Sốt xuất huyết 'leo thang'

GD&TĐ -Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (tính từ ngày 27/6 đến 1/7), trên địa bàn thành phố ghi nhận 52 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện. Con số này tăng 2,3 lần so với tuần trước đó. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 175 ca mắc sốt xuất huyết, nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp sốt xuất huyết trở về từ phía Nam.
Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp sốt xuất huyết trở về từ phía Nam.

Số mắc tăng

Thời gian qua, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương... đã ghi nhận các ca sốt xuất huyết diễn biến nặng (sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi...) có yếu tố dịch tễ trở về từ các tỉnh phía Nam.

Kết quả xét nghiệm định type virus từ đầu năm đến nay ghi nhận một trường hợp nhiễm type DENV2 tại quận Ba Đình và một trường hợp nhiễm type DENV1 tại Đống Đa.

Vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị một bệnh nhân nam 38 tuổi, quê ở Bình Định, làm nghề lái xe đường dài chạy tuyến Nam - Bắc. Trước khi thực hiện chuyến đi từ Long An đến cửa khẩu Lạng Sơn, bệnh nhân đã sốt.

Khi đến đây, bệnh nhân sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật. Bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn và sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, rối loạn ý thức.

Tại Trung tâm Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm cho thấy có dương tính với sốt xuất huyết Dengue, tiểu cầu hạ 70 G/L.

“Kết quả xét nghiệm dịch não tủy và chụp cộng hưởng từ sọ não thể hiện đây là trường hợp sốt xuất huyết có biểu hiện viêm não - màng não”, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết. Theo chuyên gia này, đây là một biến chứng nặng, ít gặp.

Theo TS Ngô Chí Cương – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, tại Việt Nam, bệnh thường tăng vào mùa mưa. Đặc điểm chủ yếu của bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết, thoát huyết tương, sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu suy tạng khi trở nặng. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Diễn biến bệnh ở người mang thai cũng tương tự người không mang thai. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất là giai đoạn bệnh nhân mắc sốt xuất huyết khi chuyển dạ 3 tháng cuối.

Khi đó, người bệnh có nguy cơ băng huyết, chảy máu khi chuyển dạ. Do đó, phụ nữ có thai 3 tháng cuối bị sốt xuất huyết rất đáng lo ngại, cần nhập viện theo dõi.

Phân biệt với Covid-19

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trong thời gian tới, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ngành Y tế thành phố tiếp tục giám sát, điều tra xử lí kịp thời ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm khác.

Cùng với đó, giám sát, đánh giá định kỳ các chỉ số côn trùng, giám sát vệ sinh môi trường tại khu vực ổ dịch cũ, ổ dịch phức tạp. Từ đó, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch. Không để dịch lây lan và bùng phát tại cộng đồng.

Theo TS Cương, Covid-19 vẫn đang tiếp diễn. Do đó, việc phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19 là vô cùng cần thiết. Chuyên gia này cho biết, trong trường hợp sốt tại nhà, người bệnh có thể tự test Covid-19.

Nếu âm tính, người bệnh cần tới cơ sở y tế thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân. Ngược lại, nếu dương tính với Covid-19, bệnh nhân có thể tự theo dõi tại nhà.

Cả sốt xuất huyết và Covid-19 đều có triệu chứng giống nhau như: Sốt, đau đầu, đau mỏi. Tuy nhiên, Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn. Người bệnh có thể ho, khó thở, ngạt mũi… Trường hợp nặng hơn là viêm phổi và suy hô hấp.

Trong khi đó, sốt xuất huyết là bệnh lây qua đường máu do muỗi truyền. Bệnh nhân sẽ xuất huyết da xung huyết, mặt và cùng mạc mắt đỏ. Nặng hơn có nguy cơ xuất huyết, sốc do máu bị cô đặc.

“Sốt xuất huyết được điều trị triệu chứng do không có thuốc đặc trị. Quá trình điều trị từ 7 – 10 ngày. Tỷ lệ tử vong dưới 1%. Bệnh nhân được điều trị tại nhà khi ở giai đoạn 1 – 3 ngày đầu. Tuy nhiên, bệnh nhân cần có kế hoạch điều trị, theo dõi, tái khám.

Trong khi đó, người nhiều bệnh nền, phụ nữ có thai 3 tháng cuối nên cân nhắc nhập viện để theo dõi. Lưu ý khi sốt, bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ dùng paracetamol 500mg, không dùng các chất như aspirin, ibuprofen…”, TS Cương khuyến cáo.

Bên cạnh đó, trường hợp phải truyền dịch cần nhập viện. Một số dấu hiệu phải truyền dịch gồm: Lừ đừ, không uống được nước, nôn ói nhiều, đau bụng nhiều, có dấu hiệu mất nước…

Qua nhiều trường hợp sốt xuất huyết do có yếu tố dịch tễ từ miền Nam - nơi dịch đang lưu hành, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người... cần phải đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm. Nhờ đó, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời.

Tránh những biến chứng của sốt xuất huyết như sốc, suy đa tạng, chảy máu. Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt khi đi du lịch, như: Mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.