Statecraft: Kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine là viển vông

GD&TĐ - Trang tin uy tín Mỹ là Statecraft có bài viết cho biết, bản “Kế hoạch hòa bình” gồm 10 điểm của Ukraine là viển vông, Kiev sẽ không đạt được mục đích.

Statecraft: Kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine là viển vông

“Kế hoạch hòa bình” gồm 10 điểm của Ukraine, trong đó kêu gọi Nga rút toàn bộ quân khỏi nước này và xét xử các quan chức Điện Kremlin sẽ dễ được ủng hộ hơn khi Kiev vẫn đang chiếm ưu thế trên chiến trường, nhưng giờ đây nó sẽ không thể thực hiện được.

Cổng thông tin “Nghệ thuật lãnh đạo” (Statecraft) có bài viết cho rằng, “hội nghị hòa bình” về Ukraine, sẽ được tổ chức tại Bürgenstock-Thụy Sĩ (nhưng không có sự tham dự của Nga), khó có thể dẫn đến kết quả mà các nhà tổ chức mong đợi. Và có một số lý do cho việc này.

Theo bài viết, bản “Kế hoạch hòa bình” gồm 10 điểm của Ukraine, trong đó kêu gọi Nga rút toàn bộ quân khỏi nước này và xét xử các quan chức Điện Kremlin sẽ dễ được ủng hộ hơn khi Kiev vẫn đang chiếm ưu thế trên chiến trường, nhưng giờ đây nó sẽ không thể thực hiện được.

Statecraft nhấn mạnh rằng, sau một năm rưỡi bế tắc, lợi thế quân sự giờ đây đã chuyển sang hướng có lợi cho Nga, khiến các yêu cầu của Ukraine, giống như chính cuộc gặp thượng đỉnh này, dường như là điều hết sức viển vông.

Đây có thể là một lý do khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden từ chối yêu cầu tham dự cuộc họp của người đồng cấp Ukraine Vladimir Zelensky, thay vào đó chọn đi tới California để gây quỹ tranh cử.

Các quan chức Mỹ hiện nay ngày càng thừa nhận rằng quan điểm về cuộc chiến và lợi ích của Mỹ và Ukraine đang “khác nhau” khi Kiev nhất quyết đòi NATO tham gia trực tiếp vào cuộc chiến với Nga.

Tại thời điểm này, Ukraine không còn gì để mất nếu leo ​​thang chiến tranh với Nga nhưng Washington thì không muốn gây ra một cuộc xung đột quân sự trực tiếp có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân với Moscow, điều mà ông Biden không thể nói với “người bạn Zelensky”.

Mặc dù Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã cam kết sẽ tham dự, nhưng họ không có quyền quyết định như vị nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ.

Ngoài ra, đại diện của Liên bang Nga hoàn toàn không được mời tham gia đàm phán, mà theo giới chuyên gia, sự vắng mặt của chính một bên tham chiến sẽ khó có thể dẫn đến bất cứ một thỏa thuận ngừng bắn nào, chứ đừng nói là một hiệp định hòa bình.

Sự vắng mặt của đại diện chính quyền Moscow cũng đã khiến Bắc Kinh bỏ qua hội nghị, ngay cả khi đại diện của Trung Quốc trước đó đã tham dự các cuộc họp về Ukraine, mà nước này hiện cũng là một cường quốc có tiếng nói quan trọng trong chính trường quốc tế.

Theo Statecraft, Thụy Sĩ từng trung lập không che giấu mong muốn trừng phạt Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Nước này đã ký kết các lệnh trừng phạt của phương Tây, cấm máy bay Nga bay qua lãnh thổ của mình - một bước tiến quan trọng, vì nước này đã bị bao vây hoàn toàn bởi các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu, vốn từ lâu đã cấm các chuyến bay của Nga.

Những quyết định này khiến Điện Kremlin không thấy có hy vọng nào về một sự trung gian hòa giải từ Thụy Sĩ, nên nhìn chung, hội nghị thượng đỉnh này cũng sẽ biến thành một diễn đàn phương Tây ủng hộ Ukraine và lên án Nga, điều sẽ không mang lại bất cứ hy vọng hòa bình nào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.