Phòng hơn chống
Là nhà giáo, đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) bày tỏ phẫn nộ khi đọc được thông tin nam thanh niên xông vào trường học ở Thanh Hóa làm loạn, gây hậu quả nghiêm trọng. Đại biểu cho rằng, với những đối tượng này, cần xử lý thật nghiêm trước pháp luật để bảo đảm công bằng xã hội.
Cũng theo đại biểu, vụ việc này cho chúng ta bài học về vấn đề an toàn trường học. Trước hết, nhà trường cần nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng chống tội phạm. Đồng thời trang bị cho giáo viên, học sinh kỹ năng đối phó khi có tình huống xấu bất ngờ xảy ra. Các nhà trường cũng cần lưu ý, tuyệt đối không cho người lạ mặt vào nhà trường. Ngoài ra, các trường cũng nên lắp hệ thống camera để quan sát, đề phòng những tình huống bất ngờ. Quan điểm là phòng hơn chống.
Cho rằng, bảo đảm an toàn trường học cần có giải pháp căn cơ và không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, đại biểu Châu Quỳnh Dao nhấn mạnh: Vấn đề này, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng. “Chẳng hạn, tăng cường tuần tra, kiểm soát xã hội, trong đó có khu vực trường học. Mặt khác, địa phương cần nắm rõ và quản lý chặt chẽ những đối tượng nghiện hút ma túy và các thành phần bất hảo, nhằm chủ động đề phòng hậu quả xấu do các đối tượng này gây ra”.
Bàng hoàng và phẫn nộ khi biết được vụ việc thương tâm ở Trường Tiểu học Đồng Lương, đại biểu Quốc hội Ka H’Hoa (đoàn Đắk Nông) cho biết: Với những đối tượng này không thể dung thứ, thậm chí là tình tiết tăng nặng khi xử lý vụ án. “Bản thân tôi cũng là giáo viên, nên rất hiểu và mong muốn có môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh” - đại biểu Ka HHoa chia sẻ.
Trách nhiệm không của riêng ai
Theo đại biểu Ka H’Hoa, từ vụ việc ở Trường Tiểu học Đồng Lương mới thấy, vấn đề an toàn trường học quan trọng như thế nào. Tuy nhiên, đáng tiếc là vì nhiều lý do khác nhau mà ở nhiều trường vùng nông thôn, vùng khó khăn, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chẳng hạn như nhiều trường vẫn chưa có hệ thống tường rào, cổng trường vẫn còn tạm bợ, việc phụ huynh và người dân ra vào trường còn tự do... Đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, cần sớm khắc phục vấn đề này. Đặc biệt, các nhà trường cần tuyệt đối không cho người lạ vào trường học và nên xây dựng quy chế ra vào nhằm bảo đảm an toàn, an ninh.
Đến từ Học viện Tư pháp, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) bày tỏ bất bình, bức xúc và lên án mạnh mẽ hành vi của nam thanh niên xông vào trường học ở Thanh Hóa làm trọng thương GV và một số HS, trong đó khiến một em tử vong.
Nhân đây, tôi cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền, xem xét vị trí việc làm của nhân viên bảo vệ trường học, bởi công việc của họ rất quan trọng. Cần có chế độ thỏa đáng, hợp lý đối với đội ngũ nhân viên này.
Theo đại biểu, với những đối tượng nêu trên, nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cần xử lý hành chính một cách nghiêm khắc cả về hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người và hành vi xâm phạm an toàn, trật tự công cộng, bao gồm hình thức xử phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả.
Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, tội cố ý gây thương tích, tội gây rối trật tự công cộng, tội giết người. Ngoài hình phạt chính với tội; cố ý gây thương tích có thể bị phạt đến tù chung thân; tội gây rối trật tự công cộng có thể bị phạt đến 7 năm tù, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 - 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề; làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản và biện pháp tư pháp buộc phải bồi thường thiệt hại.
Nhân vụ việc này, đại biểu đề nghị các cơ sở GD cần nâng cao cảnh giác, có biện pháp ngăn chặn các hành vi gây rối trật tự, làm mất an toàn khu vực trường học. Theo đó, các trường cần phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở GD trong việc bảo đảm môi trường GD an toàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời thiết lập các kênh thông tin: Hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát... Qua đó chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin có thể gây mất an toàn cho nhà trường.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng đề nghị, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tệ nạn ma túy, chú ý đến tác hại và xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp, chất hướng thần và một số chất ma túy mới. Ngoài ra, cần chủ động nắm tình hình, tổ chức đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm ma túy. Đồng thời tổ chức quản lý chặt chẽ người nghiện; thực hiện có hiệu quả việc rà soát, thống kê, phân loại người nghiện ma túy trên địa bàn. Mặt khác, hỗ trợ, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý sau cai tại cộng đồng, phòng ngừa tái nghiện. Qua đó, nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội nói chung và môi trường sư phạm nói riêng.