Bà Hồ Thị Minh, Phó Ban Dân tộc tỉnh Quảng trị, Đại biểu Quốc hội khóa XV: Sử dụng hiệu quả nguồn lực “máy tính cho em” trong bối cảnh mới
Bà Hồ Thị Minh. |
Cách đây hơn 1 năm (ngày 12/9/2021), Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được phát động. Chương trình được xây dựng, triển khai với mục đích nhân văn là hỗ trợ HS, đặc biệt trò ở vùng dịch Covid-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Vì nhiều lý do, hiện nay một số tỉnh, thành đang thực hiện các thủ tục để mua máy tính. Có ý kiến băn khoăn: Dịch bệnh đã được kiểm soát, HS đi học bình thường trở lại, việc cấp phát máy tính cho HS có cần thiết?
Tôi cho rằng, dù không còn học online, nhưng việc HS có công cụ máy tính để phục vụ học tập vẫn cần thiết trong thời đại 4.0; đặc biệt bối cảnh ngành Giáo dục đang đổi mới căn bản, toàn diện và thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi số.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, đối tượng sử dụng nguồn lực này cũng nên có những thay đổi cho phù hợp.
Chúng ta vẫn phải có sóng, máy tính cho trẻ vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số. Như vậy, các em mới có cơ hội học tập như HS ở đồng bằng. Nên ưu tiên HS THPT, vì các em đã lớn, có ý thức sử dụng hiệu quả máy tính. HS THCS, tiểu học còn nhỏ, ý thức sử dụng, bảo quản thiết bị chưa tốt. Chưa nói đến mặt trái của công nghệ, khi các các em chưa đủ kỹ năng lựa chọn, tiếp cận thông tin dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin trái chiều trên Internet, mạng xã hội…
Các địa phương cần sử dụng hiệu quả nguồn lực “sóng và máy tính cho em”. Hiện, nhiều trường học khu vực vùng khó, miền núi không có phòng Tin học. Trường nào có cũng chỉ ở con số 10 máy tính, trong khi bình quân một lớp vài chục HS. Triển khai Chương trình GDPT 2018, môn Tin học trở thành bắt buộc từ lớp 3 nên trang bị phòng Tin học càng cấp thiết. Bên cạnh đó, các trường dân tộc nội trú cấp tỉnh quy mô từ 400 đến 500 HS nhưng chỉ có 1 phòng học Tin học với 12 - 15 máy. Vậy nên một buổi học, 2 - 3 em sử dụng chung 1 máy trong giờ (như Trường Phổ thông DTNT Quảng Trị hiện nay). Còn nhiều trường miền núi, muốn có phòng Tin học, nhà trường, thầy cô phải đi kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân.
Do đó, theo tôi, trước mắt nên đầu tư cho phòng Tin học của các nhà trường đạt chuẩn để tất cả HS đều được thụ hưởng. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm trường dân tộc nội trú, vì đây chính là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số.
Ông Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre: Duy trì hai hình thức dạy học
Ông Võ Văn Bé Hai. |
Thời gian qua, HS Bến Tre được thụ hưởng hiệu quả từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Cho đến nay, toàn tỉnh nhận được 2.662 máy (từ 2 đơn vị tài trợ do Bộ GD&ĐT thông báo); huy động bằng tiền mặt, thực hiện mua sắm 937 máy; từ các tổ chức, cá nhân, nhà tài trợ 494 máy. Ngoài ra, địa phương đã nhận kinh phí hỗ trơ là trên 3,7 tỷ đồng, thực hiện đấu thầu mua sắm 937 máy tính bảng.
Từ tháng 6/2021 đến cuối năm 2021, do dịch bệnh căng thẳng, toàn tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 nhưng năm học vẫn phải tiến hành với hình thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình cho các cấp học. Máy tính được hỗ trợ từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” góp phần giúp học trò Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ năm học. Tuy nhiên, một số HS khó khăn chưa nhận được thiết bị, hoặc thời gian đầu chưa đáp ứng kịp các thiết bị nên dạy - học trực tuyến cũng bị ảnh hưởng. Một số nơi ở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn về truy cập mạng…
Sau khi hết giãn cách theo Chỉ thị 16, máy tính bảng vẫn được HS sử dụng để học trực tuyến (kết hợp học trực tiếp theo chỉ đạo chung của ngành). Cùng với đó, thực hiện lớp học ảo, làm một số bài tập online do GV bộ môn đề xuất, làm bài thi online... Bài dạy được GV đưa lên hệ thống LMS, HS vào xem lại bài, những vấn đề chưa rõ trên lớp để nghiên cứu thêm. Bài tập về nhà cũng được GV đưa lên hệ thống, HS vào đó làm (không phải in tài liệu, bài tập đem về nhà làm). Máy tính còn giúp các em tìm tài liệu phục vụ học tập trên kho tài nguyên của sở GD&ĐT; góp phần thực hiện chuyển đổi số của ngành GD-ĐT thông qua các nội dung có liên quan đến HS như sổ liên lạc điện tử...
