Soóng cọ - điệu hát độc đáo của người Sán Chỉ

GD&TĐ - Soóng cọ là loại hình dân ca được thực hành và gìn giữ suốt nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Sán Chỉ.

Nam nữ hát soóng cọ. Ảnh: T.H
Nam nữ hát soóng cọ. Ảnh: T.H

Soóng cọ là loại hình dân ca được thực hành và gìn giữ suốt nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Sán Chỉ.

Đặc biệt, ngày 10/11/2023 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3421/QÐ-BVHTTDL công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sợi dây gắn kết cộng đồng

Người Sán Chỉ (cùng với người Cao Lan thuộc dân tộc Sán Chay) chiếm 11,2% người dân tộc thiểu số, cư trú phần lớn ở các huyện miền núi Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà của tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với việc bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua ngôn ngữ, trang phục, tập quán, lao động, hát soóng cọ được giữ gìn và trở thành nhận diện văn hóa đầy tự hào của người Sán Chỉ.

Soóng cọ phát âm theo tiếng Sán Chỉ có nghĩa là ca hát, hát xướng, giao duyên. Đây là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian có tính cộng đồng, trải dài trong suốt cuộc đời người Sán Chỉ.

Xã Húc Động, huyện Bình Liêu có 82% dân cư là người Sán Chỉ, là nơi lưu giữ và bảo tồn nghệ thuật dân gian hát soóng cọ lâu đời nhất tại Quảng Ninh. Tại đây, hầu hết từ người già đến thanh niên và trẻ em đều ngâm nga khúc soóng cọ như một thói quen không thể thiếu hàng ngày.

Người Sán Chỉ tại Bình Liêu rất say mê ca hát và ví soóng cọ là điệu hát gửi gắm hết thảy lòng mình, là lời tự tình trai gái giao duyên. Qua điệu soóng cọ, thanh niên giao lưu học hỏi, đôi lứa đang yêu dùng lời hát để thể hiện tâm tư, gửi gắm tình cảm đến người thương. Người già trong thôn bản dùng lời hát để răn dạy con cháu những bài học làm người.

Soóng cọ có thể hát quanh năm, hát bất kỳ đâu mỗi khi có dịp như tại đám cưới, ăn nhà mới, các ngày hội, hát chủ đề về các loại hoa, 12 tháng trong năm hay đơn giản chỉ là hát cho nhau nghe mỗi khi nông nhàn. Người từ thôn bản này sang thôn bản khác chơi hoặc cứ khách lạ đến là mọi người lại hò nhau quây quần, hát điệu soóng cọ bên bếp lửa bập bùng.

Ông Nình Văn Phúc (60 tuổi, xã Húc Động) cho biết, điệu hát soóng cọ đã có rất lâu, khoảng hơn 300 năm trước, bản thân ông biết hát soóng cọ từ bé, được nghe các cụ hát nhiều thành quen, rồi dần hát theo và thuộc hết các bài. Ngày trước không có phương tiện liên lạc như bây giờ, nam nữ sang nhà nhau dùng lời hát soóng cọ để thông tin thay lời muốn nói.

“Trước kia ở nhà sàn, nam nữ tụ tập ứng tác giao duyên bằng hát soóng cọ, có khi hát 3 ngày 3 đêm không hết, hát từ đêm tới sáng, hát ở nhà xong rồi tiễn nhau lên đồi hát tiếp. Nam nữ ngồi cách vách, nam phòng ngoài, nữ phòng trong, hát đối đáp nhau qua vách gỗ hoặc vách tre. Có người hát cho nhau nghe nhiều lần vẫn chưa biết mặt nhau, có đôi trai gái nhờ hát soóng cọ mà nên vợ thành chồng”, ông Phúc nói.

Anh Trạc A Thìn (41 tuổi), một trong những người hát hay nhất xã Húc Động kể, anh biết hát soóng cọ từ năm 17 tuổi. Thời đó, buổi tối nam nữ cầm đèn pin, rủ nhau ra đường hát đối đáp đến 22 giờ, có khi đến tận 1 - 2 giờ sáng.

Sinh ra và lớn lên tại Bình Liêu, là người Sán Chỉ, anh Thìn say mê khúc hát soóng cọ, bản thân biết hát đến trăm bài. Đi gặp bạn cũng hát, ăn cỗ cũng hát, nhất là đi hội Tết vừa đánh quay vừa hát soóng cọ, thi xem ai hát nhiều, hát hay. Nếu gặp được người vừa ý, khúc hát càng trở nên mượt mà, đằm thắm.

Lời ca soóng cọ thường được hát theo thể thơ thất ngôn, tứ tuyệt, tức là mỗi bài có 4 câu, mỗi câu có 7 chữ. Ca từ sử dụng trong hát soóng cọ rất mộc mạc, gần gũi với những hình ảnh ví von quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, gắn với núi rừng, cỏ cây, hoa lá, mạch suối nguồn.

Thời chiến tranh, câu hát soóng cọ có khi chỉ là lời chào nhau trước khi đi nhập ngũ, hẹn chiến thắng sẽ trở về. Thời nay, nam nữ hát soóng cọ giao duyên cũng vẫn bình dị mà sâu lắng: “Em nói yêu anh chỉ là nói. Anh nói yêu em mới thật lòng. Em nói yêu anh, em còn ăn cơm. Anh nói yêu em, anh nhịn đói”.

“Khúc hát soóng cọ là mời gọi, ướm hỏi nên mở đầu sẽ đi vòng lượn gợi ý kéo dài, sau mới vào nội dung chính. Ngày xưa điệu hát dài, khó hát ở những chỗ luyến láy, ngày nay câu từ đơn giản hơn, bài hát ngắn hơn, chỉ một phút mỗi bài”, anh Thìn nói.

