Những khó khăn thực tế trong việc triển khai dạy học trực tuyến
Hình thức dạy học trực tuyến thường áp dụng hiệu quả hơn ở nhóm thanh thiếu niên, và người trưởng thành, những đối tượng người học đã hình thành năng lực tự học và có trình độ nhận thức, kĩ năng CNTT phát triển ở một mức độ nhất định.
Đối với những học sinh nhỏ tuổi, thầy cô phải dành khá nhiều thời gian của buổi học để ổn định lớp học. Các kĩ năng sử dụng máy tính, điện thoại đơn giản để đăng nhập vào phần mềm học trực tuyến, các bạn nhỏ có thể thực hiện thành thạo qua vài buổi phụ huynh kiên trì hướng dẫn; song những sự cố xảy ra bất ngờ như đường truyền kém khiến các em đang học bị gián đoạn hay việc giáo viên phải thay đổi tài khoản lớp học do những vấn đề về kĩ thuật, an ninh khiến các em phải đăng nhập lại vào tài khoản khác, thậm chí phải chuyển buổi học khi chính giáo viên không thể đăng nhập vào lớp được do chất lượng internet không đảm bảo,...
Khi đó, sẽ là không quá nếu ai đó nói rằng “con lên lớp, phụ huynh cũng lên lớp theo”, luôn phải để ý tin nhắn trên điện thoại và giữ kết nối với cô, với con để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh,... và có thể là “cô giáo” giảng giải và hướng dẫn con để hoàn thành nhiệm vụ học tập,... Có thể nói, chưa bao giờ vai trò “phối hợp của gia đình” với thầy cô khăng khít, cập nhật như vậy.
Công việc của giáo viên cũng vất vả hơn. Họ phải nhanh chóng tìm hiểu và bắt nhịp ngay với những yêu cầu của hình thức dạy học mới. Rất nhiều công việc mà nhiều giáo viên trước đây chưa phải thực hiện nhưng nay nó trở thành nhiệm vụ bắt buộc. Các thầy cô phải soạn bài giảng cho phù hợp với thời lượng và hình thức trực tuyến; quay các video hướng dẫn học để gửi cho học sinh; đồng thời phải tăng cường thời gian cho việc đánh giá thường xuyên thông qua các sản phẩm học tập của các con thay vì chủ yếu tập trung đánh giá trong khoảng thời gian trên lớp như trước đây.
Đối với người học ở những độ tuổi lớn hơn, việc dạy học trực tuyến thuận lợi hơn song không có nghĩa là không có những khó khăn. Với các lớp học truyền thống thông thường, thầy cô và học trò tương tác trực tiếp với nhau (face to face) nên người thầy dễ dàng nhận thấy những biểu cảm, sắc diện, các hoạt động của trò để điều chỉnh hoạt động giảng dạy của mình.
Việc trao đổi, phản hồi giữa thầy và trò cũng diễn ra một cách tự nhiên hơn và giúp mang lại hứng thú cho cả người dạy và người học. Trong dạy học trực tuyến, điều này khó hơn rất nhiều. Mọi tương tác diễn ra trên máy tính và đòi hỏi người thầy phải quan sát kĩ lưỡng hơn để nhận biết kịp thời những “tín hiệu” từ học trò chỉ từ cửa sổ chat hoặc hình ảnh từ camera trên màn hình. Trên lớp, học trò thường được yêu cầu tắt mic trong khi thầy giảng và chỉ bật mic lên khi muốn phát biểu để đảm bảo chất lượng âm thanh của lớp học. Đó là chưa kể có những lúc chất lượng đường truyền không tốt, thầy và trò buộc phải tắt hình ảnh đi, khi đó hứng thú giảng dạy và học tập cũng giảm đi.
Ngoài ra, còn nhiều khó khăn khác phải kể đến như việc người học có điều kiện kinh tế khó khăn, không có vô tuyến và máy tính hay điện thoại để học trực tuyến. Hay thầy và trò ở những vùng khó khăn, chưa có Internet hoặc chất lượng mạng Internet kém,....
Những yếu tố cơ bản giúp việc dạy học trực tuyến được hiệu quả
Ngoài các yếu tố thuộc về cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục (như cần có không gian dạy – học riêng; cần có máy tính hoặc điện thoại kết nối với Internet cùng các thiết bị cho phép thu và truyền âm thanh, hình ảnh; và chất lượng mạng Internet) thì việc dạy học trực tuyến được hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào người dạy và người học.
