Điều này dấy lên niềm tin vào giả thuyết sao Hỏa đã từng là một nơi đầy nước.
Trong bài viết đăng trên tạp chí về địa vật lý Journal of Geophysical Research, nhóm nhà nghiên cứu đến từ Pháp, Ý và Mỹ cho rằng khi một tiểu hành tinh lao vào nước, nó có thể tạo ra 2 trận sóng thần: một là do sự dịch chuyển của nước khi tiểu hành tinh đó chạm vào bề mặt đại dương và một là khi tiểu hành tinh đó đâm vào đáy đại dương.
Ảnh: NASA
Nhóm nghiên cứu cho rằng họ đã phát hiện một miệng núi lửa được tạo ra bởi sóng thần. Đây là “bằng chứng” mà những người ủng hộ giả thuyết “sao Hỏa ướt” đã tìm kiếm nhiều năm mà không thành công.
TS Francois Costard, chuyên về khoa học địa vật lý tại Trường ĐH Paris – Sud (Pháp) kiêm trưởng nhóm nghiên cứu, nói với đài BBC: “Chúng tôi đã tìm ra các trầm tích sóng thần điển hình dọc theo dải phân cách giữa hai bán cầu Bắc và Nam của sao Hỏa. Phát hiện này cho thấy vào thời điểm đó, có một đại dương ở phía Bắc sao Hỏa”.
Hình ảnh dấu vân tay giống những gợn nhấp nhô có thể do 2 đợt sóng thần khổng lồ gây ra. Ảnh: JGR – PLANETS
Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu, các dãy núi có hình vân tay trên bề mặt sao Hỏa – trước đây được cho là kết quả của một trận lở bùn hay các sông băng – cũng có thể được hình thành do tác động của sóng thần. Và miệng núi lửa Lomonosov gần đó – một cấu trúc dài 150 km được đặt tên theo nhà khoa học Milkhail Lomonosov của Nga hồi thế kỷ 18 – cũng là một bằng chứng. Cụ thể, miệng núi lửa hình thành sau trận sóng thần thứ nhất và các dãy núi là kết quả của trận thứ hai.
Giả thuyết “sao Hỏa ướt” tin rằng khoảng 3,8 tỉ năm trước, gần phân nửa hành tinh đỏ được bao phủ bởi đại dương. Từng chút một, nước dần bốc hơi và thoát qua tầng khí quyển mỏng của sao Hỏa, để lại một hành tinh khô khốc như ngày nay.
Những tàn dư của trận lụt lớn đã được khám phá trước đây trên hành tinh đỏ. Ảnh: ESA