tiêu tốn số vốn không nhỏ, lên đến 50 triệu USD, tương đương hơn 1.100 tỷ đồng. VNPT hiện đã đầu tư khoảng 44 triệu USD đầu tư khai thác tuyến cáp quang biển APG, 12 triệu USD cho tuyến AAE-1...
Mỗi lần gặp sự cố, không chỉ khách hàng bị ảnh hưởng về chất lượng kết nối, các nhà mạng cũng chịu thiệt hại đáng kể. Để bảo đảm chất lượng dịch vụ khách hàng, ngay sau khi xảy ra sự cố đứt cáp, các nhà mạng trong nước như VNPT, Viettel, FPT, CMC đều đã thực hiện phương án định tuyến lưu lượng.
“Để sửa chữa, đơn vị quản lý tuyến cáp phải làm thủ tục xin phép nước sở tại, nơi quản lý vùng biển có vị trí cáp bị đứt. Quá trình này phải mất vài ngày, sau đó mới được phép đưa phương tiện vào sửa chữa.
Chưa kể, để duy trì bảo dưỡng hằng năm, các doanh nghiệp trong nước đều phải nộp phí cho đơn vị quốc tế quản lý tuyến cáp (đơn cử VNPT chi 2 triệu USD cho việc bảo dưỡng); và mỗi lần bị đứt cáp hay gặp sự cố, doanh nghiệp khai thác trên tuyến còn phải nộp phí sửa chữa” - đại diện VNPT cho hay.
Tuyến cáp quang biển AAG có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.
Được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang này bắt đầu từ Malaysia và kết thúc cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)...
Đây là lần thứ 5 trong năm 2017 tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố. Bốn lần trước đó lần lượt xảy ra vào các ngày 8/1, 18/2, 27/8 và gần đây nhất là vào ngày 12/10/2017.
Sự cố xảy ra vào sáng ngày 12/10/2017 trên cáp quang biển AAG đã được xử lý xong, khôi phục dung lượng đường truyền trên tuyến cáp vào lúc 23h55 ngày 22/10/2017.