Chúng ta thường nhắc đến vai trò của người dạy trong việc tạo ra một buổi học chất lượng, hiệu quả với những yêu cầu đặt ra là người dạy phải dạy như thế nào để người học muốn học, thích học và dễ dàng tiếp thu, lĩnh hội tri thức để chuyển thành của mình.
Điều này không chỉ đúng với dạy học truyền thống mà còn đúng cả trong hình thức dạy học trực tuyến với những yêu cầu còn cao hơn nữa, đó là: nội dung bài giảng cần cô đọng với những slide đẹp, sinh động; thời gian của mỗi buổi học cũng cần được rút ngắn hơn so với lớp học truyền thống, đặc biệt là với những học sinh nhỏ tuổi; giáo viên cần có “kịch bản” trước cho mỗi buổi lên lớp; tăng thêm nhiều thời gian cho việc trao đổi, thảo luận, giải quyết các nhiệm vụ học tập; kết hợp với những hình thức đánh giá nhanh, phong phú, đa dạng,....
Để làm được điều này, các nhà trường cần tổ chức tập huấn chuyên sâu cho các thầy cô về kĩ năng dạy và quản lý lớp học trực tuyến; xây dựng các diễn đàn và lập các nhóm trên mạng xã hội để thông tin và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa các giáo viên nhằm tạo ra những giờ học sinh động và hứng thú hơn (như việc ứng dụng các phần mềm Kahoot, Quizizz, Padlet,...để tạo các trò chơi kết hợp với việc đánh giá; khai thác các tính năng Grid view trong Google Meet để giúp tăng khả năng bao quát lớp học của giáo viên và tương tác lớp thân thiện hơn; hay việc sử dụng Google Form để cho sinh viên, học viên làm các bài kiểm tra nhanh,...).
Dạy học trực tuyến với lứa tuổi mầm non và tiểu học sẽ không thể hiệu quả nếu không có sự trợ giúp và giám sát tích cực của phụ huynh. Với những lứa tuổi lớn hơn, việc dạy học trực tuyến lại đòi hỏi người học phải rất tự giác và kỉ luật.
Chúng ta đều biết, học là nhu cầu tự thân của mỗi người, không thể ép buộc, hay nói vui là “nhét chữ vào đầu người học” được. Nếu bản thân người học không muốn học và không tích cực trong học tập thì hẳn là việc dạy học sẽ thất bại.
Người học cần nghiên cứu trước nội dung bài học đã được giảng viên gửi để chủ động trong việc tham gia các hoạt động học tập trên lớp theo sự dẫn dắt của giảng viên và tránh những khoảng “thời gian chết” ở lớp học trực tuyến. Người học cũng cần thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ học tập trong và sau các buổi học để thông qua đó giảng viên có thể đánh giá được chất lượng dạy và học để có những điều chỉnh kịp thời.
Thông điệp gửi gắm tới các vị phụ huynh và người học
Dịch bệnh covid đã đặt cả thế giới vào một bối cảnh mới. Nhiều việc chưa từng nghĩ, chưa từng làm thì nay chúng ta đã phải đối mặt và giải quyết. Dạy học trực tuyến tuy không mới và xa lạ song trong những tình huống bất ngờ và khẩn cấp như thế này, ít nhiều cả người dạy, người học, nhà quản lý và phụ huynh đều gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc học tập của mỗi cá nhân đã trở nên quan trọng tới mức có lẽ nhu cầu này chỉ xếp sau những nhu cầu thiết yếu nhất để tồn tại của con người. Biện pháp giãn cách xã hội để chống “giặc covid” mà Việt Nam thực hiện đã và đang chứng minh được tính hiệu quả và được bạn bè thế giới khâm phục, ngưỡng mộ.
Dạy học trực tuyến được xem là giải pháp phù hợp nhất hiện nay nhằm đảm bảo “giãn cách xã hội” nhưng “không dừng học”. Và để việc dạy học trực tuyến được hiệu quả, không cách nào khác là phụ huynh – nhà trường– người học và toàn xã hội cần quyết tâm, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn.
Những kiến thức được truyền tải tới học sinh, sinh viên, học viên qua lớp học trực tuyến có thể chưa thật đủ đầy so với lớp học truyền thống nhưng cái mà người học có được là sự cải thiện kĩ năng công nghệ thông tin; hình thành và phát triển năng lực tự học; năng lực giải quyết vấn đề; tính độc lập,... – những năng lực, phẩm chất mà họ chưa có điều kiện để rèn luyện và phát huy tốt trong bối cảnh thông thường.