Thế nhưng, máy tính vẫn chưa đến tay học sinh. Nhiều nơi vẫn loay hoay chọn nhà thầu với nhiều thủ tục rườm rà khiến tiền tài trợ để mua sắm vẫn nằm yên.
Giáo dục gửi đi, tài chính trả lại
Cuối năm 2021, khi Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trường THCS & THPT Kpă Klơng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã lập danh sách những học sinh khó khăn, không có thiết bị học tập gửi lên Sở GD&ĐT Gia Lai.
Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 53% học sinh không có thiết bị để học trực tuyến. Trong thời gian chờ máy tính bảng từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhà trường khuyến khích các em học ghép từ 2 - 3 người. Trường cũng đầu tư lắp đặt một số camera để ghi lại bài giảng của giáo viên. Những em không thể đến trường học trực tuyến có thể tiếp thu kiến thức thông qua video hoặc camera.
Đến thời điểm này, nhiều học sinh trong diện được nhận máy tính bảng từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Trường THCS & THPT Kpă Klơng đã tốt nghiệp ra trường nhưng thiết bị thì vẫn chưa nhận được. “Nhà trường sẽ tiến hành rà soát lại, khi máy tính bảng được phân bổ về sẽ trao cho những học sinh thật sự cần. Chúng tôi rất mong thiết bị sớm được đưa về địa phương để phục vụ nhu cầu học tập”, thầy Sơn tâm sự.
Ông Phạm Đức Huệ - Trưởng phòng Tài chính, Sở GD&ĐT Gia Lai cho biết, đầu tháng 3/2022, sở tiếp nhận trên 36,3 tỷ đồng để mua hơn 14.000 máy tính bảng cho học sinh từ nguồn hỗ trợ của chương trình. Sau khi tiếp nhận, sở hực hiện nhiều thủ tục, kéo dài 45 ngày (1/3 - 15/4) để UBND tỉnh có văn bản giao đơn vị làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT lập thủ tục “xác lập sở hữu toàn dân” đối với số tiền được tài trợ. Tiền tài trợ lại chuyển ngược vào ngân sách tỉnh rồi làm thủ tục xuất lại ngân sách cấp cho sở. Những thủ tục này mất thêm 60 ngày nữa.
Sau khi có quyết định cấp kinh phí, đơn vị có 7 tờ trình lên Sở Tài chính theo quy định. Tuy nhiên, Sở Tài chính yêu cầu cung cấp nhiều loại tài liệu để làm rõ kết quả thẩm định giá, như: Hồ sơ chứng từ, hóa đơn bán hàng, hợp đồng mua bán tương tự đã có trên thị trường... Mặc dù những thủ tục, giấy tờ này không nằm trong yêu cầu của Bộ Tài chính tại Thông tư 58, tuy nhiên Sở GD&ĐT vẫn cung cấp đầy đủ tài liệu cho Sở Tài chính, nhưng vẫn chưa được phê duyệt.
“Việc thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tiếp tục bị dừng lại, chờ chỉ đạo, hướng dẫn. Do đó, việc mua máy tính bảng tiếp tục kéo dài và lập thủ tục xin chuyển nguồn kinh phí sang năm 2023, nếu không sẽ bị hủy nguồn kinh phí”, ông Huệ chia sẻ.
Còn tại Kon Tum, đầu tháng 3/2022 địa phương cũng tiếp nhận 35 tỷ đồng để mua 13.861 máy tính bảng cho học sinh khó khăn. Thế nhưng, đến nay, sở vẫn trong giai đoạn đấu thấu, thiết bị chưa được phân bổ về các trường học.
