Sống “siêu sạch” sẽ kích hoạt bệnh bạch cầu cấp ở trẻ

GD&TĐ - Nhốt trẻ cả ngày trong ngôi nhà “siêu sạch”, tránh xa những đứa trẻ khác, có thể kích hoạt bệnh bạch cầu ở trẻ, một nghiên cứu mang tính bước ngoặt cho thấy.

Sống “siêu sạch” sẽ kích hoạt bệnh bạch cầu cấp ở trẻ
Trẻ em sống trong môi trường quá sạch sẽ dễ phát triển bệnh bạch cầu.
Trẻ em sống trong môi trường quá sạch sẽ dễ phát triển bệnh bạch cầu.

Nghiên cứu mới là phân tích toàn diện nhất từng được thực hiện cho căn bệnh Bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp (ALL), đặc biệt phổ biến ở các nước tiên tiến giàu có và đang gia tăng tỉ lệ mắc khoảng 1% mỗi năm.

Nghiên cứu thấy rằng ALL phần nào gây ra bởi một đột biến di truyền khiến một số trẻ dễ bị bệnh. Nhưng chỉ 1% số trẻ mang sự thay đổi di truyền này tiếp tục phát triển ung thư.

GS. Mel Greaves, Giám đốc Trung tâm tiến hóa và ung thư tại Viện nghiên cứu ung thư London, kết luận rằng căn bệnh này được kích hoạt muộn hơn ở tuổi nhi đồng khi trẻ phơi nhiễm với các bệnh nhiễm trùng thông thường, đặc biệt là những trẻ có tuổi thơ “siêu sạch” trong năm đầu đời, không được tương tác nhiều với những trẻ khác.

Ông cho rằng có thể phòng ngừa được điều này nếu hệ thống miễn dịch của trẻ được "rèn luyện" trong năm đầu tiên của cuộc đời - có thể giúp trẻ tránh được chấn thương và hậu quả lâu dài của hóa trị.

Nghiên cứu cũng loại trừ các nguyên nhân môi trường, như bức xạ ion hóa, đường điện, sóng điện từ hoặc hóa chất nhân tạo

Bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp là gì?

Bệnh bạch cầu là bệnh của các tế bào bạch cầu. Tất cả các tế bào máu đều được tạo ra trong tủy xương và được giải phóng vào máu khi đã là các tế bào hình thành hoàn chỉnh.

Trong bệnh bạch cầu cấp, một số lượng lớn các tế bào bạch cầu còn non được giải phóng, khiến hồng cầu và tiểu cầu bị tụt giảm, dẫn đến thiếu máu, mệt mỏi, chảy máu nhiều và làm cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng.

TS. Alasdair Rankin, Giám đốc nghiên cứu tại tổ chức Bloodwise, nơi tài trợ cho công trình của GS. Greaves trong hơn 30 năm, cho biết: “Nhiều thập kỷ nghiên cứu của GS. Greaves đã chỉ ra rằng loại bệnh bạch cầu trẻ em phổ biến nhất này hầu như chắc chắn là do phản ứng bất thường với nhiễm trùng ở trẻ vốn đã có nguy cơ.

“Các điều trị hiện nay đối với bệnh bạch cầu ở trẻ em không phải lúc nào cũng thành công, và ngay cả khi thành công, vẫn có thể có tác dụng phụ ngắn và dài hạn nghiêm trọng, vì vậy nghiên cứu để tìm phương pháp điều trị tốt hơn là rất quan trọng.

"Nếu chúng ta có thể ngăn chặn loại bệnh bạch cầu này xảy ra ngay từ đầu thì sẽ rất đáng phấn khởi, nhưng nhiều câu hỏi vẫn cần phải được trả lời trong phòng nghiên cứu trước khi chúng ta biết chắc liệu điều đó có thể trở thành hiện thực hay không".

Giáo sư Mel Greaves của Viện Nghiên cứu Ung thư, London, cho biết đó là một “nghịch lý của sự tiến bộ trong xã hội hiện đại” khi mà những tiến bộ về mặt vệ sinh đã gây ra một căn bệnh nguy hiểm như vậy.

Công trình tập hợp kết quả 30 năm nghiên cứu về ung thư, đặt ra triển vọng bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp (ALL) có thể trở thành một căn bệnh ngăn ngừa được, điều được xem là “rất đáng phấn khởi”.

GS. Greaves, chia sẻ: “Nghiên cứu gợi ý rất rõ rằng ALL có nguyên nhân sinh học rõ ràng và được kích hoạt bởi nhiều bệnh nhiễm trùng ở những trẻ có cơ địa dễ mắc bệnh và có hệ miễn dịch chưa được rèn luyện đúng cách.

“Hàm ý quan trọng nhất là hầu hết các trường hợp bệnh bạch cầu ở trẻ em có thể phòng ngừa được.

"Điều này có thể được thực hiện theo cách giống như với các bệnh tự miễn hoặc dị ứng - có lẽ với những can thiệp đơn giản và an toàn để cho trẻ tiếp xúc với một loạt những vi khuẩn và vi-rút phổ biến và vô hại."

Các bước đơn giản như cho trẻ đi nhà trẻ hàng ngày để trẻ tiếp xúc với các em bé khác, nuôi con bằng sữa mẹ, chơi ngoài trời và không vệ sinh nhà cửa quá sạch sẽ có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Reviews Cancer.

Theo Dantri.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