Khi dịch Covid-19 được khống chế, các thiết bị nói chung, máy tính bảng nói riêng tiếp tục được sử dụng cho việc học tập, như phụ đạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, tìm tài liệu, trao đổi chuyên môn, liên lạc giữa nhà trường và gia đình. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục tại Bến Tre xác định sẽ duy trì hình thức dạy - học trực tuyến trong năm học 2022 - 2023. Nội dung này đã được chỉ đạo trong nhiều văn bản, như: Kế hoạch số 2889/KH-UBND về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và trong dạy học góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ thị 03/CT-UBND về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023; Kế hoạch 3710/KH-UBND triển khai ứng dụng nền tảng dạy học trực tuyến tới 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Công văn số 2232/SGD&ĐT-GDTrH-TX hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, trong đó có nội dung “phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến”.
Nhìn chung, việc trang bị các thiết bị để HS học tập rất hiệu quả, mang lại hiệu ứng tích cực, là cơ hội để thực hiện chuyển đổi số tốt hơn. Vì thế, cần tiếp tục trang bị máy tính bảng để làm động lực thúc đẩy đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy - học. Ứng dụng CNTT vào giảng dạy và học tập là xu thế tất yếu, có vai trò quan trọng, đem lại lợi ích nhất định cho các cá nhân, tập thể và toàn xã hội. Bởi vậy, Bến Tre đề xuất tiếp tục hỗ trợ thiết bị cho HS nghèo, khó khăn để duy trì việc học tập trong tình hình mới. Các nhà mạng quan tâm đến việc phủ sóng rộng khắp để HS vùng sâu, xa dễ dàng truy cập thông tin phục vụ cho việc học tập.
Cô Nguyễn Thị Hoàng Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hòa 2 (Thuận An, Bình Dương): Hướng dẫn HS sử dụng thiết bị học tập hiệu quả
Cô Nguyễn Thị Hoàng Trang. |
Dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhưng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” vẫn cần thiết để HS hoàn cảnh khó khăn có thể học trực tuyến khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, các em có thể tìm hiểu thông tin, nguồn kiến thức để phục vụ học tập, hoặc tham gia những hội thi hữu ích trên Internet.... Tuy nhiên, nhà trường phải có sự giám sát, hướng dẫn các em sử dụng thiết bị học tập hiệu quả.
Cùng với đó, dạy học online hay dạy qua truyền hình là bước đi cần thiết cho chuyển đổi số trong giáo dục. Ngành cũng triển khai gắn mã định danh cho HS, GV, cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ… Vì vậy, việc cung cấp máy tính để tất cả HS có đầy đủ thiết bị học trực tuyến cũng là yếu tố hỗ trợ mục tiêu chuyển đổi số ngành Giáo dục thành công.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý nên cho từng nhà trường đăng ký số lượng. Đăng ký này kèm danh sách có minh chứng HS thật sự khó khăn để khi phân bổ về đúng đối tượng. Cùng với đó, tôi cũng mong mỏi ưu tiên trang bị phòng máy cho trường cũng như thiết bị hỗ trợ khác (hệ thống âm thanh, tai nghe, thiết bị ghi hình...) để thực hiện tốt dạy trực tiếp, trực tuyến, chuyển đổi số trong ngành Giáo dục.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới GDPT Việt Nam: Thúc đẩy phát triển xã hội số, chuyển đổi số
Ông Đặng Tự Ân. |
Cuộc vận động “Sóng và máy tính cho em” đã triển khai được trên một năm. Tuy chưa có số liệu tổng kết, nhưng có hàng chục nghìn tỷ đồng được huy động, hàng nghìn máy tính đã cấp phát trực tiếp cho HS. Sóng Internet cũng phủ tới nhiều vùng xa xôi của cả nước.
Đại dịch dần qua đi, nhịp độ dạy học truyền thống trong các nhà trường đã trở lại bình thường. Nhưng hình như Chương trình “Sóng và máy tính cho em” không còn sôi động, hiệu quả như khi đại dịch đang hoành hành phức tạp. Chúng ta cần đánh giá lại để tiếp tục cuộc vận động. Chúng ta không nhất thiết mua đồng loạt cùng chủng loại, cấu hình máy tính, thiết bị miễn là cung cấp nhiều nhất có thể cho các nhà trường. Trên cơ sở địa phương đã cấp máy tính cho HS và thực tế sử dụng, ngành Giáo dục cần hội thảo tìm ra cách cấp phát, cho mượn… sao cho công bằng, bảo quản và sử dụng máy tính có trách nhiệm, hiệu quả và lâu bền. Trải nghiệm của các địa phương là bài học quý giá giúp Bộ GD&ĐT bổ sung, chỉnh sửa hướng dẫn, chỉ đạo trong thời gian tới.
Cuộc vận động “Sóng và máy tính cho em” bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực nhất định. Tuy nhiên, đây không phải là kết quả có ý nghĩa tức thời hay tình thế mà cần phải là vươn tới mục tiêu cao hơn, sâu xa hơn mang tính chiến lược và thời đại. Chương trình vận động phải được đẩy mạnh trên toàn quốc, góp phần hướng tới mục tiêu 100% trường học trong toàn ngành được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện khác phục vụ cho dạy và học trực tuyến, tiếp cận công nghệ mà cụ thể nhất là học Tin học, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số, chuyển đổi số.