Sống lại kỷ niệm tuổi thơ với những trò chơi hơn 100 năm trước

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Văn hóa dân gian Việt Nam luôn độc đáo, bí ẩn chờ được khám phá. Trong đó, trò chơi hằng ngày của trẻ em cũng có những nét riêng đầy thú vị.

Trò chơi 'Con quay' được mô tả chi tiết cùng nhiều hình vẽ minh họa sinh động. Ảnh: Anh Sơn.
Trò chơi 'Con quay' được mô tả chi tiết cùng nhiều hình vẽ minh họa sinh động. Ảnh: Anh Sơn.

Nhất là khi đọc cuốn sách “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” được tác giả Ngô Quý Sơn viết cách đây gần một thế kỷ, độc giả có thể hiểu bao quát hơn để cùng lưu giữ nét đẹp văn hóa xưa.

Được viết bằng tiếng Pháp, tác phẩm dày 219 trang này chia thành 10 phần qua việc phân loại kĩ lưỡng về đặc điểm, cách chơi. Ngoài ra, còn có hai phần ghi chú của giáo viên Trường Trung học Bảo Hộ E. Bois Ngô Quý Sơn về cách ông đã phân loại những trò chơi ở phía trên và ý kiến giải nghĩa bài đồng dao nổi tiếng “Chi chi chành chành” từ Nguyễn Văn Huyên, một thành viên của Trường Viễn Đông thuộc Pháp.

Mở đầu cuốn sách là các trò chơi liên quan đến cơ thể. Lần lượt những trò dựa nhiều vào thể chất của người chơi được giới thiệu tường tận cả về câu chuyện lẫn cách chơi. Qua đây, độc giả được sống lại với những kỷ niệm tuổi thơ khi ở đó có nhiều trò thân thuộc như “Nu na nu nống” hay “Ú tim” mà hồi bé ai cũng chơi.

Đối với trò chơi mới, bên cạnh những dòng mô tả về cách thực hành hay đối tượng chơi còn có nhiều hình vẽ minh họa giúp độc giả có thể dễ dàng tưởng tượng hơn về không khí cũng như tinh thần của các trò chơi đó.

“Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” không chỉ đem đến những thông tin mới lạ về cách giải trí của trẻ con nhiều thập kỷ trước, khi điện thoại, Internet chưa ra đời, mà còn đưa ra những gợi ý hay để các chuyên gia bảo tồn văn hóa có thể phục dựng những nét đẹp đã biến mất từ lâu.

Ngoài ra, nhiều dị bản của một bài đồng dao trong trò chơi ở mỗi vùng miền cũng được tác giả liệt kê, thuyết minh.

“Nu na nu nống

Cái cống nằm trong

Cái ong nằm ngoài.

Củ khoai chấm mật

Bụt ngồi Bụt khóc

Con cóc nhảy ra

Con gà ú ụ

Bà mụ thổi xôi

Nhà tôi nấu chè

Tè he chân rụt”.

Những bài đồng dao đó cũng như cách chơi đa dạng đã thể hiện được sự sáng tạo của người xưa.

Tạm gác lại những trò đơn giản nhất có bộ phận trên cơ thể người chơi là trung tâm, tác giả Ngô Quý Sơn tiếp tục mang đến cho độc giả các trò chơi sử dụng que và sỏi. “Đánh chuyền” hay “Càng cua” có lẽ đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao người bởi luật chơi đơn giản và đề cao sự khéo léo, dẻo dai.

Cuốn sách 'Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ' được Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành. Ảnh: Anh Sơn.

Cuốn sách 'Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ' được Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành. Ảnh: Anh Sơn.

Trong những trò chơi thuở con nít “Đánh đáo” và “Thả diều” luôn cuốn hút nhiều người chơi nhất. Không chỉ vì những trận cãi nhau nảy lửa nhưng lại rất vui với chúng bạn xem ai có diều đẹp nhất hay ai đánh đáo khéo nhất mà những trò chơi này còn thể hiện được cá tính cũng như sự sáng tạo không giới hạn của trẻ con hồi đó.

Giữa trưa nắng mồ hôi tầm tã ngồi vót tre để làm diều thì cũng mệt thật đấy nhưng với những cậu bé được vinh danh khi diều của mình bay cao nhất, đẹp nhất trong hội làng đã là một niềm tự hào to lớn.

Các hiện tượng tâm linh, thần kì luôn là chủ đề nóng hổi trong trẻ con ở mọi thời đại mỗi khi màn đêm buông xuống. Vì thế, những trò chơi ma thuật cũng được tổng hợp khá đầy đủ và chi tiết trong cuốn sách này giúp cho độc giả có góc nhìn rõ hơn về chúng.

Ví dụ như hiện tượng ma trơi: “Người ta cho rằng ma trơi chính là những linh hồn lang thang. Đêm đêm chúng ồ ạt xuất hiện giữa mênh mông đồng ruộng. Khi ấy, chỉ những đứa trẻ táo gan dám đi ra nghĩa địa mà dùng những lời sau gọi ma trơi”.

Sợ hãi, hồi hộp nhưng cực kì thích thú và phấn khích khi trải qua, các trò chơi đầy tính ma mị luôn là những gia vị thật tuyệt vời trong quãng thời gian thơ ấu của mỗi người.

“Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa chết trương

Ba phương ngụ đế

Cấp kế thượng hải

Ú tim ù ập!”.

Có lẽ đây là bài đồng dao nổi tiếng nhất và nhiều dị bản nhất dành cho trẻ con ở miền Bắc Việt Nam. Bài đồng dao này cũng đi kèm với một trò chơi rất quen thuộc mà ai cũng từng chơi qua thời bé - “Chi chi chành chành”.

Vì vậy, hầu như ai ai cũng thuộc bài đồng dao này nhưng lại rất ít người thắc mắc về ý nghĩa của nó. Tác giả đã trích dẫn ý kiến của thành viên Trường Viễn Đông thuộc Pháp Nguyễn Văn Huyên để giải đáp dấu hỏi lớn đằng sau bài đồng dao này. Cách lý giải này khá hay và rất lý thú, độc giả có thể tìm đọc ở cuối tác phẩm.

Tại thời đại 4.0 với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, các món đồ chơi “ăn liền” ngày càng phổ biến, dẫn đến sự biến mất của không ít trò chơi truyền thống. Thực tế đó càng đòi hỏi việc sưu tầm và xuất bản các tác phẩm lưu dấu lại là rất quan trọng.

Và, tác phẩm “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” là một trong những cuốn sách hiếm hoi nghiên cứu, phân loại những trò chơi xưa của trẻ em miền Bắc, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