Có 3 hình thức là hát ban ngày (Pẹc nhật cọ), hát ban đêm (Nhạp sụn cọ) và hát cả ngày lẫn đêm trong đám cưới (Cháu thang cọ). Các hình thức này khác nhau ở tiết tấu mà người Sán Chỉ gọi là bài có “thang” và bài có “nhậy”. Hát ban đêm sẽ dài hơn hát ban ngày, tạo nên sự mênh mang trải dài tha thiết.

Không có bất cứ nhạc cụ nào đi kèm, điệu soóng cọ đi vào lòng người chỉ bằng lời ca, tiếng hát được ứng tác nhịp nhàng, thi vị như những vần thơ đầy xúc cảm. Khúc tự tình thiết tha của người Sán Chỉ vang vọng nơi núi rừng bát ngát, vắt vẻo vạt nương đồi, bên bờ suối, hòa với tiếng thác reo vui mỗi độ Xuân về.

Điệu hát lớn lên, trưởng thành, gắn bó với người Sán Chỉ trong mọi hoạt động đời sống xã hội, là tiếng lòng không thể tách rời. Hát soóng cọ đã trở thành món ăn tinh thần quý giá, là niềm tự hào, là sợi dây để gắn kết cộng đồng của người Sán Chỉ.

Các chàng trai, cô gái quây quần hát soóng cọ bên bếp lửa hồng. Ảnh: T.H

Các chàng trai, cô gái quây quần hát soóng cọ bên bếp lửa hồng. Ảnh: T.H

Anh Trạc A Thìn (thứ 2 từ phải sang) và chị Lục Thị Cọm (thứ 2 từ trái sang) trong hội hát soóng cọ. Ảnh: T.H

Anh Trạc A Thìn (thứ 2 từ phải sang) và chị Lục Thị Cọm (thứ 2 từ trái sang) trong hội hát soóng cọ. Ảnh: T.H

Nỗ lực bảo tồn

Chị Lục Thị Cọm (41 tuổi), là người hát soóng cọ ăn ý nhất với anh Trạc A Thìn tại xã Húc Động cho biết, ngày nay từ thế hệ 9X trở ra dần ít biết hát soóng cọ. Với sự phát triển của mạng xã hội cùng nhịp sống hiện đại khiến hát soóng cọ cũng ít nhiều mai một, nhất là với thế hệ học sinh ngày nay.

Từ năm 2021 đến nay, chị Lục Thị Cọm và anh Trạc A Thìn được mời đến dạy hát soóng cọ cho học sinh tiểu học, THCS trên đại bàn xã Húc Động. Mỗi năm xã tổ chức được một lớp khoảng 40 học sinh tham gia và học vào buổi tối trong khoảng 3 tháng.

“Các trường chọn những học sinh có năng khiếu và thích hát soóng cọ để mở lớp. Dạy hát soóng cọ cho học sinh khó nhất là dạy thuộc lời. Thầy phải viết lời bài hát lên bảng, mặc dù viết bằng chữ Sán Chỉ nhưng một số chữ trong câu hát không có chữ cái, phải đánh dấu tạm. Do vậy, nhiều khi học sinh phát âm không chuẩn”, anh Thìn nói.

Anh Thìn thường đến tận nhà các cụ cao tuổi hát soóng cọ lâu năm, ghi chép lại các bài hát từ xa xưa vào sổ, lấy tài liệu để dạy cho lớp học. Ngoài dạy hát soóng cọ cho học sinh, chị Cọm và anh Thìn còn truyền nghề cho bất cứ ai yêu thích loại hình nghệ thuật dân gian này.

Cùng với các thành viên trong câu lạc bộ hát soóng cọ, chị Cọm và anh Thìn thường xuyên tham gia hát trong các ngày hội của xã, huyện và giao lưu hát với khách du lịch.

Nhằm bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc lâu đời của người Sán Chỉ, từ năm 2005, huyện Bình Liêu đã khôi phục và tổ chức thành công ngày hội hát soóng cọ, trở thành 1 trong 3 lễ hội văn hóa chính của địa phương.

Hội được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, còn được gọi là hội hát mùa Xuân, là dịp chào đón đồng bào Sán Chỉ từ mọi miền Tổ quốc và du khách đến giao lưu nghệ thuật văn hóa hát soóng cọ.

Các đôi trai gái Sán Chỉ hát giao duyên trong ngày hội soóng cọ. Ảnh: T.H

Các đôi trai gái Sán Chỉ hát giao duyên trong ngày hội soóng cọ. Ảnh: T.H

Việc khôi phục và tổ chức các hội hát soóng cọ đã đưa loại hình nghệ thuật dân gian này không chỉ bó hẹp trong không gian núi rừng, mà đã được mở rộng qua các hình thức sinh hoạt cộng đồng, nơi đông người. Hát soóng cọ trở thành biểu tượng nhận diện văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, giúp xây dựng những sản phẩm du lịch giàu tính trải nghiệm cho địa phương.

Ông Tô Văn Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết, hát soóng cọ của Bình Liêu nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia sẽ là cơ sở tốt để địa phương thực hiện các bước tiếp theo nhằm bảo tồn và phát huy loại hình dân ca của người Sán Chỉ.

Dự kiến trong thời gian tới, căn cứ theo chủ đề công tác năm của tỉnh và kế hoạch của huyện, Trung tâm Truyền thông Văn hóa sẽ chủ trì, phối hợp với các nghệ nhân người Sán Chỉ đẩy mạnh truyền dạy hát soóng cọ cho các câu lạc bộ xã Húc Động và cho học sinh Sán Chỉ trên địa bàn huyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.