Theo bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum, ban đầu, khâu thẩm định giá có một số vướng mắc, cần hướng dẫn nhiều bước do liên quan đến định mức và cấu hình máy tính. Do đó, trong quá trình trao đổi về mặt kỹ thuật tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc đưa máy tính về cho các trường. Sở đang chấm thầu và tiến hành tập huấn cho bộ phận chuyên môn các trường về hướng khai thác, sử dụng thiết bị hiệu quả. “Sở phấn đấu sang đầu quý I năm 2023 sẽ lựa chọn được nhà thầu cung ứng tốt, đáp ứng được yêu cầu. Sau đó tổ chức các bước nghiệm thu, hướng dẫn sử dụng trong các cơ sở giáo dục”, bà Trung thông tin.
Học sinh ở huyện Kon Plông (Kon Tum) vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. |
Chờ đến bao giờ?
Em Lê Đức Hiếu (SV Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) được UBND Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi trao tặng chiếc máy tính trị giá 20 triệu đồng đúng thời điểm đang học online tại quê nhà vào tháng 11/2021. Hiếu mồ côi cha từ nhỏ, mẹ lại bị bệnh tâm thần, sống cùng ông bà ngoại. Vượt lên những khó khăn, chật vật về kinh tế, Hiếu luôn nỗ lực trong học tập với hy vọng có công việc ổn định, có thể chăm sóc cho mẹ và bà ngoại bị tai biến.
“Nhận được quà là chiếc máy vi tính như mong ước bấy lâu, em và bà ngoại rất cảm động. Em dùng chiếc điện thoại cũ để học trực tuyến nên thường xuyên bị rớt mạng. Có nhiều hôm em đã phải bỏ tiết giữa chừng vì máy quá chậm, không thể tải hết bài giảng của giảng viên. Món quà nhận được đúng thời điểm này rất quý giá đối với em”, Hiếu chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi chia sẻ: Những vướng mắc pháp lý trong quy trình, thủ tục để sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” địa phương nào cũng gặp phải chứ không riêng gì Quảng Ngãi hay Gia Lai, KonTum.
Tuy nhiên, khác với Gia Lai và Kon Tum, Quảng Ngãi đã thực hiện mua sắm 15.899 máy tính bảng để cấp phát cho học sinh trong toàn tỉnh với số tiền 38,9 tỷ đồng. Hiện còn hơn 7,8 tỷ đồng chưa mua sắm thiết bị. Dự kiến, việc mua sắm sẽ triển khai để chuyển thiết bị đến học sinh trong năm 2023.
Giải thích vì sao vẫn còn tồn đọng hơn 7,8 tỷ đồng từ các nguồn hỗ trợ cho Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, ông Nguyễn Ngọc Thái cho hay, do số liệu về học sinh được đề nghị cấp phát thiết bị và số tiền hỗ trợ có sự chênh lệch nhau nên cần rà soát, cân đối lại. Vì vậy, sở để lại số tiền trên chứ không thể đấu thầu hết trong cùng một thời điểm. Ngoài ra, tại thời điểm đấu thầu, các nhà thầu đều không đủ năng lực cung cấp được số lượng lớn máy tính trong một thời gian ngắn. Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đã tạm thời chia ra các gói thầu mua đợt 1, đợt 2.
Tại Trường Phổ thông nội trú Nam Trà My (Quảng Nam), dù làm hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của Sở GD&ĐT từ lâu nhưng đến nay, nhà trường chưa nhận được thông tin gì về Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Chia sẻ thông tin, thầy Hiệu trưởng Bùi Ngọc Luận đồng thời bày tỏ: “Học sinh đã học trực tiếp trở lại nhưng vẫn cần phương tiện để hỗ trợ trong học tập, khai thác tài liệu. Nếu được tiếp nhận chúng tôi sẽ có phương án để học sinh sử dụng một cách tối ưu nhất, ưu tiên phục vụ cho việc nâng cao chất lượng dạy – học”, thầy Luận thông tin.
“Địa phương chưa thực hiện xong việc mua sắm máy tính bảng từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để cấp cho học sinh. Sở sẽ cố gắng hoàn thành việc mua sắm, trang bị để các em học tập, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Qua đó, đảm bảo mục tiêu của Chính phủ đề ra theo chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030”, ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai nói.